Mùa mưa bão, cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa thường xuyên quá tải tàu cá neo đậu.
Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư xây dựng cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn (huyện đảo Lý Sơn), cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á (thị xã Đức Phổ) và cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (thành phố Quảng Ngãi). Kinh tế thủy sản phát triển góp phần bảo đảm cuộc sống cư dân vùng ven biển, hải đảo, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Hình thành khu vực trú bão cấp vùng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa là công trình do Chính phủ Australia tài trợ không hoàn lại, được đưa vào sử dụng năm 2008. Đây là nơi tránh trú bão an toàn cho 350 tàu cá, đồng thời phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá ở bến cảng. Quá trình đưa vào khai thác, cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa thường xuyên đối mặt với tình trạng quá tải tàu cá neo đậu, nhất là mùa mưa, bão dẫn đến không bảo đảm an toàn cho phương tiện, dễ gây cháy nổ và ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, luồng lạch bị bồi lấp nên tàu cá ra vào cảng rất khó khăn; diện tích mặt bằng để đầu tư các hoạt động dịch vụ hậu cần nhỏ, không đáp ứng nhu cầu của tàu cá cập cảng...
Để tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận vào neo trú an toàn trong mùa mưa bão, hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và khu vực neo đậu tránh trú bão cấp vùng, tạo động lực cho ngành thủy sản phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, kiểm soát tàu cá trong công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), từ nguồn vốn ngân sách Trung ương 400 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh 60 tỷ đồng, năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi tiến hành triển khai dự án nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Tịnh Hòa.
Việc nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Tịnh Hòa là hết sức cấp thiết nhằm hình thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và khu vực neo đậu tránh trú bão cấp vùng.
Dự án có diện tích khoảng 42ha, gồm các hạng mục chủ yếu như: xây dựng cầu tàu cho tàu 15m trở lên; kè bảo vệ bờ, chống bồi lấp khu neo đậu, kết hợp giao thông; đê ngăn sóng, chắn cát, bảo vệ luồng vào vũng neo đậu; nạo vét luồng chạy tàu và khu neo đậu có bề rộng, cao độ đáy bảo đảm cho tàu có chiều dài 15m trở lên lưu thông và neo đậu; xây dựng trụ neo tàu bảo đảm cho các tàu có chiều dài 15m trở lên neo đậu an toàn; hệ thống đèn báo hiệu nhằm bảo đảm an toàn cho tàu khi ra vào khu neo đậu; hệ thống thông tin liên lạc cứu hộ, cứu nạn; nhà phân loại và mua bán hải sản; hệ thống cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước, xử lý nước thải; hệ thống phòng cháy, chữa cháy...
“Theo kế hoạch, đến năm 2027, sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác, dự án bảo đảm cho trên 1.000 tàu cá có công suất đến 800 CV neo đậu an toàn, hình thành dịch vụ hậu cần nghề cá và từng bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng các tiêu chí cảng cá loại 1. Qua đó, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân, tạo niềm tin để ngư dân an tâm bám biển, khẳng định chủ quyền biển, đảo”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương chia sẻ.
Quyết liệt gỡ vướng mặt bằng
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nhân Dân, mặc dù tỉnh Quảng Ngãi nhiều lần tổ chức họp bàn với các sở, ngành, địa phương liên quan để đưa ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án nhưng đến thời điểm này, việc triển khai thực hiện dự án vẫn rất chậm. Lý do chính là vướng mắc công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng liên quan đến việc xác định cao độ tự nhiên các hồ nuôi trồng thủy sản và giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, hỗ trợ.
Cụ thể, còn 11 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đợt 1, trong khi đó phương án bồi thường, hỗ trợ đợt 2 và các đợt còn lại mới chỉ hoàn thành công tác khảo sát, kiểm đếm và chờ phê duyệt giá đất cụ thể. Chính vì vướng mặt bằng nên năm 2024, dù bố trí 60 tỷ đồng nhưng đến cuối tháng 10 mới chỉ giải ngân được 5,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 9,2%.
Do vướng mặt bằng nên nên nhà thầu chưa thể triển khai thi công các hạng mục chính dự án mở rộng cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa.
Bức xúc trước tiến độ ì ạch của dự án, mới đây, tại cuộc đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, ngư dân cho rằng, mùa mưa bão, các khu neo đậu trong tỉnh thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải nên ngư dân phải đưa tàu cá neo đậu tại các bến cá tư nhân hoặc dọc các dòng sông dẫn đến không an toàn, gây khó khăn công tác quản lý nghề cá. Vì vậy, tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt, sớm gỡ các vướng mắc để dự án nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Tịnh Hòa hoàn thành đúng tiến độ, tàu cá sớm có nơi neo đậu, tránh trú an toàn mỗi khi có bão, nhằm giảm thiểu thiệt hại tài sản của ngư dân.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, việc đầu tư phát triển dự án là hết sức cần thiết, vì tài sản của ngư dân được bảo đảm an toàn khi đưa tàu cá vào tránh trú bão. Tuy nhiên, khi có cơ hội mở rộng diện tích gấp đôi so với quy mô hiện nay thì lại triển khai rất chậm nên năm 2024 nguồn vốn không giải ngân được. Việc chậm trễ triển khai dự án, tỉnh sẽ làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, sở, ngành nào.
Tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư phối hợp giữa các bên liên quan đề xuất giải pháp, lập kế hoạch tổng thể, chi tiết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm công tác giải ngân dự án.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm điểm nguyên nhân xảy ra chậm trễ triển khai dự án; xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, làm rõ các nội dung vướng mắc và quá trình phối hợp giữa các bên liên quan. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp, lập kế hoạch tổng thể, chi tiết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, bảo đảm công tác giải ngân.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi tích cực phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, công khai đến các hộ dân bị ảnh hưởng và các hộ dân chung quanh hiểu rõ tính cấp thiết, tầm quan trọng của dự án này đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để người dân đồng hành, chia sẻ trong quá trình triển khai thực hiện. Song song đó, khẩn trương chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan lập, phê duyệt các phương án bồi thường làm cơ sở thực hiện việc chi trả bồi thường bảo đảm quy định, xây dựng phương án bảo vệ, cưỡng chế thi công.
“Khi đối thoại với những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp phải giải thích, làm rõ chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đây là cơ sở để xử lý, bảo vệ thi công đối với các trường hợp cố tình ngăn cản làm chậm tiến độ dự án”, đồng chí Trần Phước Hiền yêu cầu.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh, hiện nay, cùng với việc chuẩn bị chu đáo cuộc đối thoại với những hộ dân ảnh hưởng trực tiếp dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi đưa ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc và xây dựng kế hoạch chi tiết công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
“Ngoài việc hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phương án bồi thường đợt 1 với diện tích thu hồi hơn 49.120m2, cuối tháng 12 tới, sẽ phê duyệt phương án bồi thường đợt 2 và 3. Phương án các đợt còn lại phê duyệt trong quý 1/2025. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Sở yêu cầu nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị, làm tăng ca khi thời tiết thuận lợi và có biện pháp tổ chức thi công phù hợp”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương khẳng định.
HIỂN CỪ