Gọng kìm dẹp buôn lậu, hàng giả: Cuộc chiến sống còn bảo vệ kinh doanh 'sạch'

Gọng kìm dẹp buôn lậu, hàng giả: Cuộc chiến sống còn bảo vệ kinh doanh 'sạch'
một ngày trướcBài gốc
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng chịu nhiều tác động thì hàng lậu, hàng giả không chỉ là gian lận thương mại, mà còn là vấn nạn hủy hoại niềm tin thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính – những người đang gồng gánh trách nhiệm phát triển kinh tế và tạo dựng uy tín cho thương hiệu hàng Việt trên sân chơi hội nhập kinh tế quốc tế.
Đội Kiểm soát chống buôn lậu số 3 (Đội 3) – Chi cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì, phối hợp cùng có Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 thuộc Chi cục Hải quan khu vực II kiểm tra thực tế lô hàng chứa trong container 40 feet số HPPU9007070 được đăng ký bởi Công ty TNHH K.T.Đ. Ảnh: TTXVN phát
Theo báo cáo 5 tháng năm 2025 vừa được Ban Chỉ đạo 389 quốc gia công bố mới đây, cả nước có hơn 34.000 vụ vi phạm liên quan buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả bị các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý; trong đó, có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại.
Nghiêm trọng hơn, đã phát hiện hơn 1.100 vụ liên quan hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thuốc y tế, thực phẩm chức năng, sữa... Những vụ việc này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe cộng đồng mà còn tác động đến nền kinh tế, môi trường kinh doanh cũng như quyền lợi hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, sau hơn 1 tuần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng.
Mới đây nhất, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ sản xuất buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế với quy mô lớn, thu giữ trên 100 tấn hàng hóa vi phạm với 7 đối tượng liên quan. Lực lượng chức năng của TP Đà Nẵng cũng mới phát hiện, thu giữ hơn 500 sản phẩm thời trang giả các thương hiệu lớn. Công an tỉnh Nam Định khởi tố vụ án sản thuốc lá Thăng Long giả, thu giữ hơn 100 thùng...
Kiểm tra công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Siêu thị Dabaco Từ Sơn. Ảnh: Đỗ Huyền - TTXVN
Bày tỏ sự bất bình và cũng chia sẻ quan điểm trước vấn nạn hàng lậu, hàng giả; nhất là những tác động đối với doanh nghiệp, ông Ngô Tiến Đạt, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Đầu tư Tiến Đạt cho hay, sự lấn lướt của hàng lậu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, thị phần bị ảnh hưởng đồng nghĩa với nguy cơ lao động có thể mất việc. "Việc làm mất đi, thu nhập bị ảnh hưởng. Trong khi đó, các nguồn hàng trôi nổi thường không tạo ra chuỗi giá trị hay việc làm bền vững cho xã hội thì vẫn nhởn nhơ", ông Ngô Tiến Đạt cảm thán.
Ở góc nhìn rộng hơn, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) phân tích, khi hàng giả, hàng nhái mang nhãn mác “Made in Vietnam” được tuồn ra thị trường tiêu thụ, không chỉ ở trong mà còn ở ngoài nước, thì hậu quả không dừng lại ở việc người tiêu dùng bị lừa đảo; mà còn gây ra sự tổn thất khó bù đắp hay khôi phục về uy tín cho thương hiệu Việt, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh quốc gia trên thương trường quốc tế. Đã có không ít doanh nghiệp xuất khẩu ngành đồ gỗ và nội thất từng phản ánh, sau khi bị phát hiện có sản phẩm bị làm giả hoặc nhái thương hiệu tại nước ngoài, họ đã bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu sang một số thị trường quan trọng. Đây mới là tác hại lâu dài và rất khó phục hồi, ông Nguyễn Liêm chia sẻ.
