LÊ MINH HOANHãy hình dung một xã nông thôn có những nhóm hành động cộng đồng liên thế hệ, liên đoàn thể: người cao tuổi góp kinh nghiệm, thanh niên góp công nghệ, phụ nữ góp sự tinh tế, nông dân góp hiểu biết đất đai, doanh nhân góp đầu ra cho sản phẩm. Bà con cùng nhau trồng cây, mở lớp học cộng đồng, tham gia bình dân học vụ số, dọn rác kênh mương, tổ chức chợ phiên sạch. Không ai đứng ngoài việc làng!
Một đêm hội làng không chia người theo đoàn thể
Về một xã thuần nông ở miền Tây, đúng dịp tổ chức “Đêm hội quê mình”, lòng rộn ràng như trẻ nhỏ được đi chợ Tết. Trên sân nhà văn hóa xã, không còn chỗ trống. Người già ngồi ghế đầu, trẻ nhỏ chen chân dưới đất, thanh niên chuẩn bị tiết mục ca múa, phụ nữ lo bánh trái, nông dân bày mâm nông sản sạch, còn mấy cô tiểu thương ở chợ quê thì cười giòn như pháo, mời khách mua gói cốm rang gói bằng lá chuối xanh rì.
Không có hàng rào ngăn giữa “hội viên” với “người ngoài”. Càng không có chia theo “thành phần”: phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi… Tất cả gom lại thành một cộng đồng vui vẻ, tử tế, biết sống cho nhau.
Hỏi ra mới biết, đây là cách làm mới của xã. Không còn mỗi đoàn thể tự tổ chức hoạt động riêng, mà gom lại thành một không gian sinh hoạt chung, mỗi người góp một phần nhỏ, để tạo ra giá trị lớn. Và từ đó, chính quyền xã cũng dần gom lại cách nghĩ - cách làm - cách vận động, không còn chia rẽ theo “nhóm đối tượng”, mà đi theo hướng tích hợp, linh hoạt, nhân văn.
Sinh viên Đại học Công nghiệp Việt – Hung gặt lúa giúp bà con nông dân. Ảnh: Hội SVHN
Đoàn viên thanh niên Hà Tĩnh đến tận nhà hướng dẫn người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: TTXVN
Đoàn viên hỗ trợ người dân làm thủ tục hưởng trợ cấp xã hội tại P.Long Châu. Ảnh: Nam Long
Nhiều năm làm công tác ở cơ sở, có những lúc nhận ra một điều: Chúng ta đã từng chia nhỏ người dân ra thành từng “nhóm đối tượng”, người cao tuổi có Hội Người cao tuổi, phụ nữ có Hội Phụ nữ, thanh niên có Đoàn, nông dân có Hội Nông dân, doanh nhân thì… tùy nơi, có thì mời họp, không thì thôi.
Cách chia này từng giúp hệ thống tổ chức bài bản, rõ trách nhiệm. Nhưng khi xã hội thay đổi, người dân ngày càng sống đa vai, đa tầng, thì cách làm cũ dần lộ ra những chỗ gò bó, chật chội. Một phụ nữ có thể vừa là mẹ, vừa là nông dân, vừa bán hàng online. Một người cao tuổi có thể vừa dạy nghề, vừa làm từ thiện, vừa trồng rau sạch. Chia cắt người dân thành từng nhóm, rồi vận động riêng rẽ, đôi khi vô tình biến cộng đồng thành những mảnh ghép thiếu gắn kết.
Nông thôn mới không thể xây bằng tư duy cũ
Cũng như nông thôn mới không thể chỉ là chuyện đường làng, cột cờ, hay tường rào thẳng thớm. Nông thôn mới là cộng đồng sống tử tế với nhau, sống vui, sống hài hòa, sống sạch, sống có trách nhiệm. Muốn có điều đó, phải thay đổi từ gốc: thay đổi cách vận động người dân.
Thay vì tổ chức riêng lẻ, theo từng tổ chức đoàn thể, hãy vận động theo vấn đề cụ thể - không gian cụ thể - mục tiêu cụ thể, để mỗi người dân đều thấy mình được mời gọi bằng trái tim, chứ không bằng văn bản.
