Gỡ vướng vùng 'mặt tiền' biển

Gỡ vướng vùng 'mặt tiền' biển
8 giờ trướcBài gốc
Đất ven biển Hòa Thắng. Ảnh: Ngọc Lân.
Những con số này minh chứng việc sáp nhập các sở, chính quyền 2 cấp dù có biến động, có tạo ra độ trễ, nhất là xóa cấp huyện nhưng không ảnh hưởng mấy đến công tác phối hợp kiểm tra rà soát, xử phạt, thu hồi, tạm ngừng dự án, vốn đã thành việc thực hiện thường xuyên mấy năm nay. Dù biết rất khó, rất “nhạy cảm” nhưng đó là điều cần thiết phải làm song song với các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhằm khơi thông, mở đường cho những nhà đầu tư thực có tiềm lực kinh tế, công nghệ vào, đồng thời sàng lọc dần những nhà đầu tư ảo, chiếm đất sang lại kiếm lời… Sự lẫn lộn thật ảo trên là thực trạng đã diễn ra tại vùng ven biển này, đã tích tụ từ nhiều năm. Và theo thời gian, áp vào các quy định pháp luật để tìm nhà đầu tư ảo không dừng là cách cứng rắn nhất để vùng Bình Thuận cũ cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhìn lại kết quả thực hiện từ năm 2021 đến nay, những con số cụ thể cho thấy điều đó. Như năm 2021 kiểm tra 50 dự án, xử phạt 15 dự án, thu hồi 10 dự án; năm 2022 kiểm tra 90, xử phạt 60, thu hồi 12 dự án; năm 2023 kiểm tra 100, xử phạt 33, thu hồi 21 dự án; năm 2024 kiểm tra 52, xử phạt 24, thu hồi 24 dự án và tạm dừng 4 dự án. Tính tổng của 5 năm qua, có gần 70 dự án đã thu hồi, nói lên nhiều điều trên nhiều khía cạnh, trong đó có công tác quản lý với ghi nhận đã góp phần mở lối cho các nhà đầu tư mới thực thụ vào, tiếp cận đất đai thuận lợi, đẩy nhanh triển khai dự án.
Theo số liệu thống kê đến tháng 3/2025, tại khu vực Bình Thuận cũ này, hiện có khoảng 1.634 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích 50.489 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 1.766.523 tỷ đồng. Trong đó có 255 dự án chậm triển khai, chưa triển khai, chiếm tỷ lệ 15,65%. Điều đáng chú ý, trong số các dự án chậm, chưa triển khai, có 31 dự án được xếp vào dạng tiếp tục tiến hành trình tự, thủ tục thu hồi đất, chấm dứt hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư và 224 dự án cần tiếp tục tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.
Những vướng mắc khách quan khiến các dự án ở vùng “mặt tiền” biển của Lâm Đồng chưa thể triển khai không ít và đã kéo dài nhiều năm nay. Đến nay, có một số vướng mắc lớn đã giải quyết xong như đã đưa 1 quỹ đất lớn có chồng lấn dự án ra khỏi quy hoạch khai thác và dự trữ khoáng sản (titan) quốc gia; đã thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, cắm mốc ranh giới theo Điều 79 của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Các vướng mắc về công tác lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, đang là vấn đề chính của các dự án du lịch ven biển hay vướng pháp luật về đầu tư, đấu thầu, nhà ở có sự thay đổi đối với các dự án nhà ở thương mại, dự án du lịch có đất ở… trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận (cũ) đã có kết luận hướng giải quyết. Trong khi đó các vướng mắc khác về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; về thiếu đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật; về kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch lâm nghiệp; về xác định giá đất cụ thể… là những vấn đề lớn khiến các dự án chưa thể triển khai đang rất cần chính quyền mới tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, phường, xã, đặc khu có liên quan phối hợp tháo gỡ để vùng “mặt tiền” biển của tỉnh sôi động hơn.
Bích Nghị
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/go-vuong-vung-mat-tien-bien-381352.html