Gỡ nút thắt, ngăn trục lợi chính sách nhà ở xã hội.Bài cuối: Kỳ vọng mục tiêu phát triển nhà ở xã hội 'về đích'

Gỡ nút thắt, ngăn trục lợi chính sách nhà ở xã hội.Bài cuối: Kỳ vọng mục tiêu phát triển nhà ở xã hội 'về đích'
7 giờ trướcBài gốc
Tạo chốn an cư cho người lao động thu nhập thấp là yêu cầu bức thiết. Ảnh minh họa
Nhiều cơ chế, chính sách đột phá được đề xuất
Thời gian qua, công tác phát triển NƠXH được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm sâu sắc. Ngày 24/5/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH, đặt ra những định hướng và chính sách quan trọng để định hình thị trường. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển NƠXH. Quyết liệt trong điều hành của Thủ tướng được thể hiện rõ trong Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 27/02/2025 giao chỉ tiêu hoàn thành NƠXH trong năm 2025 và các năm tiếp theo: giai đoạn 2025-2030 là 995.445 căn hộ.
Đánh giá về việc “khoán” chỉ tiêu phát triển NƠXH cho các địa phương, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - chia sẻ, việc thúc đẩy phát triển NƠXH được đề cập trong nhiều năm qua nhưng kết quả không như mong đợi, một phần là do các địa phương còn thờ ơ, thiếu sự quan tâm đến công tác này, như “cha chung không ai khóc”. Vì vậy, việc lần đầu tiên Chính phủ giao chỉ tiêu hoàn thành NƠXH cụ thể đến từng địa phương không chỉ cho thấy quyết tâm cao trong thực hiện mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn NƠXH đến năm 2030, mà còn buộc các địa phương phải nỗ lực hành động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò trong công cuộc phát triển nhà ở giá rẻ. “Khi áp lực đủ lớn sẽ buộc địa phương phải nỗ lực hành động. Đây cũng có thể hiểu là “chỉ tiêu KPI” để đánh giá xem lãnh đạo địa phương có hoàn thành nhiệm vụ hay không” - ông Võ nhấn mạnh và kỳ vọng công tác phát triển NƠXH sẽ có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả khả quan hơn trong thời gian tới.
Trao đổi với Báo Kiểm toán, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - cho biết, trên cơ sở những bất cập đã được KTNN chỉ ra, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Nhà ở năm 2023 và Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý NƠXH để khắc phục những bất cập trong giai đoạn vừa qua, chẳng hạn như các vấn đề về quỹ đất phát triển NƠXH, bán NƠXH, chính sách ưu đãi dành cho chủ đầu tư…
Bên cạnh sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, khuôn khổ pháp lý cho phát triển NƠXH cũng đã được hoàn thiện hơn, với việc Luật Nhà ở 2023 đã sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho cả chủ đầu tư cũng như người mua nhà, để thúc đẩy sự phát triển của phân khúc này. Đặc biệt, để tạo “cú huých” lớn cho phát triển NƠXH, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NƠXH. Tại Dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đã đề xuất nhiều chính sách đột phá như: Chính phủ thành lập “Quỹ phát triển nhà ở quốc gia” từ nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn hợp pháp khác để tạo nguồn vốn bền vững, dài hạn cho phát triển NƠXH; bỏ bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết; bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng… Đặc biệt, Dự thảo Nghị quyết đề xuất thí điểm cấp tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH không sử dụng vốn đầu tư công. Điều này được kỳ vọng sẽ cắt giảm rất lớn thời gian thực hiện dự án so với quy định hiện hành.
Nhiều ý kiến của các doanh nghiệp (DN), hiệp hội bất động sản cũng bày tỏ vui mừng trước những chính sách mới đột phá được đề xuất, đồng thời kỳ vọng Dự thảo Nghị quyết khi được Quốc hội thông qua, đi vào cuộc sống sẽ giúp thúc đẩy các DN, nhà đầu tư mạnh dạn tham gia vào phát triển NƠXH, từ đó tăng nguồn cung nhà ở, góp phần hiện thực hóa ước mơ an cư của người lao động.
Gỡ vướng cơ chế nhưng không buông lỏng kiểm soát
Để chương trình phát triển NƠXH đạt được kết quả cao nhất, tạo chốn an cư cho người lao động thu nhập thấp và các đối tượng yếu thế… là yêu cầu bức thiết đặt ra đối với các ngành, địa phương. Để thực hiện được mục tiêu này, thực tiễn cho thấy, bên cạnh sự kiến tạo chính sách, đòi hỏi các ngành chức năng, địa phương, trong đó có KTNN cần tăng cường vai trò giám sát, thanh tra, kiểm toán để đảm bảo chính sách nhân văn của Nhà nước không bị biến tướng.
Đồng hành với công tác phát triển NƠXH, trong thời gian qua, KTNN cũng dành nhiều sự quan tâm đối với công tác này. Cụ thể, KTNN đã thực hiện kiểm toán Hoạt động quản lý, sử dụng NƠXH giai đoạn 2015-2019 tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và hàng loạt các địa phương khác thông qua các cuộc kiểm toán chuyên đề, hoạt động và lồng ghép nội dung này trong các cuộc kiểm toán khác.
Qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, phát triển NƠXH tại các địa phương liên quan đến trách nhiệm quản lý của cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư, đặc biệt là những bất cập về cơ chế, chính sách khiến chủ trương phát triển NƠXH bao năm vẫn “dẫm chân tại chỗ”. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng nhằm đảm bảo đưa NƠXH đến với đúng đối tượng, đồng thời kiến nghị hoàn thiện khung khổ pháp luật, lấp “lỗ hổng” pháp lý, khơi thông nguồn lực để phát triển NƠXH.
Mới đây nhất, KTNN đã ban hành Kế hoạch số 110-KH/BCSĐ thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới. Kế hoạch nhấn mạnh, thông qua hoạt động kiểm toán, thúc đẩy chất lượng, hiệu quả công tác quản lý của các cơ quan nhà nước, tăng cường trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong công tác phát triển NƠXH. Theo đó, một trong những mục tiêu khi thực hiện cuộc kiểm toán Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách phát triển NƠXH giai đoạn 2021-2024” năm nay, KTNN sẽ tập trung đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực hiện chính sách phát triển và phân phối, sử dụng NƠXH của địa phương; việc tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư dự án NƠXH.
Đồng thời, KTNN sẽ tập trung chỉ ra các bất cập, hạn chế để kiến nghị với đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan chấn chỉnh công tác quản lý và thực hiện chính sách; kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các cơ chế, chính sách; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo các nguồn lực tài chính công, tài sản công được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Cùng với đó là cung cấp thông tin, số liệu tin cậy, kịp thời cho Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng kiểm tra, điều tra, giám sát theo quy định.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết, để thúc đẩy phát triển NƠXH trong thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện, hoàn thành chỉ tiêu phát triển NƠXH được Thủ tướng Chính phủ giao; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo các địa phương, DN thực hiện đúng các quy định, nhất là ngăn ngừa tình trạng trục lợi chính sách NƠXH./.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/go-nut-that-ngan-truc-loi-chinh-sach-nha-o-xa-hoi-bai-cuoi-ky-vong-muc-tieu-phat-trien-nha-o-xa-hoi-ve-dich-40429.html