Một góc thành phố Bắc Giang. Ảnh: Danh Lam - TTXVN
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn, thời gian tới tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Các cơ quan quản lý nhà nước ở tỉnh thực hiện nhất quán chủ trương"đồng hành cùng doanh nghiệp", tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án.
UBND cấp huyện, xã tuyên truyền, giải thích, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; tập trung cao tháo gỡ những khó khăn vướng mắc ở cơ sở; xây dựng kế hoạch cụ thể để giải quyết vướng mắc ở từng dự án; kiên quyết tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp đã giải quyết đúng pháp luật nhưng người dân không tự giác bàn giao mặt bằng; tập trung cao trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại (đối với các dự án đã giao đất nhiều đợt) để hoàn thiện việc giao đất giúp cho chủ đầu tư hoàn thành toàn bộ dự án.
Tỉnh Bắc Giang tăng cường công tác quản lý, theo dõi các dự án đầu tư trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật có liên quan, nhất là các dự án chậm tiến độ kéo dài, ngừng hoạt động.
Cùng với đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư có năng lực yếu kém, không có khả năng triển khai dự án; phát hiện vi phạm pháp luật về quy hoạch, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản... để kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý.
Các nhà đầu tư, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ hơn nữa với UBND các huyện, thành phố, thị xã trong công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án; chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhất là các quy định của pháp pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, an ninh trật tự... Thực hiện dự án theo kế hoạch đã đề ra, đẩy nhanh tiến độ thi công sau khi đã được bàn giao mặt bằng, cấp phép xây dựng để hạn chế các vấn đề phát sinh...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang triển khai nhiều dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước; trong đó, 47 dự án sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp; 93 dự án ngoài khu công nghiệp; 201 dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở, nhà ở xã hội…
Các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, các dự án còn đóng góp tích cực vào thu ngân sách tỉnh; đẩy mạnh xuất khẩu, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các lao động địa phương cũng như lao động các tỉnh lân cận, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh thông qua hệ thống đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo ngoài doanh nghiệp.
Các dự án khu đô thị, khu dân cư và nhà ở khi đi vào hoạt động đã tạo ra diện mạo mới cho các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, hình thành các không gian sống tốt hơn, sáng - xanh - sạch - đẹp với hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, góp phần nâng cao tỷ lệ đô thị hóa ở cả khu vực nông thôn và miền núi. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, phát triển thị thường bất động sản, tạo quỹ đất thương mại dịch vụ, xã hội để thu hút đầu tư phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện của một số dự án sản xuất kinh doanh còn chậm (dự án Cụm cảng và chế biến gỗ của Công ty Cổ phần Thiên Lâm Đạt tại huyện Lục Ngạn; dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử..).
Một số dự án còn xảy ra phức tạp về an ninh, trật tự; một số chủ đầu tư còn bị xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, môi trường: Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại – dịch vụ Phúc Thành (chủ đầu tư dự án Khu thương mại dịch vụ tổng hợp số 1 Hương Gián); Công ty trách nhiệm hữu hạn Vinatech Vina (chủ đầu tư dự án Vinatech Nham Sơn - Yên Lư); Công ty trách nhiệm hữu hạn SEOJIN Việt Nam (chủ đầu tư dự án Nhà máy Seojin Việt Nam 3)…
Đa số các dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở, nhà ở xã hội đều vướng mắc công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án, phải xin gia hạn thực hiện dự án nhiều lần; một số dự án triển khai cơ bản, tuy nhiên, còn vướng mắc phần diện tích nhỏ chưa thu hồi đất, giải phóng mặt bằng xong do UBND cấp huyện chưa giải quyết dứt điểm dẫn đến nhà đầu tư chưa thể quyết toán và bàn giao công trình...
Việt Hùng/TTXVN