Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Lời khuyên cho hành động 'bắt đáy'

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Lời khuyên cho hành động 'bắt đáy'
2 giờ trướcBài gốc
Tuần qua, các ngưỡng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index lần lượt bị phá vỡ và điều này đã ít nhiều tác động đến tâm lý nhà đầu tư. VN-Index chính thức xuyên thủng vùng hỗ trợ mạnh 1.230 điểm. Đâu là góc nhìn của ông/bà về diễn biễn giao dịch trong tuần tới?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank
VN-Index tuần qua vẫn duy trì xu hướng giảm với 4/5 phiên điều chỉnh. Thanh khoản có dấu hiệu gia tăng dần vào cuối tuần khi thị trường lùi về các mốc điểm sâu hơn và áp lực bán vẫn đang chiếm ưu thế.
Điểm tích cực, VN-Index đang về kênh dưới của xu hướng tăng giá từ đầu năm quanh vùng 1.200 (+/-10) điểm. Với việc chỉ báo RSI đã lùi về vùng quá bán, chúng tôi cho rằng VN-Index sẽ tiếp tục duy trì quán tính giảm trong phiên đầu tuần, tuy nhiên kỳ vọng xu hướng tăng trung hạn sẽ được duy trì và thị trường có nhịp hồi kỹ thuật sau đó.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc thêm kịch bản chỉ số chớm phá vùng hỗ trợ kể trên để kiểm định lực cầu trong bối cảnh các yếu tố tác động kém tích cực tới tâm lý nhà đầu tư vẫn còn.
Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi
VN-Index đã xuyên thủng nhiều ngưỡng hỗ trợ quan trọng trong 3 tháng qua, từ 1.270, 1.250 đến 1.230 điểm, chủ yếu do tâm lý lo ngại trước các bất ổn vĩ mô giai đoạn cuối năm và có thể từ 2025. Điều này khiến nhà đầu tư ngày càng thận trọng hơn, với áp lực bán gia tăng nhằm bảo vệ tài khoản trong bối cảnh thiếu vắng các yếu tố hỗ trợ rõ ràng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng trong tuần tới, thị trường có khả năng xuất hiện các phiên hồi phục kỹ thuật ngay tại 1.230 điểm hoặc tại các vùng hỗ trợ sâu hơn như 1.180-1.200 điểm, đặc biệt khi lực bán có dấu hiệu quá đà.
Đồng thời, định giá thị trường đang trở nên hấp dẫn khi P/E tiệm cận vùng thấp nhất từ đầu năm, trong khi lợi nhuận quý III/2024 của nhiều doanh nghiệp vẫn ghi nhận sự hồi phục tích cực.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK smart Invest (AAS)
Ông Vũ Duy Khánh
Xu hướng hiện tại đang dần xấu đi khi chỉ số phá ngưỡng đi ngang 1,240 - 1,300 điểm. Khả năng xuất hiện nhịp bán tháo có thể xuất hiện. Tất nhiên, do nhiều cổ phiếu ở vùng quá bán nên tôi kỳ vọng cầu dò đáy sẽ xuất hiện vào nửa cuối tuần khi chỉ số tiệm cận vùng 1.180-1.200 điểm.
Dưới tác động của việc đồng USD mạnh lên, tỷ giá USD/VND đang gia tăng đáng kể và tạo ra những ảnh hưởng rõ rệt đến kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước. Liên quan đến vấn đề tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đang sử dụng các công cụ điều hành linh hoạt, bao gồm bán ngoại tệ khi cần để bình ổn thị trường. Ông/bà nhìn nhận câu chuyện tỷ giá đang tác động như thế nào đến TTCK?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank
Tỷ giá USD/VND đã tăng nhanh trở lại tiến sát mức đỉnh hồi tháng 4 trong thời gian qua. Tỷ giá tăng tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Dòng vốn ngoại cũng tăng cường bán ròng trở lại trong thời gian gần đây do chi phí vốn tăng ảnh hưởng tới hiệu suất đầu tư.
