Gỡ khó để du lịch cộng đồng phát triển - Kỳ 1: Chưa hút khách

Gỡ khó để du lịch cộng đồng phát triển - Kỳ 1: Chưa hút khách
6 giờ trướcBài gốc
Trái ngược với hình ảnh đông đúc những ngày mới mở, khung cảnh thực tế nhiều tháng gần đây ở Vân Thê Garden (xã Thủy Thanh - nay là phường Thanh Thủy, TP. Huế) là rất vắng khách, thậm chí nhiều ngày đóng cửa. Anh Nguyễn Mậu Hòa, một trong những người tâm huyết, đầu tư ở điểm du lịch này chia sẻ: “Vân Thê Garden không thông báo tạm dừng hoạt động, nhưng không thể mở cửa hàng ngày vì không có khách. Lúc nào có khách, chúng tôi vẫn sẵn sàng phục vụ”.
Anh Hòa cho biết, anh đã cùng với người thân dành dụm, góp vốn đầu tư chung một số tiền không nhỏ cho mô hình này. "Đồng tiền đi liền khúc ruột", thế nhưng, đôi lúc có khách mà không thể phục vụ. “Có khi chỉ có một khách, nhưng phải huy động nhiều người phục vụ, từ các trải nghiệm, ẩm thực. Trong trường hợp ấy, không thể đón khách, vì không đủ trả tiền nhân viên, cũng không thể nâng giá phục vụ khách lên”, anh Hòa trải lòng.
Khó khăn trong việc hút khách là trăn trở chung của nhiều người làm DLCĐ. Như trường hợp anh Huỳnh Tấn Phấn, từng là một cán bộ lãnh đạo ở xã Dương Hòa - nay là phường Phú Bài, TP. Huế. Khi mô hình DLCĐ được hình thành ở địa phương, gia đình anh Phấn tích cực tham gia, phần vì muốn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, cùng với bà con nhân dân làm du lịch, phần tận dụng lợi thế những tán cây vườn thanh trà kết hợp làm DLCĐ. Giai đoạn đầu mở ra, khách khá đông. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, khách lại vắng. Anh Phấn thật lòng: “Ở xã cũng nhiều mô hình DLCĐ nhưng khách giảm hẳn. Không có nguồn thu, cơ sở vật chất xuống cấp chưa thể đầu tư lại nên phải tạm dừng”.
Chuyện của những người bỏ tiền túi ra làm DLCĐ chỉ là một trong những thực tế đầy trăn trở từ các mô hình DLCĐ. Với hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, từ sông nước, đầm phá đến núi rừng, cùng bản sắc văn hóa truyền thống được gìn giữ khá nguyên vẹn, Huế có thể phát triển đa dạng các loại hình du lịch gắn với cộng đồng như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa làng quê và du lịch trải nghiệm. Các địa phương trên toàn thành phố đã hình thành các mô hình DLCĐ. Nhưng, sau một vài tín hiệu vui, khó khăn cũng dần bộc lộ.
Điểm du lịch sinh thái cộng đồng thôn Dỗi (xã Thượng Lộ, huyện Phú Lộc - nay là xã Khe Tre, TP. Huế) từng là điểm du lịch nổi tiếng gắn với các trải nghiệm ẩm thực truyền thống của đồng bào Cơ Tu; giao lưu văn nghệ; tắm thác Kazan; trải nghiệm làng nghề truyền thống (dệt zèng), trải nghiệm gặt lúa và đánh bắt cá suối. Song, hai năm trở lại, mô hình DLCĐ này gặp rất nhiều khó khăn.
Trước ngày sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, bà Hồ Thị Hằng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộ (nay là xã Khe Tre) vẫn đau đáu về phát triển DLCĐ, vốn là cơ hội để bà con người dân vùng cao này thay đổi cuộc sống. Bà Hằng trăn trở: “Trước đây, khi có các dự án phi chính phủ hỗ trợ, mô hình DLCĐ ở đây rất sôi động. Dự án hỗ trợ kết thúc, mô hình cũng gặp khó. Mỗi tháng chỉ 1 - 2 đoàn khách, số lượng vài người, chủ yếu tắm thác, thưởng thức ẩm thực. Khách thưa, nguồn thu nhập bấp bênh, người dân dần mất động lực”.
Hoạt động của điểm du lịch thôn Dỗi được quản lý bởi hợp tác xã DLCĐ thác Kazan, nhưng khi điểm đến thiếu khách, việc tổ chức, quản lý và hoạt động cũng không thể ổn định. Theo bà Hằng, ngoài tổ ẩm thực, tổ văn hóa duy trì hoạt động, các tổ khác như: Tổ truyền thông, tổ trải nghiệm… không thể đồng hành. Những người trong tổ dệt zèng thì tranh thủ ban đêm để làm, mục đích phục vụ sản xuất chứ không phải phục vụ du lịch. Khách tới không có sản phẩm, họ thất vọng và thật khó để thuyết phục họ quay lại lần sau.
