Vụ việc TikToker Phạm Thoại nhận quyên góp hơn 16 tỷ đồng để hỗ trợ bé M.H (tên thường gọi là bé Bắp, SN 2021) là con trai của chị Lê Thị Thu Hòa (SN 1997, quê ở Ninh Thuận) đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận những ngày gần đây.
Theo đó, ngày 4/11/2024, TikToker Phạm Thoại đăng bài viết "Thư ngỏ lời giúp đỡ", kêu gọi quyên góp vì bé Bắp nguy kịch, cần gấp 6-7 tỷ đồng chữa trị tại Trung Quốc. Anh cho biết đã sử dụng một ứng dụng công nghệ có tên Thiện nguyện để gây quỹ, cho phép mọi người kiểm tra giao dịch như sao kê online.
Đến trưa 24/2, tài khoản gây quỹ do Phạm Thoại đứng tên trên ứng dụng này ghi nhận số tiền tổng thu cho chiến dịch hỗ trợ bé Bắp là hơn 16,7 tỷ đồng, tuy nhiên, số tiền trong tài khoản hiện chỉ còn hơn 54,7 triệu đồng. Số còn lại đã được rút khỏi tài khoản.
TikToker Phạm Thoại (bên phải) và chị Lê Thị Thu Hòa (mẹ bé Bắp). Ảnh: Phụ nữ số
Nhiều người dùng mạng xã hội, đặc biệt là những người góp tiền ủng hộ mẹ con Bắp mong muốn được biết số tiền của họ đã được sử dụng ra sao?
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, từ thiện được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không có ép buộc nào trong hoạt động từ thiện. Để tránh việc trục lợi từ hoạt động từ thiện Nhà nước đã kịp thời ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP quy định về việc về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Theo đó, tại khoản 2 điều 23 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP quy định, cá nhân tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện và sử dụng để hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Cá nhân tổng hợp đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và thực hiện công khai trên các phương tiện truyền thông.
Như vậy, theo quy định này, khi nhận được tiền từ các tổ chức, cá nhân đóng góp để ủng hộ cho bệnh nhân, Phạm Thoại có trách nhiệm phải công khai về kết quả tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp này.
Với quy định nêu trên, đồng nghĩa với việc những mạnh thường quân có quyền yêu cầu người tiếp nhận từ thiện công khai số tiền đã nhận và số tiền này được sử dụng vào những mục đích gì.
Hiện nay, việc cung cấp sao kê tài khoản là hình thức công khai minh bạch rõ ràng từng khoản tiếp nhận và sử dụng nguồn tiền có đúng mục đích như kêu gọi hay không? có dấu hiệu bị chiếm đoạt tiền của những mạnh thường quân trong vụ việc hay không?
Đồng thời, do có liên quan đến việc tiếp nhận nguồn tiền từ thiện của các mạnh thường quân đóng góp nên mẹ cháu Bắp cũng có trách nhiệm minh bạch, công khai với những mạnh thường quân đã đóng góp để cứu giúp con mình.
Còn tại khoản 2, 3 điều 5 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP nghiêm cấm báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện.
Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội
Trường hợp người kêu gọi từ thiện không công khai minh bạch các khoản thu, chi liên quan đến việc kêu gọi các mạnh thường quân để ủng hộ chữa bệnh cho bé Bắp, Cơ quan điều tra có thể vào cuộc để xác minh, điều tra nhằm làm rõ các tình tiết trong vụ việc.
Trong trường hợp cơ quan điều tra phát hiện có dấu hiệu sai phạm thì hành vi sai phạm này có thể sẽ bị khởi tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo điều 174 Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt có thể đối mặt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến tù chung thân (tùy thuộc vào giá trị tài sản chiếm đoạt).
Nếu có sai phạm, người kêu gọi từ thiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trong trường hợp người tiếp nhận tiền từ thiện (người được hỗ trợ) nếu có hành vi thông đồng, họ cũng có thể bị xử lý với vai trò đồng phạm.
Khi đó, người ủng hộ sẽ được xem là bị hại trong vụ án hình sự và có quyền yêu cầu giải quyết vấn đề dân sự, bao gồm việc buộc người vi phạm hoàn trả toàn bộ hoặc một phần số tiền sau khi trừ đi các khoản chi hợp pháp.
Phúc Đức