Để giấc mơ an cư của người thu nhập thấp được hiện thực hóa, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, với những giải pháp hiệu quả của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có sự đồng hành của Kiểm toán nhà nước (KTNN), nhằm tháo gỡ khó khăn, khắc phục các bất cập, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách NƠXH.
Bài 1: Nhà ở xã hội - chính sách đang bị “bóp méo”
Trong khi người có thu nhập thấp không thể mua được nhà để ở, thì quỹ đất dành cho NƠXH vẫn bị cắt xén hoặc chuyển đổi thành nhà ở thương mại sai quy định; nhiều căn hộ NƠXH bị bán không đúng đối tượng. Đây là vấn đề gây bức xúc trong dư luận và được các cơ quan chức năng, trong đó có KTNN chỉ ra. Có đại biểu Quốc hội từng phải thốt lên rằng: Trong NƠXH không hiếm gặp quan chức, người giàu…
Việc triển khai thực hiện chính sách NƠXH còn nhiều hạn chế và còn để xảy ra tiêu cực. Ảnh: TL
Nhà ở xã hội bị bán sai đối tượng…
Mất gần 1 năm ròng rã để chuẩn bị hồ sơ, hành trình mua NƠXH được anh Nguyễn Hoàng Anh (quê Thái Bình) ví “khó như lên trời”. Trong “rừng” người xếp hàng chờ bốc thăm với số lượng căn hộ rất hạn chế, anh đã không thể mua được căn hộ. Cuối cùng, anh phải lựa chọn hình thức thuê mua trong 5 năm, tiêu tốn thêm cả trăm triệu đồng trước khi được mua đứt một căn NƠXH tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Nhưng trường hợp của anh Hoàng Anh vẫn là may mắn, khi nhiều người đến nay vẫn không có cơ hội được an cư.
Thực tế, với giá bán thấp hơn một nửa so với căn hộ thương mại, NƠXH vẫn là lựa chọn hàng đầu của người lao động (NLĐ) có thu nhập thấp. Thế nhưng, sở hữu căn hộ mang dấu ấn chính sách đã trở thành cuộc đua không chỉ giữa những NLĐ thu nhập thấp, mà còn với… người giàu. Đó là thực trạng xấu hiện nay, khi nhiều NƠXH đã được bán không đúng đối tượng. Mới đây, Thanh tra tỉnh Đắk Nông quyết định thanh tra toàn diện dự án NƠXH tại phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa. Quyết định này được đưa ra khi cơ quan chức năng phát hiện 73 căn hộ của dự án này đã được bán “chui”, trong đó 66 căn bị bán sai đối tượng.
Vai trò của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát các đối tượng mua, thuê mua NƠXH chưa thể hiện rõ ràng; việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ dẫn đến trường hợp bán không đúng đối tượng, hồ sơ mua không đầy đủ, chưa thể hiện tính công khai trong việc tổ chức bốc thăm chọn đối tượng được mua NƠXH; còn trường hợp sử dụng căn hộ NƠXH không đúng mục đích…
Kiểm toán nhà nước
Qua kiểm toán, KTNN cũng từng phát hiện tình trạng NƠXH bị bán sai đối tượng với số lượng lớn tại nhiều dự án. Điển hình như tại Dự án NƠXH Bamboo Garden (do Công ty cổ phần Tập đoàn CEO làm chủ đầu tư) thuộc huyện Quốc Oai, tại thời điểm kiểm toán năm 2020, KTNN chỉ ra hàng chục căn hộ bán sai đối tượng. Cụ thể, có đến 43 trường hợp được xác định là có dấu hiệu đã sở hữu nhà tại thời điểm mua NƠXH; 68 trường hợp sử dụng không đúng mục đích… Hiện cơ quan chức năng của TP. Hà Nội và huyện Quốc Oai đang vào cuộc xác minh, xử lý những vấn đề từng được KTNN chỉ ra. Tương tự, tại 5 dự án được kiểm toán chi tiết ở TP. Hồ Chí Minh, có 85 trường hợp người được mua, thuê NƠXH có dấu hiệu đã có nhà ở; 64 trường hợp người được mua, thuê NƠXH đã chuyển nhượng không đúng quy định…
Tình trạng NƠXH bị bán sai đối tượng cũng đã từng làm “nóng” nghị trường. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) chỉ ra, có những người sở hữu NƠXH không phải gia đình chính sách, hộ nghèo, thu nhập thấp - đối tượng được thụ hưởng ưu đãi này. Thậm chí, nhiều dự án NƠXH chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh nhưng đã được rao bán rộng rãi… “Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân như có sai phạm trong xét duyệt hồ sơ mua NƠXH; có việc “lách luật” để mua đi, bán lại NƠXH” - bà Nga cho biết và nói thêm rằng hệ lụy là khiến cho người có thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở, trong khi nhà chính sách lại bị trục lợi.
