Vượt kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La cho biết, toàn tỉnh có trên 1 triệu ha đất nông, lâm nghiệp (chiếm 75,2% diện tích đất tự nhiên); dân số trên 1,4 triệu người với 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó trên 80% là người dân tộc thiểu số.
Theo báo cáo rà soát của các huyện, thị xã, thành phố, tính tới 11/1/2025, trong tổng số 90.956 hộ nghèo, cận nghèo và người có công với cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh, 2.837 hộ có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát (3,13%).
Tính đến trung tuần tháng 5/2025, đã có 3.058 hộ được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát, vượt kế hoạch đề ra.
Hàng nghìn hộ dân được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Tào Đạt
Một trong những “bí quyết” quan trọng để tỉnh Sơn La đạt được kết quả ấn tượng nêu trên chính là sự chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách pháp luật đất đai.
Ngay trong quá trình xây dựng Luật Đất đai năm 2024, Sở Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Sở Tài nguyên và Môi trường) đã tham mưu, đóng góp nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn, nút thắt” trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo quỹ đất để hỗ trợ, giao đất cho các cá nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tỉnh có cơ chế, chính sách giải quyết các tồn tại, vướng mắc đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.
Đặc biệt, quy định đột phá trong việc đăng ký biến động đất đai, chuyển đổi mục đích đất rừng phòng hộ của hộ gia đình cá nhân khi có nhu cầu sau điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng quy định tại Điều 122 Luật Đất đai và khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai đã giải quyết được cơ bản các vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai của các hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trước đây đã cấp Giấy chứng nhận đất rừng phòng hộ, nay điều chỉnh ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng, phù hợp với quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp, đất ở.
Bên cạnh đó, việc rà soát nhu cầu đất ở của người dân, nhất là quỹ đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở cho người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo luôn được quan tâm. Sở thường xuyên phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân.
Kinh nghiệm hay của Sơn La
Nhìn lại hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Sơn La, 3 khó khăn, vướng mắc lớn nhất liên quan tới thủ tục đất đai đã được Sở Nông nghiệp và Môi trường nhận diện.
Thứ nhất, thời gian triển khai phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” khá ngắn, lại diễn ra trong giai đoạn Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với quy định, Sở phải tập trung lực lượng cho việc hoàn thiện các thể chế, chính sách tại địa phương.
Thứ hai, một số hộ hưởng chính sách được tách ra từ hộ bố mẹ, sử dụng đất có nguồn gốc được tặng cho từ bố mẹ, nhưng chưa kịp thời hoàn thiện các thủ tục pháp lý về chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Thứ ba, công tác trao đổi thông tin giữa cấp huyện và Sở đôi lúc còn chưa kịp thời, dẫn đến công tác quản lý đất đai còn bộc lộ một số tồn tại, bất cập.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La, thời gian tới, sẽ vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc liên quan tới đất đai khi triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Sở sẽ thực hiện tốt công tác rà soát để có hoạch định, định hướng chiến lược nhằm thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chuẩn bị các điều kiện để triển khai quy hoạch sử dụng đất cấp xã sau khi đi vào hoạt động mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng thời chủ động hoàn thiện đầy đủ, kịp thời thể chế, chính sách về đất đai của địa phương sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp.
Mặt khác, Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện (tiến tới là UBND cấp xã) để hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về đất đai đối với các đối tượng thuộc chính sách hỗ trợ.
Bình Minh