ĐIỂM NHẤN DU LỊCH
Trên địa bàn huyện hiện có Khu du lịch biển Tân Thành được phê duyệt với diện tích 80,36 ha và Khu du lịch sinh thái Gò Công Phi Long; 2 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận là: Vườn táo Sáu Hồi tại xã Tân Thành và Trương Gia Phủ tại xã Bình Nghị; 1 Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt là Đền Thờ Trương Định ở xã Gia Thuận và 13 Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như: Đình Tân Đông, Lăng Ông Nam Hải Vàm Láng, Bia chiến thắng Xóm Gò (xã Tăng Hòa)….
Bờ biển được cứng hóa, tạo điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động du lịch cặp tuyến đê biển. Ảnh: QUỐC TOÀN
Ngoài ra, các khu vực gần bờ có tiềm năng phát triển du lịch lớn như: Cồn Ông Mão, khu Hàng Dương, bãi biển Tân Thành, huyện còn có hệ sinh thái rừng ngập mặn phòng hộ phân bổ ven biển và gần các cửa sông Soài Rạp, Cửa Tiểu với nhiều hệ động - thực vật sinh sống. Huyện còn có nhiều điểm du lịch như: Khu du lịch sinh thái Gò Công (xã Phước Trung), Điểm du lịch Đồng Diều (xã Kiểng Phước), Điểm du lịch sinh thái Vườn Xanh (xã Kiểng Phước)… thu hút khá đông khách đến tham quan, vui chơi vào dịp lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần.
Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành là điểm nhấn nổi bật nhất với khoảng 21,2 km bờ biển đã được cứng hóa, qua đó, tạo điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động du lịch cặp tuyến đê biển. Tại đây, du khách có thể tận hưởng bầu không khí trong lành, ngắm hoàng hôn trên biển, thưởng thức các món hải sản tươi ngon và tham gia vào các hoạt động giải trí sôi động. Gắn với biển Tân Thành là rừng ngập mặn nguyên sinh, nối với Cồn Ngang, Lũy Pháo Đài... có thể kết nối du lịch sinh thái vườn - biển với tour du lịch tỉnh.
Gò Công Đông có 14 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt và các di tích cấp tỉnh nổi tiếng. Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định tại xã Gia Thuận là một trong những địa điểm mà du khách thường xuyên ghé thăm để tìm hiểu lịch sử hào hùng của dân tộc. Lăng Ông Nam Hải ở thị trấn Vàm Láng và đình Tân Đông cũng là các di tích văn hóa đặc sắc, gắn liền với văn hóa ngư nghiệp và cuộc sống của người dân nơi đây.
Bên cạnh đó, Lễ hội Trương Định vào ngày 19, 20 tháng 8 hằng năm thu hút hàng ngàn khách du lịch, không chỉ từ các tỉnh lân cận mà còn từ nhiều nơi khác. Đây là dịp để du khách tham gia vào các nghi thức lễ hội truyền thống, hiểu thêm về nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển Gò Công.
Ngoài biển Tân Thành, Gò Công Đông còn phát triển các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn như: Vườn Xanh và GocoBay tại xã Kiểng Phước. Điểm du lịch sinh thái Vườn Xanh với khuôn viên rộng 28.000 m² có vườn cây ăn trái, trại cá koi, khu vui chơi trẻ em, hồ đạp vịt và các khu trải nghiệm dành cho gia đình. GocoBay nổi bật với khu vực thả diều nghệ thuật, sân khấu ngoài trời và nhà hàng phục vụ các món ăn địa phương.
CƠ HỘI MỚI CHO DU LỊCH
Trong buổi làm việc với UBND huyện Gò Công Đông về công tác quản lý mặt đê biển gắn với phát triển du lịch. Đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành dù đã có tiếng từ lâu, nhưng tiềm năng vẫn chưa được khai thác xứng tầm. Để phát huy hiệu quả giá trị của địa phương, đề nghị các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống và giải khát niêm yết giá, bán đúng giá, cũng như chấn chỉnh tình trạng chèo kéo khách và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Du khách đến tham quan du lịch tại biển Tân Thành. Ảnh: MINH THÀNH
Các trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang đê để kinh doanh sẽ bị xử lý nghiêm. Đồng chí cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư vào các dự án du lịch, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, chỉnh trang cảnh quan và giữ gìn vệ sinh môi trường.
Đảm bảo an ninh trật tự tại khu du lịch và liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh để phát triển các tour du lịch phong phú cũng là nhiệm vụ quan trọng. Với những tiềm năng và đặc điểm nổi bật, tin tưởng rằng biển Gò Công sẽ trở thành một điểm đến sinh thái hấp dẫn, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của huyện Gò Công Đông”.
Huyện Gò Công Đông hiện đang triển khai nhiều dự án đầu tư để phát triển du lịch. Trong đó, quy hoạch xây dựng tuyến phà cao tốc từ Vàm Láng đến Cần Giờ sẽ là bước đột phá, giúp kết nối giao thông thuận tiện giữa miền Tây và TP. Hồ Chí Minh. Việc phát triển tuyến đường ven biển, kè đê biển và nâng cấp hạ tầng giao thông nội bộ cũng sẽ giúp du khách di chuyển dễ dàng, an toàn và nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, các dự án như Khu đô thị biển Gò Công Đông và Cảng tổng hợp Gò Công dự kiến sẽ trở thành những động lực thúc đẩy du lịch biển và sinh thái của huyện trong tương lai. Những khu vực này được định hướng phát triển thành các khu nghỉ dưỡng sinh thái, kết hợp du lịch biển và dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước.
Nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách và phát triển du lịch bền vững, huyện Gò Công Đông đang thực hiện nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh xây dựng và nâng cấp các tuyến đường đến khu du lịch, hệ thống điện nước và các tiện ích phục vụ khách du lịch.
Tăng cường ý thức bảo vệ môi trường, tổ chức các hoạt động bảo vệ sinh thái và cải thiện vệ sinh tại các điểm du lịch. Chú trọng bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, phục vụ cho đội ngũ lao động tại các khu du lịch, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ…
Gò Công Đông là vùng đất giàu tiềm năng về du lịch biển và sinh thái, huyện đang tích cực mời gọi các nhà đầu tư để phát triển các khu du lịch hiện đại. Với quy hoạch bài bản và các chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương, hy vọng trong tương lai, Gò Công Đông sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn khám phá vẻ đẹp hoang sơ, trải nghiệm văn hóa đặc sắc và nghỉ dưỡng.
LÝ OANH