Ngoài ra, tỷ giá USD/VND tăng cũng kéo theo chi phí nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu và giá cả hàng hóa tăng, ảnh hưởng đến dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam.
Thống kê trong quá khứ cho thấy, thị trường chứng khoán thường chịu áp lực điều chỉnh trước diễn biến bất thường của lãi suất và tỷ giá. Tuy nhiên tôi cho rằng, áp lực tỷ giá chỉ mang tính ngắn hạn và không quá nghiêm trọng do: (1) Xu hướng nới lỏng tiền tệ của FED và nhiều quốc gia vẫn tiếp diễn; (2) Dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn trong mức an toàn; (3) Thặng dư thương mại tốt và (4) FDI giải ngân và kiều hối ổn định.
Do vậy, tôi kỳ vọng áp lực tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt trong thời gian tới và hỗ trợ giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư.
Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi
Tỷ giá USD/VND tăng mạnh chủ yếu do đồng USD tiếp tục duy trì đà tăng khi triển vọng kinh tế Mỹ vẫn nóng, với tăng trưởng khả quan và lạm phát có xu hướng neo cao trong năm 2025. Những yếu tố này đã củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể duy trì chính sách lãi suất cao lâu hơn, tạo thêm áp lực lên tỷ giá tại Việt Nam.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc có khoản vay ngoại tệ lớn đối mặt với chi phí tài chính gia tăng, trong khi dòng vốn nước ngoài cũng trở nên thận trọng hơn do rủi ro tỷ giá.
Tuy nhiên, những yếu tố hỗ trợ như thặng dư thương mại tăng trưởng ổn định và dòng kiều hối dự kiến gia tăng vào cuối năm có thể giúp giảm bớt áp lực tỷ giá trong ngắn hạn. Sự ổn định dài hạn vẫn phụ thuộc vào các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến tiếp theo của đồng USD trên thị trường quốc tế.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK smart Invest (AAS)
Mục tiêu của NHNN khi điều hành chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát. Lạm phát Việt Nam liên quan tới tổng cung và khi tỷ giá tăng lạm phát có xu hướng tăng và thường NHNN phải can thiệp để giữ ổn định.
Tỷ giá là yếu tố ngoại suy tức việc tỷ giá tăng có thể dẫn tới NHNN phải bán USD để kiềm chế đà tăng, do vậy cung tiền đồng sẽ thu hẹp và qua đó có thể đẩy lãi suất tăng và về nguyên tắc khi lãi suất tăng thì TTCK có xu hướng tái định giá lại.
Tuy nhiên, gần đây hệ thống vẫn duy trì cân đối thanh khoản và cung cầu ngoại tệ tốt khi NHNN vẫn chưa phải can thiệp bán ngoại tệ. Do vậy, chúng ta cần thời gian để quan sát thêm tác động của sự thay đổi chính sách nếu có.
Trong bối cảnh lo ngại vấn đề tỷ giá tiếp tục leo thang và DXY đang tiệm cận đỉnh 02 năm gần nhất, dòng tiền cũng trở nên thận trọng hơn. Tuy nhiên, ở góc độ khác, các các doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu mạnh và ghi nhận lãi tỷ giá nhờ lợi nhuận thu về bằng USD như thủy sản, dệt may, cao su, và nông sản đang có lợi thế. Có thể nhận diện cơ hội đối với nhóm cổ phiếu này như thế nào, theo các ông/bà?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank
Ông Nguyễn Anh Khoa
Ngoại trừ nhóm dệt may có hoạt động nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài trước khi sản xuất và xuất khẩu, còn lại các nhóm khác đều được sản xuất chủ yếu từ nội địa và xuất khẩu. Vì vậy, các nhóm như thủy sản, cao su, nông sản sẽ được kỳ vọng hưởng lợi kết quả kinh doanh hơn dựa theo yếu tố tỷ giá tác động.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể phân hóa kỳ vọng về mức độ hưởng lợi dựa trên tỷ trọng tại các thị trường xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu càng cao thì mức độ hưởng lợi càng lớn.
