Người dân ở địa phương bị sáp nhập đi làm thủ tục hành chính, trong đó có lĩnh vực tư pháp, hộ tịch ở trụ sở UBND phường, xã mới.
Lĩnh vực hộ tịch
Theo đó, Sở Tư pháp hướng dẫn cụ thể như trong trường hợp một hoặc nhiều đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập vào một đơn vị hành chính cấp xã khác thì các đơn vị được sáp nhập cần thực hiện khóa sổ hộ tịch đang sử dụng; thống kê, sắp xếp và bàn giao toàn bộ sổ hộ tịch, hồ sơ đăng ký hộ tịch cho đơn vị sáp nhập để lưu trữ. Việc đăng ký hộ tịch, bao gồm cả đăng ký mới sẽ tiếp tục sử dụng sổ hộ tịch hiện có của đơn vị sáp nhập, không thay đổi số thứ tự đăng ký.
Đối với sáp nhập 2 hoặc nhiều đơn vị hành chính cấp xã để thành lập một đơn vị hành chính cấp xã mới thì các đơn vị được sáp nhập cũng phải khóa sổ hộ tịch đang sử dụng; thống kê, sắp xếp và chuyển giao toàn bộ sổ hộ tịch, hồ sơ đăng ký hộ tịch để lưu trữ tại 2 đơn vị mới. Việc đăng ký hộ tịch tại đơn vị mới sẽ mở sổ hộ tịch mới, quyển số 1, ghi số thứ tự đăng ký từ số 1.
Một công chức tư pháp, hộ tịch ở một phường vừa sáp nhập đang làm hộ tịch, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm cho người dân.
Ngoài ra, gặp trường hợp tách toàn bộ diện tích và nhân khẩu của một đơn vị hành chính cấp xã ra làm nhiều phần và sáp nhập vào các đơn vị hành chính cấp xã khác nhau thì đơn vị được tách thực hiện khóa sổ hộ tịch đang sử dụng; thống kê, sắp xếp toàn bộ sổ hộ tịch, hồ sơ đăng ký hộ tịch để bàn giao, lưu trữ tại đơn vị sáp nhập có phần lớn diện tích, nhân khẩu nhập vào. Đơn vị sáp nhập nhận bàn giao bản gốc sổ hộ tịch có trách nhiệm sao 1 bản cho các đơn vị sáp nhập khác lưu trữ để làm căn cứ cấp trích lục hộ tịch bản sao từ sổ hộ tịch đăng ký tại đơn vị được tách trước đây và giải quyết các công việc hộ tịch khác khi người dân có yêu cầu.
Việc bàn giao sổ hộ tịch, hồ sơ đăng ký hộ tịch phải được lập biên bản bàn giao, có danh mục thống kê chi tiết để lưu trữ tại cơ quan nhận bàn giao và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để quản lý, tổng hợp và công khai thông tin để người dân biết, liên hệ với cơ quan quản lý sổ hộ tịch để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch phù hợp...
Đăng ký biện pháp bảo đảm
Lĩnh vực này nếu gặp trường hợp thay đổi thông tin về số hiệu tờ bản đồ, số hiệu thửa đất, địa chỉ thửa đất đối với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không phù hợp với thông tin trên giấy chứng nhận, thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP. Theo đó người yêu cầu đăng ký có thể nộp đồng thời hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm với hồ sơ đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất hoặc thực hiện đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trước khi đăng ký biện pháp bảo đảm.
Còn với trường hợp biện pháp bảo đảm đã đăng ký mà có sự thay đổi thông tin về địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất (bên bảo đảm), thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Nghị định số 99/2022/NĐ-CP. Do vậy, Văn phòng Đăng ký đất đai không yêu cầu thực hiện việc đăng ký thay đổi hoặc không yêu cầu thực hiện xóa đăng ký mà chỉ thực hiện việc xác nhận thay đổi trên giấy chứng nhận hoặc cấp đổi giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp giấy chứng nhận được cấp đổi, cấp sang giấy chứng nhận mới thì Văn phòng Đăng ký đất đai ghi lại nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm vào giấy chứng nhận mới được cấp.
Sở Tư pháp đề nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố, theo đó triển khai thực hiện tốt một số lĩnh vực trên khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2023-2025.
NINH CHINH