Công trường dự án xây dựng đường dẫn cầu Tứ Liên. Ảnh: Duy Minh
Kinh tế ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc
Năm 2025, Hà Nội bước vào một giai đoạn tăng tốc mới với nhiều kỳ vọng tăng trưởng, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực khơi thông dòng vốn đầu tư công để kích cầu. 6 tháng đầu năm, kinh tế Thủ đô ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng mạnh 7,63%, vượt cả mức tăng trung bình cả nước và cao hơn cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách đạt hơn 392,2 nghìn tỷ đồng, bằng 77,6% dự toán cả năm, tăng hơn 51% so với cùng kỳ, một con số ấn tượng, cho thấy tiềm lực phát triển và sự linh hoạt trong điều hành kinh tế của TP.
Không chỉ thu ngân sách tăng, môi trường đầu tư của Hà Nội cũng tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ. Tổng vốn FDI trong nửa đầu năm 2025 đạt gần 3,7 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là minh chứng cho sức hút của Hà Nội trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt khi TP đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và quy hoạch phát triển hạ tầng. Trong bức tranh kinh tế nhiều điểm sáng ấy, đầu tư công vẫn giữ vai trò then chốt trong thúc đẩy tăng trưởng. Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 8% trong năm 2025, Hà Nội xác định cần tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm, thời điểm “nước rút” quyết định thành bại của cả năm.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng, đến hết ngày 30/6/2025, Hà Nội đã giải ngân khoảng 29,7 nghìn tỷ đồng, đạt 34,1% kế hoạch, cao hơn mức bình quân cả nước (32,5%) nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng. Đáng nói, tỷ lệ này chủ yếu đến từ các dự án đã hoàn tất thủ tục, trong khi nhiều dự án trọng điểm vẫn còn các vướng mắc cũ, kéo dài tiến độ. Nguyên nhân chính là câu chuyện giải phóng mặt bằng. Đây là "nút thắt cổ chai" chiếm tới 70% nguyên nhân chậm trễ trong đầu tư công, với các vấn đề nổi cộm như: tranh chấp nguồn gốc đất (60%), người dân chưa đồng thuận giá bồi thường (70%) và sự chênh lệch giữa Luật Đất đai hiện hành và Luật Đất đai 2024, khiến nhiều hộ dân chờ đến sau mốc ngày 1/8/2024 để được đền bù cao hơn.
Hàng loạt công trình lớn đang vào guồng
Dù còn nhiều thách thức, Hà Nội vẫn đang khẩn trương triển khai hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng. Có thể kể đến việc khởi công cầu Tứ Liên, dự án hơn 20.000 tỷ đồng, kết nối trung tâm Hà Nội với khu vực Đông Bắc Thủ đô. Từ ngày 19/5/2025, dự án đã chính thức bước vào giai đoạn thi công phần móng. Ngoài ra, các dự án đang được đẩy nhanh tiến độ giải ngân như: Vành đai 4 – Vùng Thủ đô: đạt 16,4% kế hoạch vốn; Vành đai 1 (Hoàng Cầu – Voi Phục, giai đoạn 1): đạt 51,2%; Quốc lộ 6 (Ba La – Xuân Mai): đạt 19,6%; Cao tốc Đại lộ Thăng Long – Quốc lộ 21 – Hà Nội – Hòa Bình: đạt 29,5%; Dự án xử lý nước thải Yên Xá: đạt 37,2%.
TP cũng đặt mục tiêu trong 6 tháng cuối năm sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân của 282 dự án đầu tư công, trong đó có 85 dự án giao thông với tổng vốn 22.900 tỷ đồng. Những cây cầu biểu tượng như: Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Vân Phúc và Thượng Cát sẽ lần lượt được khởi công, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ về hạ tầng giao thông đô thị.
Bên cạnh giải phóng mặt bằng, một vấn đề lớn ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư công chính là công tác quản lý đất đai. Hiện tại, dù TP đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 99,6% diện tích, nhưng vẫn còn khoảng 7.000 thửa đất chưa được đăng ký, phần lớn nằm ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, 50% xã, phường vẫn chưa kết nối dữ liệu bản đồ với sổ sách địa chính, gây khó khăn trong thủ tục đầu tư và triển khai dự án. Hà Nội xác định, để tháo gỡ tận gốc các vướng mắc này, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các sở ngành, địa phương. TP đang chỉ đạo sát sao việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, áp dụng công nghệ số trong quản lý, đồng thời rà soát các điểm tồn tại để xử lý dứt điểm.
Trong khi đẩy mạnh đầu tư công, Hà Nội cũng đang từng bước hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sau đợt sắp xếp 126 xã, phường vừa qua. Nhằm giải quyết tình trạng thiếu cán bộ ở cấp cơ sở, TP đã chủ động tiếp nhận công chức chuyên môn từ các sở, ngành về công tác tại xã, phường theo diện đặc biệt. Sự chủ động này không chỉ tăng tính hiệu quả trong điều hành mà còn tạo lực đẩy cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền các cấp cam kết phối hợp chặt chẽ với HĐND, các sở ngành để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm các công trình sớm đi vào vận hành, phục vụ người dân.
Với quyết tâm cao độ, Hà Nội đang khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp: từ tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, cho đến hoàn thiện hạ tầng dữ liệu đất đai và củng cố bộ máy quản lý. Đây là nền tảng quan trọng để TP bứt phá trong nửa cuối năm 2025. Việc đầu tư công không còn là câu chuyện riêng của ngành giao thông, xây dựng hay tài chính, mà trở thành động lực tổng thể, kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác: công nghiệp, thương mại, du lịch, bất động sản. Khi các dự án được đẩy nhanh và đồng bộ, Hà Nội sẽ có thêm nhiều cơ hội tăng tốc.
Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành số hóa 100% dữ liệu đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn bộ các đơn vị hành chính theo mô hình Chính quyền số 3.0. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ, cấp phép đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Bên cạnh đó, TP cũng tiếp tục thực hiện kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cho toàn bộ thửa đất trong quý IV/2025 theo Kế hoạch số 271 của UBND TP.
Nguyễn Đăng