Góc khuất quảng cáo của người nổi tiếng

Góc khuất quảng cáo của người nổi tiếng
2 ngày trướcBài gốc
Gần đây, L.H.T - một influencer (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) sở hữu gần 700.000 người theo dõi - bị cộng đồng mạng chỉ trích vì thiếu trung thực trong hoạt động quảng cáo.
Quảng cáo đồ rẻ, xài đồ hiệu
T. không chỉ tham gia quảng bá mà còn đảm nhận vai trò đại sứ thương hiệu cho một số dòng mỹ phẩm phổ thông. Trên mạng xã hội, T. thường xuyên chia sẻ về hiệu quả sản phẩm này dưới dạng những "trải nghiệm cá nhân", tạo cảm giác chân thật và gần gũi, khiến người theo dõi tin rằng đó là cảm nhận thực tế, không mang mục đích thương mại.
Tuy nhiên, người theo dõi tinh ý phát hiện trong các Vlog (đăng nhật ký) và hình ảnh đời thường do chính T. đăng tải, hầu như không thấy sự xuất hiện của những sản phẩm này. Thay vào đó là loạt mỹ phẩm cao cấp, đắt tiền đến từ các thương hiệu nổi tiếng khác. Sự mâu thuẫn giữa hình ảnh quảng bá và tiêu dùng thực tế làm dấy lên nghi ngờ đây là hình thức quảng cáo trá hình, lợi dụng cảm xúc và lòng tin của người theo dõi.
Fanpage của nhãn hàng bị chỉ trích vì influencer L.H.T có nhiều mâu thuẫn giữa hình ảnh quảng bá và tiêu dùng thực tế. Ảnh: TRẦN THÁI
Theo anh Ngô Vũ Thế Thiên - founder (người sáng lập) một thương hiệu thời trang nội địa, việc "bán hình ảnh" qua mạng xã hội đang là nguồn thu lớn với các influencer. Trên thực tế, việc dựng nên lối sống hoặc câu chuyện cá nhân để gia tăng độ tin cậy cho sản phẩm không còn xa lạ. Không ít beauty blogger (chuyên gia làm đẹp) nổi tiếng từng bị "bóc mẽ" khi quảng bá kem dưỡng trắng da, mỹ phẩm giá rẻ nhưng trong hậu trường lại dùng các sản phẩm luxury nhập khẩu. Họ vẫn tung ra những video unbox (đập hộp) sản phẩm tài trợ, kèm theo lời khuyên "thật tâm", song người theo dõi dễ dàng nhanh chóng nhận ra sự thiếu nhất quán giữa nội dung quảng bá và thói quen tiêu dùng cá nhân.
Cũng theo anh Thiên, một influencer tầm trung ở Việt Nam có thể kiếm 30 - 100 triệu đồng/tháng nếu làm việc đều đặn, còn các gương mặt nổi bật có thể thu về 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/tháng. Nhưng thu nhập càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Một hình ảnh cá nhân dù được xây dựng khéo đến đâu nhưng nếu dẫn dắt sai lệch hành vi tiêu dùng thì hậu quả có thể là mất lòng tin hoặc đối diện hệ quả pháp lý.
Từ trải nghiệm thật đến tù tội
Trường hợp kênh TikTok "Gia đình Hải Sen" là ví dụ. Từ hình ảnh gia đình khởi nghiệp thành công, Lê Văn Hải thu hút hàng triệu người theo dõi, tạo nhiều tài khoản cho con và mẹ, lồng ghép quảng cáo "siro ăn ngon Hải Bé" vào các video có trẻ nhỏ để tăng độ tin cậy. Đặc biệt, con của Hải được cho là thường xuyên sử dụng sản phẩm, nhằm tạo cảm giác chân thực và an toàn. Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, Công an tỉnh Ninh Bình đã khởi tố, bắt tạm giam Lê Văn Hải để điều tra về tội "Buôn bán hàng giả là thực phẩm". Thông tin ban đầu cho thấy chỉ riêng sản phẩm "siro ăn ngon Hải Bé" đã được bán ra hơn 100.000 hộp, mang lại doanh thu hơn 16 tỉ đồng. Ngoài ra, kênh này còn thu về từ 330 triệu đồng đến 5,64 tỉ đồng mỗi tháng qua YouTube và TikTok.