Hội phụ nữ làm đẹp quê hương bởi những "Đường hoa tự quản". Nguồn: ITN
Ví dụ, tổ chức làm tuyến đường sạch đẹp, thì phụ nữ trồng hoa, thanh niên dọn rác, người cao tuổi giữ gìn nền nếp, học sinh vẽ tranh tường. Mỗi người một phần, chẳng ai bị gạt ra ngoài. Ai cũng thấy mình có ích, có trách nhiệm, có niềm vui. Ai cũng thấy mình được tôn trọng, được sống có ích cho cộng đồng. Như vậy, không chỉ “ba cây”, mà “nhiều cây” chụm lại sẽ nên hòn núi cao.
Chuyển từ
chia t
ổ chức sang kết nố
i c
ộng đồng
Ở Nhật Bản, các khu dân cư tổ chức phòng chống thiên tai theo tuyến phố - cụm cư dân, chứ không theo “tuổi tác - giới tính - nghề nghiệp”. Ở Phần Lan, người già dạy trẻ nghề thủ công, trẻ dạy người già sử dụng công nghệ. Ở Colombia, người dân tổ chức bảo vệ kênh rạch bằng các “nhóm hành động cộng đồng”, gồm đủ thành phần - người buôn bán, nông dân, học sinh, phụ nữ nội trợ…
Ở Việt Nam chúng ta, nhiều nơi cũng đã bắt đầu thay đổi.
Từ nhà văn hóa “chỉ để họp” thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng tích hợp, đọc sách, học nghề, dạy kỹ năng, tổ chức chợ quê sạch.
Từ phát động phong trào dàn trải thành làm một việc cụ thể - cùng làm - cùng hưởng - cùng giữ gìn.
Từ tổ chức vận động theo lối mệnh lệnh thành gợi ý bằng cảm xúc, truyền cảm hứng, khơi dậy niềm tự hào về làng, về xóm.
Xây dựng nông thôn mới, trước hết phải xây cộng đồng mới
Cộng đồng ấy không cần phải giàu có, không cần rầm rộ, mà cần có đủ ba thứ: sự sẻ chia - sự tham gia - và sự gắn kết. Không cần ai phải “ra khỏi nhóm mình”, chỉ cần mọi người cùng bước vào một không gian chung, để hiểu nhau, làm với nhau, và sống vì nhau.
Vì khi cùng làm - ta hiểu nhau.
Khi hiểu nhau - ta thương nhau.
Khi thương nhau - chuyện khó cũng hoá dễ, chuyện nhỏ cũng trở thành việc lớn.
Hãy hình dung một xã nông thôn có những nhóm hành động cộng đồng liên thế hệ: người cao tuổi góp kinh nghiệm, thanh niên góp công nghệ, phụ nữ góp sự tinh tế, nông dân góp hiểu biết đất đai, doanh nhân góp đầu ra cho sản phẩm.
Dừa tươi, bưởi da xanh... là những sản phẩm được thị trường Nhật ưa chuộng
Ông Đoàn Văn Hóa (bìa phải), Giám đốc Công ty TNHH SumoFood Việt Nam đang rót trà mãng cầu mời khách thử
Gian hàng trưng bày các sản phẩm trái cây tươi đang được xuất khẩu tại thị trường Nhật của Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư HSC. Nguồn: baotintuc.vn
Người dân cùng nhau tổ chức “Đêm hội quê mình” như hôm nào. Bà con cùng nhau trồng cây, mở lớp học cộng đồng, tham gia bình dân học vụ số, dọn rác kênh mương, tổ chức chợ phiên sạch. Không còn ai đứng ngoài việc làng.
Và lúc ấy, nông thôn mới không chỉ là cái danh, mà là một vùng đất đáng sống.
Nông nghiệp mới không chỉ là cây - con - máy móc, mà là nền sản xuất gắn với con người, gắn với cộng đồng, gắn với sự hồi sinh của niềm tin.
Trình bày: Lan Anh
Lê Minh Hoan