Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội đang có lãi suất bao nhiêu?

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội đang có lãi suất bao nhiêu?
5 giờ trướcBài gốc
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn và Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn vừa gửi tới Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.
Về giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng bắt đầu từ tháng 4/2023 đến thời điểm này, Bộ Xây dựng cho biết đã có 38/63 tỉnh, thành phố có văn bản công bố 97 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn.
Lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã giảm hơn 2% trong khoảng 2 năm qua. Ảnh BTC.
Số tiền giải ngân từ gói tín dụng này đến nay ước đạt khoảng 3.400 tỷ đồng, riêng trong 4 tháng đầu năm 2025 giải ngân được hơn 550 tỷ đồng. Trong đó, cho chủ đầu tư 21 dự án nhà ở xã hội vay khoảng 2.940 tỷ đồng, cho người mua nhà ở xã hội tại 19 dự án vay gần 460 tỷ đồng.
Theo nghị quyết 33 năm 2023 của Chính phủ, lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi suất bình quân trung dài hạn VND của 4 ngân hàng thương mại nhà nước trong từng thời kỳ.
Từ tháng 7/2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 5 lần điều chỉnh giảm lãi vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Cụ thể, từ tháng 7/2023 đến tháng 1/2025, lãi vay gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được điều chỉnh giảm từ 8,7%/năm xuống 6,6%/năm ở thời điểm hiện tại. Trong khi lãi vay ưu đãi mua nhà ở xã hội với người mua nhà cũng được điều chỉnh giảm từ 8,2%/năm xuống 6,1%.
Như vậy, kể từ khi triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội đến nay, lãi vay đã giảm hơn 2%.
Bộ Xây dựng cho rằng việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (đến nay các ngân hàng đã cam kết tăng lên 145.000 tỷ đồng) những năm qua còn chậm.
Nguyên nhân do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không đủ điều kiện để vay vốn như không bảo đảm điều kiện dư nợ, không có tài sản bảo đảm.
Để gỡ vướng, Bộ Xây dựng đề xuất các giải pháp như: Tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và đôn đốc địa phương công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn.
Theo Bộ Xây dựng, cần nghiên cứu cho phép mở các chỉ tiêu, hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại theo hướng phần cho vay mua nhà ở xã hội không tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị sớm lập Quỹ nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng để tạo nguồn vốn dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội.
Doanh nghiệp và người dân chưa mặn mà với gói 120.000 tỷ đồng
Hiện nay, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội để thực hiện Đề án xây dựng khoảng 1 triệu căn đến năm 2030 theo chủ trương của Chính phủ. Vấn đề đặt ra là cần khẩn trương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, để gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận hơn với gói tín dụng này.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội giải ngân chậm, cho thấy một nghịch lý là: Cả doanh nghiệp và người dân đều khó khăn về tài chính, trong khi Ngân hàng khẳng định “không thiếu tiền”, nhưng cung và cầu lại chưa thể gặp nhau. Đối với người mua nhà, việc không tiếp cận được nguồn cung nhà ở xã hội nên không thể vay được gói tín dụng này.
Tại diễn đàn bất động sản do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) hồi tháng 3, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: "Sản xuất kinh doanh khó khăn nên thu nhập sụt giảm. Một số khách hàng có nhu cầu mua nhà ở xã hội nhưng chưa mua được, chưa có hợp đồng mua bán ký với chủ đầu tư vì nguồn cung hiện nay còn hạn chế. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát và sẽ có tham mưu để xây dựng cơ chế chính sách để đẩy mạnh chương trình này trong thời gian tới".
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nếu chỉ trông chờ vào gói tín dụng này, thì khó đạt mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. "Gói 120.000 tỷ đồng là tín dụng thương mại có ưu đãi chứ không phải là gói tín dụng cho một chính sách kinh tế nhân văn, nên rất khó, khó cả Ngân hàng, khó cả doanh nghiệp và khó cả người dân. Với mức lãi suất hơn 8% kéo dài trong khoảng 3 năm, sau đó sẽ theo cơ chế thị trường. Đối với doanh nghiệp và người dân đã mặn mà chưa, tôi cho rằng họ chưa mặn mà", TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm.
Mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng tham gia Chương trình tín dụng cho vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng, đẩy nhanh việc cho vay, giải ngân nhanh chóng để hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư nhằm tăng nguồn cung cho thị trường.
NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc các cam kết tham gia Chương trình về lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay phù hợp với đối tượng và mục đích vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở xã hội tiếp cận vốn vay.
Đông Bắc
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/goi-tin-dung-120000-ty-dong-cho-vay-nha-o-xa-hoi-dang-co-lai-suat-bao-nhieu.html