Ảnh minh họa
Mâm cúng ngày vía Thần Tài 2025
Theo truyền thống, mâm cúng vía Thần Tài gồm có các lễ vật:
- Hoa tươi: Một bình hoa tươi, thường là hoa cúc hoặc hoa đồng tiền, được đặt lên bàn thờ thần Tài. Hoa tươi thể hiện cho sự sống động và thịnh vượng, mang đến niềm vui và may mắn.
- Nến: Nến hoặc đèn dầu là vật không thể thiếu khi cúng bái. Ánh sáng từ nến giúp xua tan bóng tối và mang lại năng lượng tích cực cho gia chủ.
- Hương (nhang): Thắp hương là một nghi thức quan trọng trong các nghi lễ tâm linh, cầu mong thần linh chứng giám cho lòng thành kính của gia chủ.
- Trái cây: Mâm ngũ quả với năm loại trái cây khác nhau, thường được chọn lựa kỹ càng, thể hiện mong ước ngũ phúc (phú, quý, thọ, khang, ninh) luôn hiện diện trong gia đình và công việc.
- Nước: Một ly nước sạch, biểu tượng cho sự tinh khiết và minh bạch, cũng được đặt trên bàn thờ.
- Gạo và muối: Hai bát gạo và muối, thường được đặt cạnh nhau, tượng trưng cho sự đủ đầy và sung túc.
- Tiền vàng: Đây là biểu trưng cho tiền tài, của cải được gửi tới cõi thần linh, mong nhận lại sự bảo hộ về tài lộc.
- Bánh kẹo và rượu: Một ít bánh kẹo và ly rượu có thể được thêm vào mâm cúng như biểu thị cho sự ngọt ngào và tình thân thiết trong các mối quan hệ kinh doanh.
Ngoài các lễ vật trên, mâm cỗ mặn là phần chính trong mâm cúng, tùy điều kiện và tập quán vùng miền mà có thể lựa chọn các món khác nhau. Với truyền thống của người miền Nam, mâm cúng thần Tài đầy đủ ngoài những lễ vật trên thì không thể thiếu món cá lóc nướng. Còn ở miền Trung, đặc biệt là ở Huế, mâm cúng ngày vía thần Tài thường có lưỡi heo hay mép bò.
Đặc biệt, trong mâm cúng ngày vía thần Tài thường có bộ tam sên, còn gọi là tam sinh hay tam sanh, bao gồm 3 loại thực phẩm đại diện cho các loài bay trên trời, chạy trên đất và bơi dưới nước, thường là một miếng thịt heo (đại diện cho Thổ), một quả trứng luộc (đại diện cho Thiên), ba con tôm hoặc một con cua (đại diện cho Thủy).
Ý nghĩa của bộ tam sên không chỉ đơn thuần nằm ở góc độ vật chất mà còn là biểu trưng sâu sắc cho sự hòa quyện của ba yếu tố thiên nhiên. Thông qua bộ tam sên, người dân thể hiện sự tôn vinh những gì tự nhiên đã ban tặng, cũng như lời cầu mong cho một năm may mắn, thịnh vượng.
Những năm gần đây, trong mâm cúng ngày vía thần Tài thường có thêm bánh bao tạo hình túi tài lộc, tiền vàng, thỏi vàng, hình quả đào... với nhiều màu sắc rực rỡ, bắt mắt. Nhiều gia đình soạn mâm lễ cúng thần Tài với chè trôi nước, xôi gấc đỏ hoặc xôi đậu xanh tạo hình chữ phúc, lộc, thọ. Nhiều chị em khéo tay còn bày xôi ngũ sắc cho thêm may mắn.
Ngoài ra, nhiều người còn mua vàng đặt lên bàn thờ lúc cúng để xin lộc thần Tài, cúng xong có thể cất đi hoặc đeo trên người để được may mắn quanh năm.
Việc chuẩn bị mâm cúng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chu đáo. Ngoài những vật phẩm trên, quan trọng nhất là tấm lòng chân thành của người cúng. Người ta tin rằng, với một tâm nguyện chân thật, thần Tài sẽ đáp lại và mang đến cho gia chủ một năm mới đầy may mắn và thịnh vượng.
Cúng vía Thần Tài 2025 vào giờ nào?
Lễ cúng thần Tài mùng 10 tháng Giêng là một nghi lễ mà các gia đình buôn bán thường không bỏ qua. Nhiều người không kinh doanh cũng coi mùng 10 tháng Giêng là cơ hội để cầu Thần Tài ban lộc, năm mới phát tài, tiền bạc rủng rỉnh. Năm Ất Tỵ 2025, ngày vía thần Tài rơi vào thứ Sáu, ngày 7/2 Dương lịch.
Việc chọn giờ tốt để cúng vía thần Tài 2025 được nhiều gia đình quan tâm vì họ cho rằng nó có thể ảnh hưởng đến việc đón tài lộc và may mắn trong năm mới. Trong cuốn Tìm hiểu văn hóa phương Đông 365 ngày (Nhà xuất bản Thanh Hóa), tác giả Thiên Nhân cho biết thông tin chi tiết về một số khung giờ tốt để cúng vía Thần Tài vào năm 2025.
Vậy cúng vía thần Tài 2025 vào giờ nào tốt nhất? Đó là giờ Dần (3h - 5h), giờ Mão (5h - 7h); giờ Tỵ (9h - 11h), giờ Thân (15h - 17h); giờ Tuất (19h - 21h), giờ Hợi (21h - 23h).
T.Quang (t/h)