Lực lượng Hải quan kiểm tra hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam. Ảnh Hồng Ninh-TTXVN
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng, cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý, mà còn là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và sự sống còn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Theo ông, trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh các chiến dịch chống hàng giả, cộng đồng doanh nghiệp thể hiện sự đồng tình và kỳ vọng lớn, bởi tình trạng buôn lậu và hàng giả không những gây hại trực tiếp đến người dân, mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Tuấn nhấn mạnh, nếu không xử lý triệt để tình trạng này, các doanh nghiệp chân chính sẽ bị đẩy vào thế bất lợi khi phải cạnh tranh với các mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, giá rẻ bất thường do không phải chịu chi phí tuân thủ pháp luật, thuế và kiểm định chất lượng. Điều này không chỉ làm tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp mà còn làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng vào hàng hóa trong nước, kìm hãm khả năng xây dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Theo ông Đậu Anh Tuấn, muốn chống hàng giả hiệu quả, cần những hành động mạnh mẽ từ phía Nhà nước, xử lý nghiêm minh, công khai các vụ vi phạm để tạo tính răn đe. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp chân chính, từ hỗ trợ pháp lý, tài chính đến bảo vệ quyền lợi khi bị xâm phạm bởi các hành vi gian lận thương mại. Có như vậy, môi trường kinh doanh mới minh bạch, công bằng hơn, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và uy tín của hàng hóa Việt Nam cả trong nước và trên thị trường quốc tế. Ông Tuấn cũng nhấn mạnh rằng, việc bảo vệ doanh nghiệp làm ăn hợp pháp chính là bảo vệ sự phát triển bền vững của nền kinh tế, bởi chỉ khi các doanh nghiệp được cạnh tranh công bằng, họ mới có động lực để đầu tư vào chất lượng, đổi mới sáng tạo và xây dựng thương hiệu – những yếu tố cốt lõi để hàng Việt vươn xa. Hàng giả ở nhiều cấp độ khác nhau gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế tác động trên thực tế còn vượt xa những tác động về mặt tài chính. Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt trời mới, để đồng hành cùng doanh nghiệp làm ăn chân chính, cần có giải pháp đồng bộ, huy động sức mạnh của cộng đồng xã hội và hợp tác quốc tế trong việc chống hàng giả từ giải pháp công nghệ đến thực thi pháp luật.
Theo đó, khuyến nghị doanh nghiệp nên áp dụng tiến bộ công nghệ như dạng thẻ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) để theo dõi và xác thực sản phẩm hay như ứng dụng công nghệ Blockchain giúp tạo lập các hồ sơ minh bạch và không thể thay đổi về nguồn gốc và quyền sở hữu sản phẩm. Ngoài ra, còn có phương pháp xác thực nâng cao như các loại mã vạch, mực đặc biệt, kỹ thuật tiên tiến khác để tăng cường bảo mật sản phẩm, kẻ làm giả khó tạo ra hàng giả...
Doanh nghiệp cũng cần chủ động và tăng cường việc bảo vệ quyền sở hữu, bảo vệ thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền, khiến những kẻ làm hàng giả khó hoạt động hơn. Song song đó là mạnh tay xử lý nghiêm khắc những kẻ làm hàng giả, quảng cáo gian dối hay các nhóm tội phạm có tổ chức hoặc cấu kết lợi ích nhóm giữa kẻ sản xuất giả và kẻ cấp phép...
Việc giải quyết bằng các động lực kinh tế như trao thưởng đối với việc phát hiện hàng giả và phạt nặng đối với hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng giả chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả trong răn đe và toàn xã hội cùng đẩy lùi hàng giả, gian luận thương mại, Luật sư Bùi Văn Thành nhấn mạnh.
Có thể thấy, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả không đơn thuần là chuyện xử lý gian thương trục lợi; nó còn là cuộc chiến bảo vệ thương hiệu, doanh nghiệp làm ăn chân chính, môi trường kinh doanh lành mạnh từ đó thúc đẩy kinh tế đưa đất nước phát triển bền vững. Bởi vậy, đây là thời điểm cần sự chung tay, đồng lòng từ Chính phủ, các cơ quan quản lý và địa phương, cho tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng... cùng nhau bảo vệ nền kinh tế trước vấn nạn này.
Top of Form
Ngọc Quỳnh/Bnews/vnanet.vn
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/gong-kim-dep-buon-lau-hang-gia-cuoc-chien-song-con-bao-ve-kinh-doanh-sach/375157.html