Theo Quyết định số 866 ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại Đắk Nông có Tổng diện tích khu vực phân bố quặng bô xít là hơn 1.670 km2. Số lượng này chiếm 25% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Bô xít có ở 5/8 huyện, thành phố: Tuy Đức, Đắk R’lấp, thành phố Gia Nghĩa, Đắk Song, Đắk Glong. Còn tại Lâm Đồng, 7/9 huyện thành phố của tỉnh này cũng nằm trong vùng quy hoạch khoáng sản. Thành phố Bảo Lộc, các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh với 70.200 ha. Trên 97.000 người dân chịu ảnh hưởng. Những tưởng nhiều khoáng sản sẽ mang lại nhiều giá trị để phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tuy nhiên chính sự nhiều “khoáng sản” bất thường phân bố rộng khắp lại làm cho địa phương “dở khóc dở cười”.
Việt Nam có trữ lượng bô xít lớn thứ 2 trên thế giới. Đây là nguồn tài nguyên lớn, là cơ sở để hình thành ngành công nghiệp luyện nhôm phát triển lâu dài và là một nguồn lực quan trọng góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, Quy hoạch 866 đang làm thay đổi toàn bộ các kế hoạch, định hướng phát triển của chính quyền tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông. Điều này còn ảnh hưởng tới đời sống, sinh kế của người dân, gây hoang mang bức xúc của người dân dẫn đến những trường hợp đơn thư, khiếu nại, tố cáo về đất đai và quyền lợi công dân đã manh nha hình thành làm cho chính quyền cơ sở phải đau đầu ứng phó mỗi ngày.
Theo các chuyên gia để có thể khai thác được hết trữ lượng bô xít với công suất của các nhà máy hiện nay cần đến 400 năm nữa. Nhưng bài toán về phát triển kinh tế xã hội và an sinh của người dân phải giải quyết kịp thời để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất. Không nên để khoáng sản đang là “lợi thế” trở thành “bất lợi” cho địa phương.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!
Phúc Hân - Ngọc Duy
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/go-vuong-cho-loai-khoang-san-dac-thu-244543.htm