Góc nhìn đa chiều về cuộc điện đàm thượng đỉnh Mỹ-Nga và kết cục đàm phán

Góc nhìn đa chiều về cuộc điện đàm thượng đỉnh Mỹ-Nga và kết cục đàm phán
10 giờ trướcBài gốc
Cuộc điện đàm của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump thu hút sự quan tâm của dư luận. (Nguồn: Reuters)
Mỹ thức thời, thực tế
Sau cuộc điện đàm kéo dài hai tiếng hôm 19/5, ông chủ Nhà Trắng bày tỏ hài lòng bằng mỹ từ “tuyệt vời” và hy vọng thúc đẩy cuộc đàm phán “ngay lập tức” giữa Moscow và Kiev. Điểm nổi bật là Tổng thống Mỹ không sẵn sàng áp đặt thêm lệnh trừng phạt Nga. Washington thiên về thuyết phục hơn là gây áp lực, bởi trừng phạt chỉ “khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn” và chìa khóa giải quyết xung đột trong tay Nga.
Nhà Trắng thừa nhận giải quyết xung đột khó khăn, phức tạp nhưng tích cực thúc đẩy đàm phán, vì thấy rõ cục diện nghiêng về phía Nga, tin Điện Kremlin muốn cải thiện quan hệ, hợp tác kinh tế với Mỹ và Kiev không thể giành thắng lợi trước Moscow.
Theo Tổng thống Donald Trump, điều kiện “do hai bên thỏa thuận, vì họ biết rõ chi tiết cuộc đàm phán mà không ai khác có thể hiểu được”. Nghĩa là Nhà Trắng giữ vai trò quan trọng, nhưng quyết định là hai bên trực tiếp tham chiến. Đàm phán không tiến triển, lỗi thuộc về Ukraine và Nga.
Trong Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ngày 20-22/5 tại Canada, Mỹ phản đối việc “hỗ trợ thêm cho Ukraine” và từ chối coi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga là “bất hợp pháp”. Washington không muốn đổ thêm tiền của vào “hố đen”; lo ngại hỗ trợ quân sự nhiều hơn có thể đẩy Mỹ, phương Tây đối đầu trực tiếp với Moscow. Điều đó không có lợi cho chiến lược đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại.
Động thái trên thể hiện cách tiếp cận khách quan, thực tế, thức thời của Tổng thống Donald Trump so với người tiền nhiệm. Tiếp tục duy trì như vậy, vừa có lợi cho Mỹ vừa tác động hiệu quả hơn, thúc đẩy đàm phán.
Tổng thống Donald Trump ám chỉ rằng Mỹ có thể rút khỏi vai trò trung gian hòa giải nếu các cuộc đàm phán thất bại. “Tôi nghĩ điều gì đó sẽ xảy ra. Và nếu không, tôi sẽ rút lui và họ sẽ phải tiếp tục”, ông nói.
Nga đàm phán nhưng không nhượng bộ
Đồng tình với Nhà Trắng, Điện Kremlin ca ngợi cuộc điện đàm “rất tốt đẹp”, “thiết thực, thẳng thắn”, “đúng hướng” và hai bên hiểu rõ lập trường của nhau hơn. Tổng thống Nga đánh giá cao lập trường trung lập, vai trò, nỗ lực thúc đẩy đàm phán, hứa hẹn hợp tác của nhà lãnh đạo Mỹ.
Moscow cam kết đưa ra “Bản ghi nhớ về thỏa thuận hòa bình” trong tương lai với Ukraine, bao gồm các nguyên tắc giải quyết xung đột, khung thời gian thỏa thuận hòa bình và những vấn đề khác, trong đó có việc ngừng bắn nếu đạt được điều kiện cần thiết.
Nga sẵn sàng “thỏa hiệp có thể chấp nhận được cho tất cả các bên liên quan” gắn với việc giải quyết tận gốc nguyên nhân xung đột và phù hợp với thực tế mới. Theo Điện Kremlin, đàm phán phức tạp, vì “thỏa thuận hòa bình rộng lớn”, “lệnh ngừng bắn ngay khó khả thi”. Quá trình thỏa thuận có thể kéo dài, thất bại, lỗi không phải từ phía Nga.