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên từng kể mình "không biết ăn rau", từ đó quảng bá kẹo rau củ Kera như giải pháp bổ sung chất xơ. Hoa hậu này cùng các influencer nổi tiếng khác là Quang Linh hay Hằng Du Mục còn đăng tải nhiều video quảng bá kẹo Kera thông qua loạt clip "trải nghiệm nông trại trồng rau". Những hình ảnh này được trình bày như trải nghiệm thật, gắn liền với thông điệp lành mạnh. Tuy nhiên, vào tháng 5-2025, những người nổi tiếng này bị khởi tố vì hành vi sản xuất hàng giả, lừa dối khách hàng.
Luật sư Trương Văn Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, cho rằng influencer dùng hình ảnh cá nhân để quảng bá sản phẩm được xem là "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo". Việc này có vi phạm pháp luật hay không phụ thuộc vào mục đích quảng bá và tính minh bạch của nội dung, cụ thể là sản phẩm có bảo đảm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng hay không.
Nếu sản phẩm được quảng bá có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm và đúng như đăng ký thì việc quảng bá không bị coi là vi phạm pháp luật. Ngược lại, nếu sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng thì việc quảng bá có thể bị xem là hành vi vi phạm.
Luật hiện hành chưa phân biệt rõ "ý kiến cá nhân" và "quảng cáo trá hình". Tuy nhiên, có thể hiểu "ý kiến cá nhân" là nhận định mang tính chủ quan, phản ánh cảm xúc và trải nghiệm thật; còn "quảng cáo trá hình" là nội dung quảng cáo được ngụy trang dưới dạng chia sẻ đời thường nhằm dẫn dắt hành vi tiêu dùng mà không công khai mục đích thương mại.
Theo khoản 1 và 8 điều 2 Luật Quảng cáo năm 2012, quảng cáo là việc giới thiệu sản phẩm đến công chúng nhằm mục đích sinh lợi và "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo" là người trực tiếp đưa quảng cáo đến công chúng, bao gồm cả việc thể hiện sản phẩm trên cơ thể hoặc trong nội dung cá nhân. Như vậy, khi một influencer đăng Vlog, hình ảnh đời thường kèm sản phẩm hoặc làm đại sứ thương hiệu, hành vi đó được xem là quảng cáo theo quy định pháp luật.
Cũng theo luật sư Trương Văn Tuấn, tại khoản 7 điều 109 Luật Thương mại năm 2005 và khoản 9 điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012, hành vi quảng cáo sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng, giá cả, xuất xứ… của sản phẩm là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Người tiêu dùng bị thiệt hại vì tin vào nội dung quảng cáo sai có quyền khởi kiện cá nhân hoặc tổ chức liên quan, theo điều 584 và 608 Bộ Luật Dân sự năm 2015. Nếu có đủ chứng cứ, họ có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng theo các điều 589, 590 và 591 Bộ Luật Dân sự năm 2015. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể nhờ tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo khoản 7 điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
ThS Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên gia giáo dục, cho rằng khi người nổi tiếng chia sẻ trải nghiệm cá nhân, khán giả dễ tin vì cảm thấy gần gũi. Nhưng nếu hình ảnh đó là giả thì việc lợi dụng niềm tin không chỉ thiếu trung thực mà còn có thể gây tổn thương tâm lý, nhất là với giới trẻ. Theo bà Hiền, người tiêu dùng thường mua hàng theo cảm xúc nên trách nhiệm của influencer cần được nhìn nhận nghiêm túc. "Bán hình ảnh giả tạo" là một dạng thao túng tâm lý tiêu dùng và có thể cần được điều chỉnh, siết chặt bằng luật pháp.
TRẦN THÁI - BẢO NGỌC
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/goc-khuat-quang-cao-cua-nguoi-noi-tieng-196250723210043876.htm