Ngày 19/11, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Tọa đàm "Tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và bất động sản".
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Anh Tuấn -Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, từ năm 2011, tại Đại hội XI, cải cách thể chế đã được Đảng ta xác định là một trong 3 đột phá chiến lược nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Trong 13 năm qua, nhiều luật, bộ luật đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung. Chính phủ đã ban hành hàng trăm nghị định hướng dẫn các luật mới. Tiếp theo đó là hàng loạt thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành… Tuy nhiên, đến nay, nhiều quy định của pháp luật và thủ tục hành chính vẫn đang là điểm nghẽn, kìm hãm phát triển. Nút thắt thể chế và tình trạng chậm trễ, thiếu nhất quán trong giải quyết các thủ tục đầu tư cũng đã làm giảm sức cạnh tranh của môi trường đầu tư của nước ta.
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Tấn Minh
Còn GS-TSKH. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam chia sẻ, việc đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là một phương thức đầu tư mới trong nền kinh tế thị trường nước ta, được Nhà nước hết sức quan tâm. Tuy nhiên, số lượng các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư sau ngày Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được Quốc hội thông qua năm 2020 (Luật PPP) có hiệu lực (1/1/2021), trong đó có các dự án hạ tầng giao thông không những không tăng mà còn giảm đi một cách đáng kể.
“Mặc dù đã có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh nhưng những vấn đề phát sinh trong thực tiễn từ phương thức đầu tư này vẫn đang cần sự điều chỉnh của pháp luật nước ta. Hiệu lực, hiệu quả của pháp luật không chỉ phụ thuộc vào thực trạng của bản thân hệ thống pháp luật mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác” - GS-TSKH. Trần Chủng cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thách thức lớn nhất của thị trường bất động sản và của doanh nghiệp là những "dự án treo" chưa được giải quyết hoặc giải quyết còn chậm thì ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường và lòng tin của người mua nhà.
Ông Nguyễn Văn Khôi kiến nghị, địa phương ban hành danh mục các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ được ngân sách hỗ trợ; điều chỉnh suất vốn đầu tư dự án nhà ở xã hội cho phù hợp với thực tế.
Cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương cụ thể hóa xác định bảng giá đất, giá bất động sản và đánh giá tác động tới thị trường bất động sản. Có phương thức điều tiết thị trường (kể cả khúc nhà ở), quản lý, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất; giám sát và xử lý nghiêm vi phạm lực lượng môi giới bất động sản./.
Các đại biểu kiến nghị các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp để các luật, chính sách mới có thể được đưa nhanh vào đời sống, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Mai Tấn