Góc pháp lý vụ thiết bị bay không người lái 'chém' chết người

Góc pháp lý vụ thiết bị bay không người lái 'chém' chết người
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 20/11, ông T. (49 tuổi, ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) lái xe tới khu vực xã Mỹ Hiệp Sơn đã va chạm với thiết bị bay không người lái (drone) do M.V.L. (29 tuổi, người địa phương) điều khiển, đang xịt thuốc gần đó. Ông T. bị cánh quạt drone chém vào đầu và cổ, bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong sau đó.
Cơ quan chức năng huyện Hòn Đất đang xác minh làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện trường vụ việc. Ảnh: MXH
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại khoản 1 điều 3 Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ thì thiết bị bay phun thuốc sâu (Drone) do anh M.V.L (29 tuổi) được coi là tàu bay không người lái.
Đồng thời, theo quy định tại điều 5 Nghị định số 36/2008/NĐ-CP, Bộ Quốc phòng là cơ quan có trách nhiệm quản lý, điều hành, giám sát bay đối với tàu bay không người lái. Các nội dung quản lý bao gồm:
Thiết lập, cấp phép, trả lời, thông báo khu vực được tổ chức hoạt động bay.
Chỉ định cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, giám sát các hoạt động bay.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điều 8 Nghị định số 36/2008/NĐ-CP, Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu trực thuộc Bộ Quốc phòng có thẩm quyền cấp phép cho các chuyến bay của tàu bay không người lái.
Luật sư Nam nhận định, vụ việc xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, làm 1 người tử vong, có dấu hiệu của vụ án hình sự, có căn cứ khởi tố vụ án hay không các cơ quan chức năng cần xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ nhằm làm rõ các vấn đề sau:
Thứ nhất, cần làm rõ việc người sử dụng drone (thiết bị bay để phun thuốc sâu) đã được Cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo các quy định viện dẫn nêu trên hay chưa và hoạt động bay đáp ứng đầy đủ các quy định về thông báo, đảm bảo an toàn nơi công cộng khi sử dụng phương tiện bay không người lái theo quy định tại điều 13 Nghị định số 36/2008/NĐ-CP không?
Thứ hai, cần xác minh, làm rõ nguyên nhân gây ra vụ tai nạn làm chết người xuất phát từ đâu, yếu tố lỗi trong vụ việc thuộc về chủ thể nào, người điều khiển drone có dấu hiệu vi phạm các quy tắc an toàn khác về việc điều khiển phương tiện bay không người lái hay không, trước khi cho thiết bị bay có phát hiện lỗi, sự cố của thiết bị hay không, có thực hiện bảo dưỡng thiết bị theo định kỳ hay không… Từ việc làm rõ các vấn đề nêu trên, có thể xảy ra 2 trường hợp như sau:
Nếu vụ việc hoàn toàn là sự kiện bất khả kháng, tức người lái drone đã đảm bảo đầy đủ quy định về được cấp phép, điều khiển phương tiện và đảm bảo an toàn nhưng việc va chạm với người lái xe máy là bất ngờ, nằm ngoài tầm kiểm soát, đã được áp dụng mọi biện pháp tối ưu nhưng không thể ngăn ngừa thiệt hại xảy ra, khi thiết bị bay mới xảy ra sự cố thì đây có thể coi là tình huống bất khả kháng. Khi đó, trách nhiệm của người điều khiển thiết bị phun thuốc sâu có thể được loại trừ.
Trường hợp, nếu xác định đây là vụ việc có yếu tố lỗi hỗn hợp hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về người điều khiển thiết bị bay như chủ quan, thiếu cảnh giác hay không đảm bảo các quy tắc an toàn để được cấp phép bay, cơ quan chức năng có thể xem xét trách nhiệm người này về tội danh "Vô ý làm chết người" hoặc tội danh "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" theo Điều 128, 129 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, trong vụ việc hậu quả chết người đã xảy ra, người có hành vi gây ra hậu quả chết người đối với nạn nhân có trách nhiệm, nghĩa vụ bồi thường toàn bộ về tổn thất về tính mạng cho thân nhân của người này theo các quy định tại Bộ luật dân sự 2015.
Phúc Đức
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/goc-phap-ly-vu-thiet-bi-bay-khong-nguoi-lai-chem-chet-nguoi-169241127105414773.htm