Phân cấp mạnh trong quản lý, sử dụng tài sản công
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính nhằm vừa tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, vừa bảo đảm quản lý nhà nước và quản trị xã hội để không tạo kẽ hở trong trục lợi chính sách.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp
Với quyết tâm chính trị thông qua theo quy trình 1 kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã được thẩm tra kỹ lưỡng theo quy trình rút gọn. “Do đó, yêu cầu bổ sung đánh giá tác động, những chính sách nào đặc thù, vượt trội thì cần được tách ra, quy định ngay vào điều áp dụng pháp luật cho rõ ràng. Quốc hội cũng quyết tâm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để tháo gỡ khó khăn nhưng chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã rõ và được đa số đại biểu Quốc hội đồng thuận cao”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) Phạm Thúy Chinh, cơ quan thẩm tra đánh giá cao các chính sách được đề xuất sửa đổi tại luật này, qua đó giúp giải quyết nhiều vướng mắc trong thực tiễn.
Đặc biệt, đối với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Phó Chủ nhiệm UBTCNS nhấn mạnh việc sửa luật đã thể hiện rất rõ sự phân công, phân cấp mạnh hơn cho các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công. Với những quy định rất mới chuyển từ phân cấp sang thẩm quyền, dự thảo Luật khi áp dụng sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc đã được nêu ra trong các cuộc giám sát của Quốc hội về quản lý, sử dụng tài sản công.
Đại biểu đoàn Hà Giang Phạm Thúy Chinh nêu ví dụ như về thẩm quyền phê duyệt sử dụng tài sản công trong liên danh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập đã được giải quyết trong dự thảo luật này. Qua các báo cáo giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu cho rằng đây là một điểm tháo gỡ rất cơ bản giúp cho các đơn vị sự nghiệp công lập có thể sử dụng và phát huy hết hiệu quả của các tài sản sử dụng chưa hết hoặc đang liên danh, liên kết.
Một điểm nữa mà trong Luật quản lý, sử dụng tài sản công đã giải quyết được, theo bà Phạm Thúy Chinh, là việc quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực từ đất đai và tài nguyên. Trong đó một điểm hết sức mấu chốt là các tài sản công khi thực hiện thu hồi đền bù, giải phóng mặt bằng thì được hiện được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai hiện hành. Còn việc bán và chuyển nhượng cũng như các hình thác thức khác thì được thực hiện theo luật về tài sản công.
“Quy định này tháo gỡ được những điểm nghẽn căn bản mà các cơ quan, đơn vị đang quản lý, sử dụng tài sản công trong thời gian vừa qua đang gặp phải. Đồng thời, nhiều tồn tại, hạn chế được phát hiện qua kỳ giám sát của các đoàn giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp cũng đã được xử lý trong nội dung này”, Phó Chủ nhiệm UBTCNS Phạm Thúy Chinh nêu rõ.
Làm rõ cơ sở mức phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập
Nhất trí với tờ trình của Chính phủ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cho rằng việc trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật theo phương thức rút gọn tại một kỳ họp là phù hợp.
Góp ý cho việc sửa Luật Kiểm toán độc lập, đại biểu cho biết dự thảo bổ sung quy định “doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính năm theo quy định của Chính phủ”. Theo đại biểu, nên rõ cái nội hàm doanh nghiệp, tổ chức quy mô lớn là gì để có căn cứ tổ chức thực hiện.
Dự thảo luật cũng quy định về mức tiền phạt hành chính với các vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập là hai tỷ đối với tổ chức và một tỷ đối với cá nhân, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập là 5 năm. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị làm rõ cơ sở mức phạt bằng tiền này và cho rằng nên có mức xử phạt theo giá trị quy mô trong báo cáo kiểm toán. Theo đó, với những báo cáo kiểm toán tài chính có giá trị lớn cần có mức xử phạt cao hơn và ngược lại, báo cáo có giá trị nhỏ có thể xử lý ở mức thấp hơn.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại phiên họp
Đối với Luật Chứng khoán, nhiều ý kiến cho rằng đây là dự án luật khó, tác động toàn bộ đến thị trường chứng khoán Việt Nam, kênh dẫn vốn của nền kinh tế, do đó cần nghiên cứu, thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng khi sửa đổi, bổ sung.
Phát biểu tại tổ chiều 29/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi ban đầu quy định điều kiện 3 năm để nhà đầu tư tập trung phát triển doanh nghiệp, giữ ổn định thị trường.
Tuy nhiên, qua tiếp thu ý kiến đại biểu, để đảm bảo sự linh hoạt và quyền của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tại dự thảo mới nhất nội dung này đã được điều chỉnh theo quy định hiện hành là 1 năm.
Quan tâm đến việc bổ sung quy định nhà đầu tư được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai, đại biểu đoàn Hưng Yên cho biết dự thảo luật quy định: việc chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu là 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định. Như vậy, so với quy định hiện hành, điều kiện để chuyển nhượng đã tăng từ 1 năm lên 3 năm.
Theo đại biểu, quy định như dự thảo Luật chưa phù hợp với tình hình thực tế, bởi theo thông lệ thị trường quốc tế, các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật, EU cũng như một số nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự Việt Nam cũng không hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 3 năm như dự thảo Luật. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát điều kiện đối với doanh nghiệp phát hành để bảo đảm phù hợp với tình hình thị trường, bảo đảm phát triển bền vững thị trường, bảo vệ nhà đầu tư cá nhân khi tham gia vào thị trường.
Dự kiến sáng 7/11, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa 7 luật này.
Hoàng Yến