Gỡ khó cho doanh nghiệp trồng rừng

Gỡ khó cho doanh nghiệp trồng rừng
6 giờ trướcBài gốc
Bên cạnh các yếu tố về tài chính, thiên tai thì một phần diện tích đất thuộc dự án bị người dân lấn chiếm để canh tác. Trước tình hình đó, doanh nghiệp rất cần sự chung tay hỗ trợ từ nhiều phía gỡ khó để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Minh Anh Nguyễn Gia Lai triển khai trồng rừng ở xã Ia Bă (huyện Ia Grai). Ảnh: M.P
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 13 doanh nghiệp được cấp chủ trương đầu tư trồng 5.521 ha rừng với tổng nguồn vốn 280 tỷ đồng. Đến nay, các doanh nghiệp mới chỉ trồng được hơn 2.724 ha.
Trong số này, nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng như: Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Phước đã trồng hơn 561 ha rừng tại xã Ia Hdreh (huyện Krông Pa), 373 ha rừng sản xuất tại xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện); Công ty TNHH Thương mại Việt Stone Gia Lai trồng 540 ha rừng sản xuất tại xã Ia Tul (huyện Ia Pa); Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Lâm Khang trồng 175 ha rừng tại xã Ia Ka (huyện Chư Păh).
Bên cạnh đó, tại một số doanh nghiệp, việc triển khai dự án còn chậm. Ông Trương Đình Vĩnh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Minh Anh Nguyễn Gia Lai-cho biết: Theo chủ trương đầu tư, doanh nghiệp trồng 468,9 ha rừng sản xuất tại xã Ia Bă và Ia Grăng (huyện Ia Grai). Từ năm 2017 đến nay, doanh nghiệp đã hoàn thành hơn 400 ha, số diện tích còn lại người dân đang xâm canh, chưa xử lý.
“Ban ngày, Công ty tổ chức trồng thì đêm đến người dân đến nhổ cây. Công ty cũng đã báo cáo chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Chúng tôi đang rất cần mở rộng thêm quy mô dự án trồng rừng và sớm hoàn thành nếu không gặp trở ngại này”-ông Vĩnh nhấn mạnh.
Ông Trương Đình Vĩnh là người đại diện của Công ty TNHH EAST WOOD Tây Nguyên được tỉnh cho chủ trương liên kết trồng rừng với một số công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện Kông Chro và Mang Yang. Năm nay, doanh nghiệp dự kiến trồng 1.000 ha nhưng Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de không có đủ diện tích giao cho đơn vị thực hiện.
Do vậy, Công ty chỉ trồng khoảng 200 ha. Tương tự, một số công ty lâm nghiệp cũng rơi vào trường hợp diện tích manh mún, nhỏ lẻ theo kiểu da báo, gây khó cho doanh nghiệp triển khai trồng rừng.
“Sở Nông nghiệp và PTNT cũng có tổ chức họp giữa doanh nghiệp với các công ty lâm nghiệp để làm rõ vấn đề diện tích liên kết trồng rừng. Doanh nghiệp muốn các công ty lâm nghiệp thông báo diện tích cụ thể để có kế hoạch vốn, cây giống nhằm triển khai trồng rừng đạt kết quả”-ông Vĩnh nói.
Công ty cổ phần Xã hội Hoàng Kim Tây Nguyên cũng đang gặp khó trong việc triển khai trồng rừng trên địa bàn xã Hà Đông, huyện Đak Đoa. Mặc dù được tỉnh cấp chủ trương đầu tư năm 2017 nhưng doanh nghiệp cũng chỉ mới trồng gần 100/417,6 ha.
Ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Giám đốc Công ty-cho biết: Đất dự án giao cho doanh nghiệp là đất sạch trên giấy tờ, còn thực tế thì nhiều diện tích người dân đã canh tác từ lâu.
“Doanh nghiệp muốn có đất trồng rừng thì xây dựng phương án vận động người dân giao đất hoặc liên kết với doanh nghiệp trồng rừng. Muốn làm được việc này thì doanh nghiệp vận động thuyết phục và phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa 2 bên thì mới mong đạt được chỉ tiêu trồng rừng. Nếu đạt được thỏa thuận, Công ty phấn đấu nâng diện tích rừng trồng lên 200 ha trong năm 2025”-ông Dũng nói.
Người dân triển khai công tác trồng rừng trên địa bàn huyện Mang Yang. Ảnh: Minh Phương
Còn ông Nguyễn Duy Việt-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Trần Quang Gia Lai thì cho hay: “Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã trồng hơn 719 ha và đang tiến hành trồng lại khoảng 20 ha diện tích trồng bị chết, dự kiến hoàn thành trong năm nay.
Tuy nhiên, phần lớn diện tích giao trồng rừng nằm ở nhiều vị trí khác nhau, rải rác ở các khu vực đồi núi cao nên dẫn đến tỷ lệ hao hụt lớn. Mặt khác, việc trồng rừng phụ thuộc vào thời tiết, việc thường xuyên xảy ra sự cố thiên tai đã ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng của doanh nghiệp”.
Trường hợp của Hợp tác xã Nông nghiệp, xây dựng và kinh doanh tổng hợp Ia Trốk (huyện Ia Pa) là minh chứng cụ thể. Đơn vị đăng ký trồng 417 ha rừng sản xuất tại xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa) nhưng phần lớn diện tích sau khi trồng đã bị lửa thiêu rụi.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đầu năm 2024 đã xảy ra cháy cây trồng chưa thành rừng tại các tiểu khu: 1284, 1285, 1286, 1288 trên địa bàn xã Ia Rbol do Hợp tác xã Nông nghiệp, xây dựng và kinh doanh tổng hợp Ia Trốk quản lý. Diện tích bị cháy hơn 216,8 ha cây keo lai, bạch đàn được trồng năm 2021, 2022 (100% không có khả năng phục hồi). Hợp tác xã đang có kế hoạch trồng lại diện tích cây trồng đã bị cháy.
Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT cho thấy, ngoài một số dự án khảo sát có vị trí trùng nhau nên kéo dài thời gian thực hiện các quy trình, thủ tục theo đúng quy định thì một số dự án trồng rừng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và được thuê đất khi triển khai gặp một số vướng mắc do người dân lấn chiếm nên kéo dài tiến độ thực hiện dự án.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Sở thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương, đơn vị kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc về đất đai, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác đầu tư, liên danh, liên kết trồng rừng.
“Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo về việc liên danh, liên kết trồng rừng của các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng với các doanh nghiệp có năng lực tài chính, công nghệ và trình độ quản lý.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn về chính sách, cải thiện môi trường đầu tư để kêu gọi các doanh nghiệp trồng rừng bằng nguồn lực xã hội hóa”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh.
MINH PHƯƠNG
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/go-kho-cho-doanh-nghiep-trong-rung-post305185.html