Trong chuyến khảo sát thực tế ngày 26/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười đã đưa ra chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các đơn vị liên quan phải tích cực phối hợp, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, nhất là trong công tác xác định giá đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Đoàn công tác đã kiểm tra tiến độ tại các dự án trọng điểm gồm KCN Tân Đức, KCN Sơn Mỹ 1, KCN Sơn Mỹ 2 và Cảng biển Sơn Mỹ, thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận trước đây.
Vấn đề giải phóng mặt bằng đang là thách thức lớn nhất tại KCN Sơn Mỹ 1. Dự án có quy mô 1.070 ha, tổng vốn 2.300 tỷ đồng do IPICO làm chủ đầu tư.
Dự án khu công nghiệp Sơn Mỹ 1
KCN này thu hút 3 dự án trọng điểm trong chuỗi khí điện Sơn Mỹ với tổng vốn đăng ký lên đến 5,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiện KCN mới chỉ hoàn thành bồi thường được 86 ha, còn lại hơn 983 ha vẫn đang tiếp tục thực hiện. Ưu tiên hàng đầu là giải phóng 375 ha để bàn giao cho 3 dự án trọng điểm, diện tích này liên quan đến 7 tổ chức và 78 hộ gia đình.
Tương tự, dự án KCN Sơn Mỹ 2 (giai đoạn 1) với quy mô trên 468 ha và tổng vốn 1.717 tỷ đồng cũng đang gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng do vướng mắc trong việc xác định giá đất.
Để phục vụ công tác tái định cư cho các dự án này, khu tái định cư Sơn Mỹ (giai đoạn 1) rộng 1,44 ha đã được phê duyệt, dự kiến bố trí 76 lô đất. Tuy nhiên, việc chi trả đền bù cho 7 hộ dân đầu tiên vẫn đang chờ kinh phí.
Trái ngược với tình hình tại Sơn Mỹ, dự án KCN Tân Đức (300 ha, vốn 1.200 tỷ đồng) đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Khởi công từ tháng 5/2024, đến nay dự án đã hoàn thành 90% khối lượng giai đoạn 1 và bước đầu thu hút được 1 dự án thứ cấp (vốn 100 tỷ đồng) cùng 7 dự án khác đang trong quá trình thỏa thuận thuê đất (tổng vốn 1.600 tỷ đồng).
Đoàn công tác đang nghe báo cáo về dự án KCN Sơn Mỹ 2
Dù vậy, chủ đầu tư vẫn kiến nghị chính quyền địa phương đẩy nhanh và hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng cho KCN và nút giao Quốc lộ 1 trước ngày 31/8/2025.
Cũng trong chuyến công tác, đoàn đã khảo sát vị trí đề xuất của một siêu dự án khác là Tổ hợp khu đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch Tà Cú – Bưng Thị - Sông Phan, và khảo sát quỹ đất hai bên các tuyến đường huyết mạch ĐT719B, Hàm Kiệm – Tiến Thành.
Tại buổi làm việc, các địa phương cũng kiến nghị sớm thành lập Trung tâm Phát triển Quỹ đất khu vực để chuyên nghiệp hóa và đẩy nhanh công tác đền bù, giải tỏa.
Đoàn Sỹ/VOV.TPHCM