Góc nhìn pháp luật: Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được pháp luật quản lý thế nào?

Góc nhìn pháp luật: Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được pháp luật quản lý thế nào?
4 giờ trướcBài gốc
Hầu hết các sản phẩm condotel đã được bán ra trước đây là đầu cơ, lướt sóng hoặc người mua “lóa mắt” vì cam kết lợi nhuận hấp dẫn. Vì vậy, để phân khúc này sôi động như giai đoạn phát triển nóng trước đây là rất khó khăn. Nguyên nhân là do sự thiếu niềm tin của nhà đầu tư đối với loại hình này.
Thực tế để cấp giấy chứng nhận cho loại hình này vẫn cần trải qua nhiều quy trình nghiêm ngặt. Phân khúc này sẽ khó "đảo chiều" ngay lập tức mà cần thời gian để “ngấm” chính sách. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, đây là thời điểm thanh lọc cần thiết, việc định danh cho condotel để tháo gỡ khó khăn về pháp lý, sẽ khiến thị trường minh bạch hơn, tạo những tín hiệu tích cực cho sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch.
Căn hộ khách sạn, hay còn gọi là condotel, trong một thời gian dài được quảng bá là hình thức bất động sản du lịch đem lại lợi nhuận cao, tuy nhiên, cũng trong thời gian dài, gặp rất nhiều vướng mắc về pháp lý, bởi không có quy định pháp luật nào đối với hình thức bất động sản này trong Luật Đất đai 2013, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, dẫn đến không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, không chuyển nhượng được, mọi quyền lợi thông thường của người mua căn hộ này đều bị “bó chặt”.
Mãi đến ngày 3/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 10 năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2023. Nghị định này được kỳ vọng sẽ “hồi sinh” cho phân khúc này, bởi nếu condotel đáp ứng đủ các điều kiện thì sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất, theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ, hay còn gọi là sổ đỏ.
Tuy nhiên, sau khi đi vào triển khai, vấn đề pháp lý cho loại hình này vẫn “rối như tơ vò”. Bởi, nếu chỉ căn cứ vào Nghị định 10 để địa phương cấp giấy chứng nhận ngay cho các căn hộ du lịch là điều khó khả thi trên thực tế. Vì ở thời điểm đó, các đạo luật về bất động sản, về đất đai đều chưa quy định về loại hình này.
Trước những bất cập từ thực tế, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung xây dựng và thông qua các luật để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản nói chung và phân khúc condotel nói riêng. Bộ 3 luật gồm Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai đã có hiệu lực ngay từ ngày 1/8 vừa qua, khung pháp lý đối với condotel, officetel đã dần hoàn thiện.
Trong chương trình Góc nhìn pháp luật với chủ đề "Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được pháp luật quản lý thế nào?" sẽ tìm hiểu về khung pháp lý đối với loại hình bất động sản này, với sự tham gia của hai vị khách mời:
1. Chuyên gia Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam;
2. Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!
Quang Anh - Ngọc Thiện
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/goc-nhin-phap-luat-bat-dong-san-du-lich-nghi-duong-duoc-phap-luat-quan-ly-the-nao-241682.htm