Theo một cán bộ Sở Du lịch, ước tính cơ cấu khách DLCĐ mới chiếm khoảng 10% trong tổng lượng khách đến Huế. Số lượng khách quyết định phần nào tính bền vững của mô hình du lịch này và cũng đặt ra những trăn trở trong chiến lược phát triển du lịch của Cố đô
Ông Trần Quang Hào, Chi hội trưởng Chi hội DLCĐ TP. Huế, Giám đốc Công ty CP Đầu tư & Dịch vụ Du lịch Huế (Huetourist) chia sẻ, trước đây, các điểm DLCĐ ở Huế khá đông khách. Hiện nay, trung bình 10 công ty gửi khách thì chỉ có 2 công ty quan tâm đến DLCĐ. Các kênh gửi khách du lịch online của quốc tế thì cũng chỉ có 8 - 10% quan tâm DLCĐ.
Nếu lấy lý do thôn Dỗi xa trung tâm TP. Huế để giải thích cho nguyên nhân khó thu hút khách thì điểm DLCĐ cầu ngói Thanh Toàn - nơi từng là 1 trong 8 đơn vị của Việt Nam được trao giải thưởng “Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN” 2017, có thể là một minh chứng điển hình không gì sáng sủa hơn trong phát triển DLCĐ. Gần khu vực trung tâm thành phố, giao thông thuận lợi, có nền tảng là cây cầu ngói có tuổi đời gần 250 năm và khung cảnh đồng quê, thế nhưng điểm DLCĐ này được chính người địa phương thừa nhận là đang… loay hoay nhiều nỗi lo.
Trước đây, điểm DLCĐ này từng được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tài trợ để nâng cao năng lực làm DLCĐ; cải tạo nhà trưng bày nông cụ, lắp các biển báo chỉ dẫn. Bên cạnh đó, các nguồn lực của Nhà nước cũng quan tâm, đầu tư cho điểm du lịch. Mặc dù duy trì được một chương trình có thương hiệu là “Chợ quê ngày hội”, hình thành được chợ đêm, nhưng đến nay, không chỉ các đơn vị lữ hành, du khách mà chính người làm DLCĐ nơi đây cũng không thể giấu được nỗi lo.
Nhà trưng bày nông cụ và các hoạt động quảng diễn từng là điểm hấp dẫn khách tham quan, nay gần như không còn sức hút. Hiện vật ở nhà trưng bày nông cụ xuống cấp theo thời gian do thiếu bàn tay chăm sóc của cộng đồng. Hợp tác xã DLCĐ Thanh Toàn từng là đơn vị đầu mối quản lý điểm du lịch. Song, hoạt động khó khăn, hợp tác xã này cũng phải giao lại trọng trách quản lý cho Hợp tác xã nông nghiệp Thủy Thanh. Chính vì không có khách, nguồn thu từ việc bán vé ở nhà trưng bày nông cụ bị giảm sút, ban quản lý điểm du lịch này buộc phải nhờ một cụ ông lớn tuổi vừa làm bảo vệ, vừa làm nhân viên bán vé.
Các đơn vị lữ hành không mặn mà vì khách phàn nàn. Họ cho rằng, DLCĐ nhưng lại giao cho một đơn vị không có chuyên môn làm du lịch. Nhà trưng bày nông cụ là vệ tinh của điểm DLCĐ cầu ngói Thanh Toàn, là nguồn thu chính nhưng không tạo được sự hấp dẫn, không có thuyết minh viên điểm đến thì họ có thể “cắt” dịch vụ này trong chương trình tour.
Thực tế, dù mỗi điểm DLCĐ có đặc trưng riêng, nhưng phần lớn đều lặp lại kịch bản: Ban đầu sôi động, về sau vắng khách. Ông Hoàng Tấn Minh, người làm DLCĐ ở điểm du lịch làng cổ Phước Tích (Phong Hòa, TX. Phong Điền - nay là phường Phong Dinh, TP. Huế) trải lòng: “Trung bình 2 - 3 ngày mới có đoàn khách hoặc khách lẻ. Khách chưa đều, nên mô hình DLCĐ ở đây ít nhiều gặp khó khăn. Khi có khách, ban quản lý báo mới tập hợp các tổ, bộ phận để làm”.
Bài toán "con gà quả trứng" là vòng luẩn quẩn ở các điểm DLCĐ. Khi không có khách, chẳng mấy ai mặn mà làm DLCĐ, đầu tư cho sản phẩm/ Không có sản phẩm, không thể thu hút khách đến! Từ năm 2018 đến nay, TP. Huế có 15 điểm du lịch được UBND thành phố công nhận là điểm du lịch, trong đó có 12 điểm DLCĐ, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng. Quyết tâm là có nhưng nỗi lo còn thường trực khi phát triển bền vững DLCĐ vẫn đang là một câu chuyện dài.
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/e-magazine/go-kho-de-du-lich-cong-dong-phat-trien-ky-1-chua-hut-khach-155659.html