Nhiều dự án “bỏ quên” diện tích NƠXH, “hô biến” thành nhà ở thương mại
Không chỉ bán sai đối tượng, theo báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển NƠXH, giai đoạn 2015-2023 còn nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất độc lập để phát triển NƠXH; việc phát triển NƠXH chủ yếu phụ thuộc vào quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại, nhưng việc triển khai còn nhiều bất cập, vướng mắc khiến cơ hội tiếp cận NƠXH của NLĐ khó càng thêm khó. Đây cũng là vấn đề được KTNN đặc biệt quan tâm làm rõ khi kiểm toán Chương trình NƠXH trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2015-2018.
Theo quy định tại Luật Nhà ở, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, phát triển đô thị phải dành quỹ đất (20%) trong dự án để xây dựng NƠXH. Tuy nhiên, nhiều dự án lại “bỏ quên” vấn đề này. Theo KTNN, tính chung trong giai đoạn 2015-2019, bình quân diện tích đất ở NƠXH mới chỉ chiếm 19% tổng số diện tích đất ở - chưa đảm bảo nguyên tắc dành 25% diện tích đất ở theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố. Nguyên nhân, theo KTNN là do nhiều khu quy hoạch trên 10ha không thực hiện bố trí đất NƠXH theo quy định. Thậm chí, “có trường hợp Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội báo cáo Thủ tướng cho phép không bố trí quỹ đất NƠXH trong dự án nhà ở thương mại trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư mà chưa căn cứ trên quy hoạch của địa phương”. Theo KTNN khu vực I - đơn vị kiểm toán - điều này là chưa phù hợp, UBND TP. Hà Nội chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, đó là phải bố trí đủ quỹ đất tương ứng làm NƠXH ở một dự án khác.
Đáng chú ý, kết quả kiểm toán chỉ ra, có 3 dự án NƠXH được chấp thuận chuyển mục tiêu đầu tư sang nhà ở thương mại là trái quy định (Dự án NƠXH tại ô đất quy hoạch C.6/NO12, phường Giang Biên, quận Long Biên; Dự án khu đô thị NƠXH Đại Áng; Dự án NƠXH tại Dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ giai đoạn 1 phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm). KTNN kiến nghị UBND TP. Hà Nội kiểm tra, rà soát đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên không thực hiện bố trí NƠXH; đồng thời xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ không bố trí quỹ đất NƠXH đối với một số dự án.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ, trong khi nhiều địa phương chưa dành đủ quỹ đất phát triển NƠXH, chưa thực hiện đúng các quy định về bố trí quỹ đất NƠXH thì các doanh nghiệp đa phần lựa chọn phương án nộp tiền thay vì dành 20% quỹ đất làm NƠXH, khiến số lượng NƠXH đã thiếu lại càng thiếu. “Nút thắt” này nếu được tháo gỡ hiệu quả sẽ là lực đẩy để NƠXH phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới” - ông Châu nhấn mạnh.
Bên cạnh những bất cập nêu trên, giá bán NƠXH còn cao cùng với không ít bất cập trong quản lý, triển khai khiến giấc mơ “chạm tay” vào NƠXH của NLĐ còn xa vời; tiến độ thực hiện chủ trương phát triển NƠXH nói chung đến nay chưa đạt mục tiêu đề ra. Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này…/.
NHÓM PHÓNG VIÊN