Gợi mở thêm hướng đi cho nhiếp ảnh

Gợi mở thêm hướng đi cho nhiếp ảnh
2 ngày trướcBài gốc
Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, nhiếp ảnh là một lĩnh vực có nhiều lợi thế, được lựa chọn để đầu tư và phát triển. Nhiếp ảnh thế giới ra đời gần 200 năm trước và có mặt tại Việt Nam khoảng 150 năm, thường là hoạt động cá nhân của người cầm máy. Tuy nhiên, để mang lại giá trị lớn hơn và đóng góp vào công nghiệp văn hóa, việc kết nối đội ngũ cầm máy với hoạt động sáng tác, thu thập, lưu trữ, khai thác, kinh doanh sản phẩm ảnh hay sáng tạo hình ảnh có sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quy mô quốc gia và kết nối quốc tế đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Văn Truyền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đà Nẵng (thuộc Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố Đà Nẵng) cho biết, từ thực tiễn hoạt động sáng tác của hàng trăm thành viên Câu lạc bộ thời gian qua cũng như quá trình học hỏi và giao lưu cùng các nhiếp ảnh gia trên cả nước, ý tưởng thành lập Hợp tác xã Nhiếp ảnh và Ứng dụng ra đời. Đây là mô hình đã phát huy hiệu quả trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật và xã hội khác, tuy nhiên với nhiếp ảnh thì hoàn toàn mới mẻ. Buổi tọa đàm và kết nối đầu tiên mới diễn ra tại Trung tâm Văn hóa -Thể thao quận Hải Châu (Đà Nẵng) vào dịp kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (1953-2025), với sự tham gia và hỗ trợ của nhiều đơn vị tại địa phương.
Tại đây, các diễn giả trao đổi, nêu bật những thông tin về thực trạng và xu hướng nhiếp ảnh hiện nay. Nhiếp ảnh là sự kết hợp của khoa học và nghệ thuật, với những chức năng và tiềm năng vừa giao thoa, vừa phân chia thành nhiều loại hình đặc thù.
Chẳng hạn, chỉ tính riêng nhiếp ảnh ứng dụng trong thương mại, nghệ thuật và truyền thông đã có nhiếp ảnh quảng cáo (minh họa sản phẩm hoặc dịch vụ), nhiếp ảnh kiến trúc (tập trung vào các công trình xây dựng và kiến trúc), nhiếp ảnh sự kiện (ghi lại diễn biến sự kiện xã hội và người tham gia), nhiếp ảnh thời trang, nhiếp ảnh phong cảnh, nhiếp ảnh động vật hoang dã…
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Văn Truyền nhấn mạnh, nhiếp ảnh Việt Nam không đứng ngoài những xu hướng của nhiếp ảnh toàn cầu, như sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để tối ưu ánh sáng và đường nét, số hóa ảnh và giao dịch hình ảnh qua blockchain, nhiếp ảnh thương mại song hành với sáng tạo nội dung số, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp… Tuy nhiên, vấn nạn sao chép và vi phạm quyền tác giả vẫn tồn tại và ngày càng nhức nhối, tác phẩm ảnh chưa được định giá phù hợp, nhiếp ảnh gia chưa được coi như nghề nghiệp chính thức, chưa có môi trường hoạt động chuyên nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Truyền đã dẫn một thí dụ tại Đà Nẵng, khi có đơn hàng lớn về ảnh đẹp địa phương thì vẫn không có đơn vị nào đứng ra nhận dù thành phố là điểm đến nổi tiếng về du lịch biển, du lịch MICE, du lịch cưới. Về mặt lưu trữ, hầu hết cơ quan, công sở, tổ chức xã hội và doanh nghiệp chưa coi trọng nguồn ảnh tư liệu, dẫn đến thiếu cơ sở dữ liệu về ảnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Cộng đồng Sinh thái chia sẻ: Khi thực hiện một dự án quảng bá du lịch tại Quảng Ngãi, đơn vị đã gặp khó khăn lớn trong việc tìm nguồn ảnh chất lượng, phong phú góc nhìn và có bản quyền. Theo bà, Hợp tác xã Nhiếp ảnh và Ứng dụng có thể tập hợp, kết nối các nhiếp ảnh gia để xây dựng kho dữ liệu chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo đầu ra cho tác phẩm nghệ thuật. Sự phối hợp của nghệ sĩ và các bên liên quan không chỉ giúp cộng đồng nhiếp ảnh phát triển nghề nghiệp, ổn định sinh kế mà còn góp phần lưu giữ và quảng bá giá trị lịch sử, quảng bá cảnh đẹp, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới.
Về cơ sở pháp lý, Hợp tác xã Nhiếp ảnh và Ứng dụng nhận được sự tư vấn và hỗ trợ của Viện Phát triển Công nghệ Xanh, Phòng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Hải Châu).
Bà Nguyễn Thị Hiển, Chủ tịch Hội đồng Viện Phát triển Công nghệ Xanh cho rằng, việc thành lập một hợp tác xã mang lại nhiều thuận lợi với vai trò là tổ chức kết nối và pháp nhân, giúp bảo vệ quyền tác giả và bảo đảm lợi ích của nghệ sĩ trong các hợp đồng dịch vụ. Đồng thời, hợp tác xã là mô hình kinh tế hợp tác được khuyến khích, nhất là khi đóng góp vào bảo tồn văn hóa, thúc đẩy sáng tạo, mang đến cơ hội phát triển kỹ năng và hướng khởi nghiệp cho giới trẻ. Mô hình này cũng có tiềm năng thu hút sự hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp và nhà tài trợ trong và ngoài nước, tạo ra môi trường chuyên nghiệp, văn minh để các nhiếp ảnh gia phát triển và đóng góp cho cộng đồng. Một số đại biểu khác như bà Kunzang Deachen - đại diện tổ chức Local Future (Ấn Độ), bà Thái Đào Việt Trinh - Chủ nhiệm dự án du lịch Xóm Tour cũng chia sẻ các kinh nghiệm về mối liên kết nhiếp ảnh và du lịch, tính bản địa trong nhiếp ảnh, tổ chức phototour qua đó kể những câu chuyện nhân văn về văn hóa truyền thống…
Trước mắt, theo ông Huỳnh Văn Truyền, mục tiêu của Hợp tác xã Nhiếp ảnh và Ứng dụng là xây dựng cộng đồng nhiếp ảnh chuyên nghiệp, hỗ trợ nhiếp ảnh gia hoạt động hợp pháp, phát triển hệ thống đào tạo và hướng nghiệp tại Đà Nẵng, sau đó có thể phối hợp mở rộng với các tỉnh miền trung, Tây Nguyên.
Bên cạnh đó là xây dựng kho ảnh kỹ thuật số để tăng cường khả năng bảo vệ bản quyền, tạo thu nhập bền vững. Đơn vị sẽ đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức truyền thông và du lịch, ứng dụng công nghệ vào nhiếp ảnh thương mại và nghệ thuật, hay nói cách khác là tạo lập và mở rộng thị trường cho tác phẩm nhiếp ảnh.
HẢI LÂM
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/goi-mo-them-huong-di-cho-nhiep-anh-post868895.html