Moscow vừa thể hiện quyết tâm vừa chứng tỏ không đóng cửa với giải pháp hòa bình; mong muốn cải thiện quan hệ, tránh gây căng thẳng với Washington; tận dụng sự khác biệt giữa Mỹ với châu Âu, Ukraine, thúc đẩy tiến trình giải quyết xung đột phù hợp với thực tế, theo cách có lợi cho mình.
Sự trở lại của vai trò trung gian đang định hình lại quỹ đạo đàm phán Nga-Ukraine? (Nguồn: Getty Images)
Ukraine, phương Tây lo và không hài lòng
Tổng thống Volodymyr Zelensky lập tức phản bác, Nga đặt điều kiện phi thực tế, thực chất là “câu giờ”, không muốn chấm dứt xung đột; tuyên bố không rút quân khỏi các vùng Điện Kremlin yêu cầu. Kiev kêu gọi Mỹ, châu Âu gia tăng áp lực mạnh hơn, hỗ trợ nhiều hơn, coi đó là cách duy nhất buộc Moscow nhượng bộ.
Mặt khác, Tổng thống Ukraine hứa hẹn “có thể ký một bản ghi nhớ với Moscow về giải quyết xung đột”. Kiev muốn chứng tỏ thiện chí, tránh làm mất lòng Washington, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế và cũng hiểu tình thế ngày càng khó khăn của mình. Ukraine nói sẵn sàng đàm phán nhưng quyết không từ bỏ chủ quyền lãnh thổ, quyết đòi ngừng bắn trước. Nghĩa là vẫn đặt điều kiện tiên quyết.
Lãnh đạo châu Âu, Ukraine và nhiều quốc gia khác lo ngại, bày tỏ không hài lòng với lập trường của Mỹ. Tờ Kyiv Independent nhận xét, “điện đàm Donald Trump và Vladimir Putin khiến EU cảm thấy thất vọng”. Theo phương Tây, “Moscow không có sự nhượng bộ thực sự nào”; Mỹ không áp đặt thêm lệnh trừng phạt chính là trao đòn bẩy chiến lược cho Nga.
Ngày 21/5, EU và Anh chính thức thông qua lệnh trừng phạt thứ 17 cứng rắn hơn, chủ yếu nhằm vào lĩnh vực ngân hàng, năng lượng và “đội tàu đen” vận chuyển dầu của Nga. Theo họ, không bán được dầu và giá thấp là đòn chí mạng giáng vào nền kinh tế, sức mạnh quân sự của Moscow.
Trước đó, một số lãnh đạo châu Âu đưa ra nhiều kế hoạch hỗ trợ như thành lập “liên minh tự nguyện” gửi quân đến Ukraine, huy động 120 máy bay bảo vệ không phận và cam kết tiếp tục cung cấp tài chính, vũ khí cho Kiev, lấp “khoảng trống” do Mỹ dừng viện trợ. EU kiên quyết đòi Nga ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện.
Mỹ cũng cảnh báo Nga, nhưng nghiêng về thuyết phục, hứa hẹn hợp tác, lợi ích kinh tế. Ngược lại, châu Âu, Ukraine chủ trương tiếp tục gây sức ép tối đa, buộc Nga phải nhượng bộ, chấp nhận các điều kiện của họ, nếu đàm phán cũng phải trên thế có lợi. Cách tiếp cận này không phù hợp thực tế và không hiệu quả.
Đàm phán là con đường khả dĩ
Chiến lược của Ukraine, Nga, Mỹ và EU đối với xung đột rất khác nhau, xuất phát từ ý đồ, mục tiêu mỗi bên và tác động mạnh mẽ, đa chiều đến tương lai, kết cục đàm phán.
