Gỡ khó cho các trường nghề

Gỡ khó cho các trường nghề
5 giờ trướcBài gốc
Thầy Trần Hùng Phong, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore mong muốn trường nghề được kết nối hệ thống dữ liệu của Bộ giáo dục để thuận tiện cho công tác tuyển sinh năm 2025
Tiếp cận thí sinh công bằng
Từ ngày 1-3-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhưng đến nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa thể kết nối vào hệ thống dữ liệu tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để thuận tiện trong công tác tuyển sinh.
Theo lãnh đạo một số trường giáo dục nghề nghiệp, việc kết nối vào hệ thống dữ liệu tuyển sinh không chỉ giúp thí sinh tiếp cận thông tin giữa giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp một cách minh bạch, đầy đủ, mà còn giúp các trường giáo dục nghề nghiệp cạnh tranh công bằng với các trường đại học trong việc tiếp cận thí sinh.
Thầy Trần Hùng Phong, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, cho biết vào đầu tháng 3, trường được chuyển sang cơ quan chủ quản mới và đã sẵn sàng kết nối hệ thống dữ liệu tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. “Đây không chỉ là việc làm cần thiết mà còn là mong đợi của các trường nghề, vì sẽ giúp cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng được tập trung, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông giữa các trình độ đào tạo. Từ hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung và nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh, cơ quan quản lý cũng có thể thực hiện tốt việc phân luồng, tạo đồng bộ cho hệ thống giáo dục quốc dân”, thầy Trần Hùng Phong nói.
Hiện công tác tư vấn tuyển sinh của các trường nghề vẫn thực hiện theo cách cũ: Tuyển sinh bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến truyền thống của nhà trường. Bên cạnh đó, các trường cũng tăng cường phối hợp, hướng nghiệp, phân luồng người học sau tốt nghiệp các bậc học phổ thông để vào học các trình độ của giáo dục nghề nghiệp.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn tuyển sinh trình độ cao đẳng năm 2025. Theo đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng năm 2025 tiếp tục thực hiện theo Thông tư số 05 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo thông tư này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thực hiện tuyển sinh một hoặc nhiều lần trong năm với phương thức: Xét tuyển hoặc thi tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển, do cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự quyết định. Riêng các ngành, nghề thuộc khối sức khỏe như dược học, điều dưỡng - hộ sinh, y học cổ truyền, kỹ thuật phục hình răng, ngưỡng đầu vào trình độ cao đẳng được quy định là điểm trung bình cộng tối thiểu từ 5,0 áp dụng cho mọi hình thức tuyển sinh.
Về việc hỗ trợ các trường tham gia hệ thống tuyển sinh chung trên Hệ thống cơ sở dữ liệu (Hemis) của bộ sẽ được bộ hướng dẫn cụ thể trong hội nghị triển khai công tác tuyển sinh năm 2025 dự kiến tổ chức trong tháng 5-2025.
Thống kê toàn tỉnh có 65 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và một số trường cao đẳng, trung cấp liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 30-4, toàn tỉnh tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp là 11.924 học viên; trong đó, cao đẳng liên thông là 1.050 sinh viên, trung cấp 104 học sinh, sơ cấp và dưới 3 tháng là 10.770 học viên. 4 tháng đầu năm, số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp là 12.182 học viên.
Công tác đào tạo nghề tại Bình Dương ngày càng được quan tâm, nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng cao của thị trường lao động
Đẩy mạnh gắn kết “3 nhà”
Nói về Thông tư 05 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bà Trương Hải Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, cho rằng: Trong bối cảnh Bình Dương và cả nước đang tích cực thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Thông tư số 05/2021 cho phép các trường tự chủ tuyển sinh, đòi hỏi các trường phải chủ động triển khai công tác tuyển sinh với nhiều hình thức để thu hút học sinh, sinh viên vào học. Đặc biệt, việc gắn kết “3 nhà” (Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp) trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp là hướng đi tất yếu để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Từ đầu năm 2025, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã được chuyển giao qua ngành GD&ĐT quản lý. Trong 4 tháng đầu năm, do trong quá trình chuyển giao, nên chưa tổ chức các hội thảo, hội nghị về gắn kết doanh nghiệp với cơ sở đào tạo. Thời gian tới, sở sẽ chủ động tổ chức các hội thảo, hội nghị và các hoạt động tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, sở cũng khuyến khích, nhân rộng mô hình liên kết hiệu quả của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm.
Bà Nguyễn Thị Trường Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương, kiến nghị: “Sở tiếp tục quan tâm trình cấp thẩm quyền tiếp tục áp dụng Nghị quyết 24/2023 của HĐND tỉnh Bình Dương về quy định chế độ hỗ trợ cho sinh viên ngành điều dưỡng hộ sinh sau sáp nhập. Việc tiếp tục áp dụng Nghị quyết 24/2023 của HĐND tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho 2 khối ngành học này trong bối cảnh nhu cầu nhân lực cao”.
KIM HÀ - KHẮC THỊNH
Nguồn Bình Dương : https://baobinhduong.vn/go-kho-cho-cac-truong-nghe-a347358.html