Góc nhìn dự án quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai

Góc nhìn dự án quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai
3 giờ trướcBài gốc
Thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đặc biệt quan tâm đến nội dung phân cấp, ủy quyền cho các địa phương. Trên tinh thần đó, việc tăng cường phân cấp, ủy quyền phải gắn với bố trí nguồn lực cho các địa phương.
Chỉ gần 22 km, khởi công cuối năm 2022 dự kiến hoàn thành năm 2027, tính ra mất 5 năm.
Đồng thời, việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập là một bước tiến bộ lớn trong xây dựng luật. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng trong các dự án đầu tư còn chậm do nhiều nguyên nhân, liên quan đến giá đền bù, nguồn gốc đất… Trên tinh thần đó, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nhất trí với kiến nghị của các đại biểu Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình những nội dung còn ý kiến khác nhau trong Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đặc biệt là những nội dung liên quan đến việc phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.
Trở lại với các dự án đầu tư nói chung, trong đó có các dự án giao thông, đặc biệt là dự án quốc lộ 6 đoạn từ Ba La đến Xuân Mai, có dịp đi qua đoạn quốc lộ này, đập ngay vào mắt là tiến độ giải phóng mặt bằng quá chậm. Đoạn từ cầu Mai Lĩnh đến Ba La hầu như vẫn giậm chân tại chỗ. Từ dự án này đối chiếu với Luật Đầu tư công hiện hành mà Quốc hội đang tiến hành sửa đổi, ai cũng biết vướng mắc chính là khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Song câu chuyện đặt ra, khi tiến hành nghiên cứu, lập dự án đã tính “chi tiết” số tiền chi cho các công đoạn. Với dự án trên, trong tổng số tiền đầu tư trên 8.100 tỷ đồng, thì chi cho công tác giải phóng mặt bằng đã lên tới trên 5.000 tỷ đồng, trong khi chi phí xây dựng và thiết bị chỉ hơn 2.947 tỷ đồng. Vậy tại sao cần nhiều thời gian để triển khai đến thế? Vì sao giải phóng mặt bằng chậm đến thế?
Trong khi chờ đợi Quốc hội sớm thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) và các luật liên quan khác, với Hà Nội đã có Luật Thủ đô 2024, hiện đang chờ các văn bản hướng dẫn… có lẽ các cơ quan chức năng nên lấy dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 6 để tìm nguyên nhân, cách khắc phục không chỉ nhằm đẩy nhanh tiến độ, mà còn rút ra bài học kinh nghiệm với các dự án khác. Cụ thể, xem khâu nào vướng mắc do cơ chế, khâu nào vướng mắc do cách vận hành, triển khai.
Nếu vẫn cách triển khai dự án như hiện tại, thì dự án mở rộng đường Láng đoạn từ Ngã Tư Sở đến ngã ba Cầu Giấy sẽ còn vướng mắc hơn nhiều… Một dự án được mổ xẻ để tìm cách “khai thông” vướng mắc từ cơ chế đến cách thức vận hành sao cho đảm bảo tiến độ nhanh nhất, tránh lãng phí về mặt thời gian nhất chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng domino cho tất cả các dự án khác trên địa bàn Thủ đô. Đây cũng chính là một trong những bước đột phá để Hà Nội chuẩn bị tâm thế cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Lê Hà
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/goc-nhin-du-an-quoc-lo-6-doan-ba-la-xuan-mai-180220.html