Ngoài ra, các yếu tố từ nợ vay nước ngoài cũng sẽ tạo ra sự phân hóa trong quá trình ra quyết định đầu tư. Các nhóm xuất khẩu truyền thống kể trên đều ít vay USD, tuy nhiên nhóm công nghệ cũng được đánh giá như một nhóm “xuất khẩu”, gia công lớn nhưng vay USD nhiều nên mức độ hưởng lợi từ tỷ giá có thể không được đánh giá quá cao.
Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi
Tôi cho rằng các doanh nghiệp được hưởng lợi từ giai đoạn tỷ giá tăng trước đây vẫn duy trì lợi thế trong giai đoạn tỷ giá căng thẳng hiện tại. Đó là nhóm ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may, cao su, nông sản đang đứng trước cơ hội lớn nhờ lợi thế tỷ giá, khi doanh thu bằng USD mang lại lãi tỷ giá đáng kể, cùng nhu cầu xuất khẩu tăng trưởng từ thị trường Mỹ.
Các doanh nghiệp cảng biển và vận tải biển có thể hưởng lợi từ nhu cầu thông quan cao khi xuất khẩu gia tăng.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK smart Invest (AAS)
Tỷ giá tăng thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lợi và các doanh nghiệp vay USD kinh doanh sẽ gặp bất lợi. Khi doanh nghiệp xuất khẩu thì tiền thu được bắt buộc phải chuyển về nước trong vòng 45 ngày kể từ khi đến hạn thanh toán.
Trong trường hợp doanh nghiệp muốn gia hạn thì phải được phép của NHNN chấp thuận và thuộc hai trường hợp sau: tiền để lại dùng để nhập khẩu hàng hóa hoặc dùng để trả nợ. Tuy nhiên, thông thường các doanh nghiệp khi xuất khẩu sẽ ký hợp đồng L/C (thanh toán trả chậm) nên rất khó kiểm soát được thời gian dòng tiền về. Đây cũng là một cách để doanh nghiệp lách giữ lại ngoại tệ lâu hơn nếu như diễn biến VND được dự báo mất giá mạnh trong thời gian sau khi họ bán hàng.
Đối với các doanh nghiệp FDI của Việt Nam, khi xuất khẩu thì cũng được tính vào cán cân vãng lai của Việt Nam, nhưng ngoại tệ họ thu được sẽ chuyển về nước sẽ được hạch toán vào cán cân tài chính (khoản đầu tư khác ròng, vay nợ hoặc khoản tiền gửi).
Chúng ta thấy giai đoạn 6 tháng đầu năm nay số liệu cho thấy khoản tiền gửi ròng âm rất lớn cho thấy dòng tiền vẫn đang rút ra và điều này khiến tỷ giá có giai đoạn tăng nóng.
Về cổ phiếu, tôi cho rằng nhóm dệt may sẽ hưởng lợi lớn nhất bởi đầu vào đi xuống (Giá bông xuống thấp), đơn hàng tăng cao và giá bán duy trì cải thiện biên gộp và định giá cổ phiếu ở mức rẻ trong khi đó thủy sản, cao su dù cải thiện hoạt động kinh doanh nhưng mặt bằng định giá không quá hấp dẫn. Ngành nông sản chúng ta không có nhiều DN xuất khẩu trên sàn quy mô lớn.