Thứ nhất, dù Ukraine tiếp tục được châu Âu hỗ trợ, nhưng sẽ chịu nhiều tổn thất và khó có thể đảo ngược cục diện. Con đường khả dĩ nhất là đàm phán chấm dứt xung đột với sự thỏa hiệp, nhượng bộ ít nhất.
Thứ hai, châu Âu tự nhận “ngồi chung thuyền” với Ukraine, nên không thể không hỗ trợ. Chiến lược của EU là duy trì “xung đột nóng” và “chiến tranh lạnh mới” với Nga, thông qua cuộc chiến ủy nhiệm, các đòn tấn công chính trị, ngoại giao, cô lập và trừng phạt kinh tế Moscow.
Tuy nhiên, châu Âu đang vật lộn với “tự chủ chiến”, kinh tế suy giảm, nội bộ thiếu gắn kết, ảnh hưởng lớn đến tiềm lực, sức mạnh mọi mặt. Viện trợ, can dự của EU gây cho Nga nhiều khó khăn, khiến xung đột kéo dài, nhưng không thể giúp Kiev giành thắng lợi, khiến Moscow thất bại hoặc buộc phải chấp nhận đàm phán theo điều kiện tối hậu thư.
Xung đột không chỉ gây thiệt hại lớn cho Ukraine, Nga mà cả với châu Âu. Nhận rõ thực trạng đã khó, khắc phục hậu quả càng khó hơn.
Cờ Ukraine tung bay trước trụ sở Ủy ban châu Âu ở Berlaymont, Brussels, Bỉ nhân dịp cuộc xung đột Nga-Ukraine bước qua năm thứ ba, ngày 24/2. (Nguồn: Getty Images)
Thứ ba, Nga có lợi thế chiến trường và sẵn sàng cho một cuộc chiến tiêu hao kéo dài. Nhưng xung đột càng kéo dài thì tổn thất càng lớn, càng khoét sâu vực ngăn cách giữa Nga và châu Âu, cản trở sự hội nhập, phát triển lâu dài trong tương lai của xứ bạch dương.
Phương án tối ưu của Nga là kết thúc xung đột bằng đàm phán hòa bình, gắn với giải quyết nguyên nhân gốc rễ, với những điều khoản tương ứng với cục diện chiến trường và chiều hướng phát triển. Moscow quyết tâm thực hiện mục tiêu cơ bản đề ra trước tháng 2/2022.
Ngoài các nội dung đó, Điện Kremlin có thể thỏa hiệp về ngừng bắn có điều kiện, giám sát thỏa thuận bằng lực lượng trung lập và phối hợp bảo đảm an ninh cho Kiev thời hậu chiến… Ngược lại, EU gia tăng viện trợ quân sự, can dự trực tiếp sẽ đẩy Nga vào thế hành động quân sự quyết liệt hơn.
Thứ tư, Mỹ có vai trò quan trọng và sự điều chỉnh cách tiếp cận của Washington có tác dụng thúc đẩy đàm phán giải quyết xung đột Nga-Ukraine. Vai trò, tác động của Mỹ càng lớn nếu họ thực sự trung lập, ngừng hoàn toàn viện trợ quân sự cho Kiev.
Nhưng với sự dính líu lợi ích chiến lược ở Ukraine và tác động từ nội bộ, đồng minh, Nhà Trắng khó trung lập hoàn toàn, có thể lại “quay xe”.
Thứ năm, với ý đồ chiến lược của các bên liên quan và bối cảnh tình hình, đàm phán giải quyết xung đột là kịch bản có khả năng xảy ra. Quá trình đàm phán sẽ phức tạp, kéo dài và đan xen giữa hoạt động quân sự với ngoại giao, chính trị.
Kết cục đàm phán phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng quyết định là cục diện chiến trường, tương quan tiềm lực, sức mạnh giữa hai đối thủ. Hai bên ít nhiều đều phải thỏa hiệp; bên có ưu thế chiến trường sẽ nhượng bộ ít hơn.
TS. Vũ Đăng Minh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/goc-nhin-da-chieu-ve-cuoc-dien-dam-thuong-dinh-my-nga-va-ket-cuc-dam-phan-315184.html