GS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình khẳng định: “Không có sách thì không có tri thức. Xuất bản có vai trò soi đường dẫn dắt sự phát triển của cá nhân, tổ chức và cả dân tộc”. Đây là triết lý đã được khẳng định bởi các thế hệ đi trước. Cho đến nay, trong bối cảnh đất nước hướng tới mục tiêu đổi mới sáng tạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào mọi hoạt động, sách vẫn là một nguồn tri thức quý báu.
Hơn hết, để sách có thể đến được với đa dạng tầng lớp, việc phát triển văn hóa đọc tại các cấp cơ sở là một mục tiêu cốt lõi.
Công nghệ số vừa là cơ hội vừa là thách thức
Theo báo cáo của PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Tổng giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - vào giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh việc hoàn thành khối lượng lớn sách phục vụ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII và các Hội nghị Trung ương khóa XIII, đơn vị còn đẩy mạnh phát triển sách điện tử, sách nói, sách đa phương tiện.
Cụ thể, trong 4 năm từ 2021 đến 2024, đơn vị đã xuất bản 2.335 đầu sách giấy với gần 28 triệu bản in và 1.008 đầu sách điện tử. Con số cho thấy nỗ lực rõ rệt trong việc bắt kịp sự thay đổi của hành vi tiếp nhận thông tin trong xã hội số.
Sự đầu tư vào xuất bản số giúp mở rộng đối tượng tiếp cận và truyền tải sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị trong giai đoạn mới. Có thể thấy, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã thể hiện vai trò tiên phong trong việc nắm bắt xu hướng, tích cực chuyển đổi số để lan tỏa hiệu quả các ấn phẩm lý luận, chính trị, tư tưởng
Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình tham quan không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản cũng đặt ra nhiều thách thức. Trong buổi làm việc mới đây, ông thẳng thắn chỉ ra rằng thói quen đọc của một bộ phận công chúng bị ảnh hưởng bởi sự tiện lợi của công nghệ. Việc tìm kiếm thông tin hiện nay trở nên quá dễ dàng, khiến người dùng có xu hướng lười đọc và thiếu kiên nhẫn tiếp cận nội dung toàn diện. Đó là một thực tế khiến công tác xuất bản đối mặt với thách thức trong việc duy trì sự hấp dẫn và chiều sâu của sách in.
Dù vậy, đây cũng là cơ hội để các nhà xuất bản chuyển mình với nhiều hoạt động sáng tạo và mang tính lan tỏa cao. Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cđánh giá cao những sáng kiến mới như tổ chức không gian đọc công cộng, khai thác nền tảng số và xây dựng các “tủ sách số”. Đây là những bước đi phù hợp với xu thế, góp phần nuôi dưỡng văn hóa đọc phát triển.
“Việc đẩy mạnh sách điện tử, sách nói, sách đa phương tiện là một hướng đi mới, cần tiếp tục phát huy trong bối cảnh thế giới biến đổi và khoa học công nghệ không ngừng phát triển”, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nói.
Mục tiêu phát triển con người gắn với công nghệ cần đi đôi với sự kiên định trong xây dựng văn hóa đọc bền vững. Công nghệ số là cơ hội để đổi mới, giữ vững vai trò "soi đường dẫn dắt sự phát triển của cá nhân, tổ chức và cả dân tộc".
Tổ chức không gian đọc sau khi sáp nhập xã, phường
Trong bối cảnh các địa phương trên cả nước đang thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã PGS.TS Vũ Trọng Lâm đã đưa ra một đề xuất đáng chú ý: sử dụng một phần không gian các trụ sở xã cũ để phát triển thư viện, nâng cao chất lượng không gian văn hóa đọc tại cơ sở.
Ông cho rằng khi việc sáp nhập hoàn tất, sẽ có hàng nghìn trụ sở xã cũ không còn sử dụng chức năng hành chính như trước đây, và đây là thời điểm thích hợp để bố trí lại nhằm phục vụ mục tiêu nâng cao dân trí, tạo điều kiện học tập, truy cập tri thức cho cán bộ, đảng viên và người dân địa phương.
Định hướng rõ ràng của Chính phủ là ưu tiên sử dụng trụ sở xã sau sáp nhập cho các mục đích công như trường học, trạm y tế, làm trụ sở và làm các không gian văn hóa công cộng như thư viện
Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình
Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Định hướng rõ ràng của Chính phủ là ưu tiên sử dụng trụ sở xã sau sáp nhập cho các mục đích công như trường học, trạm y tế, làm trụ sở và làm các không gian văn hóa công cộng như thư viện. Chỉ khi các phương án trên không còn phù hợp mới cân nhắc việc bán lại để xung công quỹ và tập trung cho các công trình trọng điểm ở địa phương, phát triển hạ tầng kinh tế”.
Với hơn 10.000 xã, dự kiến scó khoảng 7.000 trụ sở cũ được chuyển đổi mục đích sử dụng, Phó thủ tướng bày tỏ kỳ vọng những không gian này sẽ trở thành hạt nhân của đời sống văn hóa ở nông thôn trở thành nền móng cho sự hình thành của các thư viện cộng đồng, nhà văn hóa, không gian đọc thân thiện và gần gũi với người dân.
Cũng tại buổi làm việc, ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương - khẳng định: văn hóa đọc không chỉ là một phương tiện truyền tải tri thức mà còn là một nét đẹp cần được khơi dậy trong cộng đồng. Ông cho biết việc hình thành các không gian đọc công cộng đã được triển khai hiệu quả tại một số đô thị như TP.HCM với mô hình đường sách. Điều này cho thấy nếu có chính sách hợp lý và cách làm phù hợp, văn hóa đọc hoàn toàn có thể lan tỏa rộng khắp, từ thành thị đến nông thôn.
PGS.TS Phạm Minh Tuấn - Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - phát biểu tại buổi làm việc.
Góp thêm góc nhìn từ ngành xuất bản, PGS.TS Phạm Minh Tuấn - Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - đã ghi nhận nỗ lực của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trong việc xuất bản các ấn phẩm chính trị - lịch sử có giá trị, phục vụ nhiệm vụ giáo dục truyền thống, hun đúc tinh thần yêu nước và truyền tải tư tưởng của Đảng đến cơ sở. Những cuốn sách ngắn gọn, dễ tiếp cận và có nội dung phù hợp với từng đối tượng bạn đọc đang trở thành cầu nối hiệu quả đưa tri thức đến gần người dân hơn.
Từ chủ trương của Chính phủ đến đề xuất cụ thể này, sự chung tay của các cơ quan chuyên môn, mô hình không gian đọc tại địa phương được kỳ vọng có những chuyển biến tích cực trong công cuộc xây dựng xã hội học tập và phát triển văn hóa cơ sở.
Đức Huy