Thị trường hiện tại đang tương đối khó dự báo khi các chính sách vĩ mô lớn chưa được ban hành cụ thể. Trong khi đó, dòng tiền bắt đáy cũng đang có phần “chùng lại” khi mặt bằng giá đang tiếp tục được chiết khấu. Hành động “bắt đáy” ở thời điểm này liệu có phù hợp, theo các ông/bà?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank
Dựa trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index giảm mạnh 2,71% trong tuần qua và đánh mất mốc hỗ trợ quan trọng 1.240 điểm (tương ứng với vùng đáy được thiết lập vào tháng 9/2024). Thanh khoản trong phiên điều chỉnh tiếp tục tăng cao, lực cầu còn khá dè chừng để ngỏ xu hướng điều chỉnh tiếp diễn trong các phiên đầu tuần tới. Do vậy, có thể việc “bắt đáy” sẽ khá rủi ro với các nhà đầu tư lướt sóng khi xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn đang là giảm giá.
Ngược lại, với các nhà đầu tư mong muốn nắm giữ cổ phiếu lâu dài, việc thị trường chiết khấu về vùng giá hợp lý sẽ là cơ hội phù hợp để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng, đặc biệt khi nhiều nhóm cổ phiếu thu hút thanh khoản đang trở về mức định giá thấp nhất trong khoảng thời gian 1 năm, 3 năm (ví dụ nhóm ngân hàng).
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn nhiều rủi ro khó đoán, nhà đầu tư nên tránh giải ngân với tỷ trọng lớn mà nên chia thành từng phần thăm dò để đảm bảo an toàn cho tài khoản.
Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi
Ông Lương Duy Phước
Tôi cho rằng, mặc dù thị trường đang đối mặt với nhiều bất định, từ áp lực tỷ giá đến tình hình vĩ mô quốc tế, chính sách trong nước vẫn đang hỗ trợ mạnh mẽ môi trường kinh doanh.
Các chủ trương như nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất vay, chính sách giảm thuế VAT 2% để kích cầu tiêu dùng và quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đều là những động lực tích cực.
Vì vậy, dù các yếu tố bên ngoài tạo áp lực đáng kể khiến áp lực tâm lý thị trường gia tăng, đây cũng có thể là cơ hội để nhà đầu tư quan sát và chọn lọc những cổ phiếu bị bán quá đà nhưng có triển vọng ổn định trong giai đoạn 2024-2025. Việc “bắt đáy” lúc này cần sự thận trọng và ưu tiên cổ phiếu có nền tảng tốt, hưởng lợi từ các chính sách nội địa.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK smart Invest (AAS)
Thị trường trong giai đoạn cuối năm vốn có thể lặp lại hình ảnh của 2013 (Khi luật đất đai có hiệu lực) hoặc hình ảnh của năm 2017. Do vậy, khả năng bứt phá của toàn thị trường sẽ hạn chế nhất đặt trong bối cảnh khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng như hiện nay.
Trong năm 2024 này, khối ngoại đã bán ròng 141/220 phiên giao dịch (64% thời gian). Tích lũy khối lượng ròng họ bán từ đầu năm tới nay lên tới trên 2 tỷ cổ phiếu, trung bình một phiên các nhà đầu tư ngoại bán ròng cỡ 9,34 triệu cổ phiếu.
Tất nhiên, vùng hỗ trợ 1.180 -1.200 vẫn được coi là vùng hỗ trợ mạnh và nhu cầu dò đáy sẽ xuất hiện. Khoảng 2 tuần gần đây, số mã vốn hóa vừa và nhỏ tăng giá cũng ngày càng nhiều hơn và những cổ phiếu tạo nền giá đáy thường tăng tốt từ 20-30% (đặc biệt là nhóm mô hình hai đáy tính theo đồ thị tuần) và nhiều cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt có xu hướng vượt đỉnh (MSH, HAH...). Vì vậy thực sự thị trường không đến mức quá sợ hãi.
Dò đáy sẽ tùy thuộc khẩu vị rủi ro và chiến lược của mỗi nhà đầu tư (Dài hạn thì vùng giá 1,180 cũng là vùng định giá tốt theo P/E, P/B...).
Hoàng Anh
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/goc-nhin-chuyen-gia-chung-khoan-tuan-moi-loi-khuyen-cho-hanh-dong-bat-day-post358185.html