Góc nhìn hôm nay: Gỡ khó trong tuyển dụng giáo viên

Góc nhìn hôm nay: Gỡ khó trong tuyển dụng giáo viên
2 giờ trướcBài gốc
Số lượng giáo viên thiếu hụt ở một số nơi, trong khi ở những nơi khác lại thừa cục bộ, không đồng đều giữa các khu vực. Bên cạnh đó, những khó khăn trong việc đảm bảo quyền lợi, điều kiện làm việc và sự ổn định cho giáo viên cũng đang là những thách thức không nhỏ.
Thiếu giáo viên dạy chương trình mới – luôn là chủ đề nóng đối với ngành giáo dục cũng như các địa phương trong những năm qua. Chính phủ đã rất quan tâm, sát sao và giao hàng nghìn biên chế giáo viên bổ sung cho ngành giáo dục, để đảm bảo chất lượng dạy học. Tuy nhiên, có một vấn đề gặp phải chính là việc thiếu giáo viên nhưng lại thừa biên chế do nhiều tỉnh thành vướng mắc không tuyển dụng được hoặc chậm tuyển dụng giáo viên đue tiêu chuẩn. Trước những bất cập, thách thức phức tạp trong công tác tuyển dụng và sử dụng giáo viên thời gian qua, dự án Luật Nhà giáo không chỉ hứa hẹn tháo gỡ khó khăn về tuyển dụng, sử dụng giáo viên hiện tại mà còn mở ra cơ hội xây dựng một hệ thống giáo dục bền vững, thu hút và giữ chân được những giáo viên tài năng, tâm huyết.
Để khắc phục phần nào tình trạng thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết Quốc hội cho phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng dạy một số môn như Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ, Nghệ thuật ở cấp 1 và cấp 2, thay vì yêu cầu tối thiểu phải có trình độ cử nhân như trước đây. Đây sẽ là “nghị quyết thí điểm” vì việc sử dụng giáo viên tốt nghiệp cao đẳng chỉ là một giải pháp mang tính tạm thời để giải quyết trước mắt tình trạng thiếu giáo viên. Nếu được thông qua, dự kiến tuyển được khoảng 7.200 giáo viên có trình độ Cao đẳng dạy một số môn đặc thù, giảm bớt áp lực thiếu giáo viên đang diễn ra trên toàn quốc. Ngoài ra, dự thảo Luật Nhà giáo được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 này có đề cập vấn đề tuyển dụng giáo viên. Theo đó, quy định về tuyển dụng nhà giáo nêu rõ: Thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng.
Giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo là một trong những điểm mới quan trọng tại dự thảo Luật Nhà giáo. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 16 của Dự thảo Luật nêu rõ về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo: "Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng; Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng; Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập do cơ sở giáo dục chủ trì tuyển dụng theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục". Quy định về tuyển dụng nhà giáo trong Dự thảo Luật Nhà giáo đặt ra một số yêu cầu nhằm đáp ứng đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo khác với viên chức các ngành, lĩnh vực khác (nhà giáo công lập), khác với người lao động thuần túy (nhà giáo ngoài công lập). Trong đó, một nội dung điều chỉnh quan trọng trong tuyển dụng nhà giáo là: Phương thức tuyển dụng thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm. Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, yêu cầu tuyển dụng nhà giáo phải có thực hành sư phạm sẽ giúp gia tăng chất lượng chuyên môn của người được tuyển dụng làm nhà giáo, lựa chọn được đúng người vào nghề.
Hiện nay việc tuyển dụng nhà giáo đang thuộc thẩm quyền ngành nội vụ và ủy ban nhân dân cấp huyện hay tỉnh, ngành giáo dục chỉ có chức năng tham mưu. Theo các chuyên gia hoạch và cán bộ quản lý, nếu ngành giáo dục được chủ động tuyển dụng được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ như thời gian qua. Và đặc biệt, tuyển chọn được đúng người, đúng thời điểm, đáp ứng kịp thời về đội ngũ nhà giáo dạy học của từng địa phương.
Vấn đề tuyển dụng và sử dụng giáo viên hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành giáo dục Việt Nam, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và sự phát triển của thế hệ tương lai. Với dự án Luật Nhà giáo, chúng ta kỳ vọng sẽ có những thay đổi tích cực, tạo ra một cơ chế công bằng, minh bạch và hiệu quả trong việc thu hút và sử dụng nguồn nhân lực giáo viên. Hy vọng rằng, với sự quan tâm và vào cuộc của các cấp lãnh đạo cùng các cơ quan chức năng, những bất cập trong công tác tuyển dụng giáo viên sẽ sớm được giải quyết, tạo điều kiện tốt nhất cho thầy cô giáo yên tâm công tác, cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!
Thu Quỳnh - Phan Hằng - Tùng Dương
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-go-kho-trong-tuyen-dung-giao-vien-242281.htm