Người dân huyện Mường Lát phát triển chăn nuôi để nâng cao thu nhập.
Trong báo cáo tổng kết thi hành Luật Thú y năm 2015 trên địa bàn tỉnh (giai đoạn từ 1/7/2016 đến 31/12/2024), Sở Nông nghiệp và Môi trường đánh giá: Các quy định trong Luật Thú y đã tạo hành lang, cơ sở pháp lý thuận lợi để phát triển các loại hình dịch vụ trong hoạt động thú y, cũng như cải thiện công tác giám sát, phát hiện bệnh, báo cáo dịch bệnh. Công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi, tạo nguồn thực phẩm sạch phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giảm thiệt hại dịch bệnh động vật trên cạn và động vật thủy sản.
Để thể chế hóa Luật Thú y, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu ban hành 30 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 2 nghị quyết của HĐND tỉnh và 28 quyết định của UBND tỉnh. Đặc biệt, năm 2019 UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc thành lập Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, tạo cơ sở cho việc quản lý chuyên ngành thú y trên địa bàn tỉnh.
Cùng với hoàn thiện thể chế, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thú y được triển khai mạnh mẽ với 676 hội nghị tập huấn, thu hút 51.899 người tham dự từ các cấp, ngành và người dân. Tỉnh cũng đã phát hành 16.069 tờ rơi, 1.215 pano áp phích, thực hiện 35 phóng sự truyền hình và 1.284 bản tin phát thanh, góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về phòng, chống dịch bệnh động vật.
Hằng năm tỉnh bố trí 12,85 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Người chăn nuôi đầu tư khoảng 5% giá trị chăn nuôi cho công tác phòng, chống dịch bệnh, tương ứng khoảng 589 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm đạt từ 70 - 90% tổng đàn, góp phần kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm.
Tỉnh cũng đã xây dựng 106 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, trong đó có 52 cơ sở chăn nuôi lợn, 4 cơ sở chăn nuôi bò và 50 cơ sở chăn nuôi gia cầm. Đặc biệt, tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại tại TP Thanh Hóa và vùng an toàn dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Thạch Thành theo đúng lộ trình.
Công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và kiểm soát giết mổ cũng đạt được những kết quả tích cực. Từ tháng 7/2016 đến hết năm 2024, tỉnh đã thực hiện kiểm dịch cho 1.499.740 con lợn giống, 1.532.968 con lợn thương phẩm, 11.067.700 con gà giống, 26.937.760 con gà thương phẩm và hơn 6 triệu kg các loại sản phẩm động vật. Về kiểm soát giết mổ, đã thực hiện kiểm soát 52.591 con trâu, bò, 913.499 con lợn và 11.188.770 con gia cầm tại các cơ sở giết mổ tập trung.
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, nhưng việc thực thi Luật Thú y trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn. Sau khi thực hiện sáp nhập, thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp, chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thú y được chuyển giao cho phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn/phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố nhưng không bổ sung biên chế chuyên môn thú y để thực hiện. Trên toàn tỉnh chỉ có 18/27 phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn có cán bộ chuyên môn về chăn nuôi thú y, gây khó khăn lớn trong triển khai nhiệm vụ.
Công tác kiểm dịch động vật gặp nhiều khó khăn do thiếu kiểm dịch viên. Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ có 14 kiểm dịch viên động vật, không đủ để đáp ứng yêu cầu kiểm dịch trên địa bàn 26 huyện, thị xã, thành phố. Do đó, việc kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh và mất an toàn thực phẩm.
Tình trạng thiếu nhân lực cũng ảnh hưởng đến công tác kiểm soát giết mổ. Hiện tại, tỉnh chỉ kiểm soát được khoảng 30% trong tổng số 1.390 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, còn lại phần lớn hoạt động tự phát, khó kiểm soát về điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Ở cấp xã, sau khi sắp xếp lại chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách, nhiều xã, thị trấn hiện nay không bố trí nhân viên thú y hoặc có kiêm nhiệm nhưng không có chuyên môn. Toàn tỉnh có 489 nhân viên thú y xã/558 xã, trong đó chỉ có 366 xã có nhân viên thú y chuyên trách, 122 xã có nhân viên thú y kiêm nhiệm, còn lại 70 xã, phường, thị trấn không có nhân viên thú y.
Trước những khó khăn trên, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường tham mưu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội quy định thống nhất trên toàn quốc về mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp cho phù hợp với tình hình thực tế mới. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về thú y; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thú y các cấp; tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm; đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh; xây dựng mạng lưới giết mổ tập trung hiện đại, bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Bài và ảnh: Ngân Hà