Phát biểu định hướng tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh đến bối cảnh hiện nay về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với hoàn thiện thể chế, pháp luật nhằm tạo ra động lực mới cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, trong đó có việc ban hành 4 Nghị quyết trụ cột: số 57, 59, 66 và 68. Đồng thời, Đảng và Nhà nước cũng thấy rằng vẫn còn những bất cập về thể chế, thể chế vẫn đang được xem là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” mà nếu giải quyết được thì thể chế sẽ trở thành “đột phá của đột phá”.
Trong các quy định của thể chế liên quan tới đầu tư, đất đai, Thứ trưởng cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục sửa đổi Luật Đất đai vì Luật Đất đai là một trong những luật nền tảng cho mọi luật khác. Tất cả các hoạt động xã hội, sản xuất, kinh doanh đều dựa trên đất đai. Đất đai là một tài nguyên, là một tài sản vô giá của quốc gia và nếu khơi thông được, hoàn thiện được nguồn lực to lớn này thì mọi hoạt động khác sẽ rất trơn tru và sẽ đi theo định hướng rõ ràng. Từ đó, Thứ trưởng mong muốn các đại biểu chỉ ra những bất cập liên quan tới đất đai và đóng góp ý kiến tháo gỡ để phát triển toàn diện, lành mạnh của thị trường đất đai.
Trên cơ sở định hướng, các đại biểu tham dự Hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng. Giảng viên Châu Hoàng Thân (Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ) nêu 3 nhóm quy định liên quan cần tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư. Cụ thể, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo ông, sau khi sáp nhập 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, việc rà soát và điều chỉnh quy hoạch là cấp bách nhất. Thực tế này đòi hỏi cần sửa đổi toàn diện chương về quy hoạch trong Luật Đất đai, không chỉ đơn thuần là thay đổi cấp quản lý, mà phải tập trung tạo ra “không gian phát triển mới”.
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), ông đề nghị thận trọng khi phân cấp toàn bộ công tác GPMB cho cấp xã, vì có thể không đảm bảo về năng lực. Đồng thời, cần xây dựng một “quy trình thu hồi đất rút gọn” linh hoạt hơn cho các trường hợp cụ thể (ví dụ: khi nhà đầu tư đã tự thỏa thuận được phần lớn diện tích). Đối với các dự án lớn, liên tỉnh (như cao tốc), cần có cơ chế GPMB đặc thù, khác với cơ chế phân cấp thông thường.
Về các phương thức tiếp cận đất đai, ông kiến nghị xem xét lại thời hạn GPMB (36 tháng) là quá dài so với thời hạn ứng vốn của nhà đầu tư (6 tháng) và hiệu lực của thông báo thu hồi đất (12 tháng). Đồng thời, Luật cần quy định rõ cách xử lý tiền ứng vốn của nhà đầu tư nếu Nhà nước không GPMB thành công. Liên quan đến thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất, theo ông, để khuyến khích cơ chế này (giúp giảm gánh nặng GPMB cho Nhà nước), cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư - thay vì thu các khoản phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngay từ đầu, Nhà nước có thể chia sẻ lợi nhuận sau khi dự án đi vào khai thác.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn cho rằng, những khó khăn, vướng mắc và chồng chéo không chỉ tồn tại trong Luật Đất đai mà còn trong các lĩnh vực khác. Vì vậy, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết, điển hình là Nghị quyết 206, nhằm tạo ra một cơ chế đặc biệt để xử lý các vướng mắc pháp luật. Theo đó, cho phép Chính phủ có thể ban hành các nghị quyết để xử lý ngay các vấn đề cấp bách mà không cần chờ đến kỳ họp của Quốc hội. Đây là một cơ chế chưa từng có, giao cho Chính phủ thực hiện ngay các giải pháp để đảm bảo tháo gỡ khó khăn trước ngày 1/3/2027. Ông dẫn chứng về Nghị quyết 66.1 vừa được Chính phủ ban hành liên quan đến việc xử lý các khó khăn trong việc lập mới, điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị.
Vị Đại biểu Quốc hội cũng thừa nhận rằng Luật Đất đai hiện hành còn nhiều điểm chưa sát với thực tiễn và gây ra nhiều khó khăn. Do đó, Trung ương đã có chỉ đạo phải tiếp tục sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới.
Kỳ vọng rằng việc sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ thực sự tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, Đại biểu Lê Thanh Hoàn nhấn mạnh rằng cần có một sự thay đổi trong tư duy, theo đó các cơ quan nhà nước phải có tinh thần phục vụ doanh nghiệp và người dân. Không nên để doanh nghiệp và người dân phải “đi xin” khi gặp khó khăn mà cần quyết tâm xây dựng cơ chế phục vụ…
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc kết luận Hội thảo.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc bày tỏ sự trân trọng đối với những ý kiến đóng góp tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu. Ông nhấn mạnh rằng việc hoàn thiện thể chế, đặc biệt là Luật Đất đai, là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước, được thể hiện qua Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị. Ông ghi nhận những tiến bộ vượt bậc trong việc tháo gỡ các "điểm nghẽn" pháp lý, đặc biệt là trong các lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng cũng thừa nhận rằng vẫn còn nhiều bất cập cần tiếp tục hoàn thiện.
Từ góc độ của Bộ Tư pháp, theo Thứ trưởng, với vai trò là cơ quan thẩm định, Bộ sẽ cùng các Bộ, ngành, toàn xã hội nhận diện, định vị đúng và trúng các điểm nghẽn, những bất cập cần tháo gỡ, sao cho bảo đảm được lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, phân loại các ý kiến để gửi đến các cơ quan chức năng, Bộ, ngành liên quan, phục vụ cho quá trình sửa đổi Luật Đất đai nói riêng và các luật khác nói chung trong thời gian tới.
T.Quyên