Được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quan Sơn, nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã Sơn Hà (Quan Sơn) đã vươn lên thoát nghèo.
Tiểu dự án 2 (Dự án 4) về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là dự án có tỷ lệ giải ngân rất thấp, chỉ đạt 8,5%. Cụ thể, tổng vốn Trung ương giao thực hiện năm 2024 là gần 15 tỷ đồng (gồm vốn năm 2022, 2023 chuyển nguồn sang năm 2024 là hơn 8 tỷ đồng, vốn năm 2024 là 6 tỷ 969 triệu đồng) để thực hiện tiểu dự án. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 9/2024 mới giải ngân được 256 triệu đồng vốn năm 2022, 2023 chuyển sang, lũy kế đến nay giải ngân được 1 tỷ 374 triệu đồng cho các hoạt động, như: Hỗ trợ trực tiếp chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, khám sức khỏe, làm hộ chiếu, làm lý lịch tư pháp, lệ phí cấp visa cho người lao động đủ điều kiện xuất cảnh; thực hiện tập huấn cho cán bộ và tuyên truyền viên cơ sở, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động và thân nhân người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Việc chậm trễ này được lý giải là do người lao động không cung cấp được hóa đơn, chứng từ đối với các khoản thu học tiếng, giáo dục định hướng, chi phí xuất cảnh dùng để thanh toán với cơ quan Nhà nước; một số huyện chưa thực hiện hỗ trợ đối với cán bộ làm công tác tư vấn; công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc thu thập, lưu giữ những hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc thanh toán chi phí hỗ trợ của các huyện chưa được quan tâm đúng mức; chưa có hướng dẫn ban hành giá của dịch vụ đào tạo ngoại ngữ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước, gây khó khăn trong việc xác định đơn giá để đặt hàng đào tạo ngoại ngữ với các đơn vị dịch vụ.
Hay như, Tiểu dự án 1 (Dự án 4) về phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn có tổng vốn sự nghiệp thực hiện năm 2024 là 133 tỷ 641 triệu đồng (bao gồm vốn năm 2022, 2023 chuyển nguồn sang năm 2024 là 82 tỷ 303 triệu đồng, vốn được giao năm 2024 là 51 tỷ 338 triệu đồng). Tính đến tháng 9/2024, mới giải ngân được 4 tỷ 532 triệu đồng vốn sự nghiệp (năm 2022, 2023 chuyển nguồn sang), đạt 4,8%, lũy kế giải ngân đến nay được 12 tỷ 644 triệu đồng đạt 8,86%.
Theo tìm hiểu được biết, nguyên nhân chậm trễ là do công tác tuyển sinh đào tạo nghề cho người lao động còn gặp nhiều khó khăn do quy định chồng chéo về các đối tượng của từng chương trình MTQG. Bên cạnh đó, việc liên kết phối hợp trong quá trình đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp chưa chặt chẽ, ảnh hưởng đến công tác tạo việc làm cho người lao động sau khi học nghề và cam kết bao tiêu sản phẩm chưa thực sự đảm bảo. Mặt khác, một số địa phương đang hiểu sai về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện nên chưa giao nhiệm vụ cho trung tâm về tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề cho người lao động, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của chương trình.
Ngoài các dự án, tiểu dự án nêu trên vẫn còn một số dự án, tiểu dự án chậm giải ngân vốn làm ảnh hưởng đến tiến độ, mục tiêu thực hiện chương trình trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các dự án hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo có tỷ lệ giải ngân còn thấp như: Tiểu dự án 1 (Dự án 2), Tiểu dự án 2 (Dự án 3), Tiểu dự án 1 (Dự án 3), dự án đạt 12,07%; Tiểu dự án 3 (Dự án 4) đạt 26,7%...
Sự chậm trễ này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, mà theo lý giải của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - cơ quan Thường trực của chương trình, là do việc chậm sửa đổi, bổ sung nghị định về cơ chế, quản lý điều hành các chương trình MTQG. Chính việc chậm sửa đổi, bổ sung thông tư hướng dẫn sử dụng kinh phí sự nghiệp thuộc các chương trình MTQG, đã làm chậm trễ việc triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình giảm nghèo. Bên cạnh đó, một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện, chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện chương trình...
Đảng ta đã xác định, xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu và điều đó cũng thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Do vậy, những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, thông qua các cơ chế, chính sách và nguồn lực phục vụ công tác giảm nghèo, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện công tác này đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, dự kiến cuối năm 2024 còn 20.344 hộ nghèo, giảm 47.350 hộ nghèo so với đầu giai đoạn (dự kiến giảm 1,5% tỷ lệ hộ nghèo), bình quân giai đoạn 2022-2024 dự kiến giảm 1,59% vượt kế hoạch đề ra bình quân là 1,5%/năm).
Để đạt mục tiêu trên, cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định nhiệm vụ giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh trên địa bàn; phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả, đúng mục đích. Đồng thời, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án, các cơ chế, chính sách giảm nghèo trên địa bàn. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp thuộc chương trình, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện. Ngoài ra, tiếp tục huy động nguồn lực của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm và đóng góp của Nhân dân cho công tác giảm nghèo; bảo đảm nguồn vốn tín dụng ưu đãi để hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo, cận nghèo... coi đây là các giải pháp then chốt, đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững.
Bài và ảnh: Trần Hằng