Sữa giả. Ảnh minh họa: TTXVN
Chỉ trong vài tháng đầu năm 2025, hàng loạt vụ sữa, thực phẩm, thuốc và phụ gia giả... bị phát hiện sau những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, động thái vào cuộc mạnh mẽ của các bộ ngành. Những vụ việc này phản ánh một thực trạng đáng báo động về tình trạng hàng hóa vi phạm và phơi bày lỗ hổng nghiêm trọng trong quản lý chất lượng. Hàng giả, hàng nhái, buôn lậu và gian lận thương mại len lỏi khắp chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử, thậm chí cả trong kệ hàng sang trọng không chỉ làm méo mó thị trường, hủy hoại đạo đức kinh doanh mà còn gặm nhấm niềm tin của người dân vào pháp luật.
Đứng trước mối nguy đe dọa đến sức khỏe cộng đồng, uy tín quốc gia và môi trường đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đồng thời trực tiếp chỉ đạo lập tổ công tác đặc biệt. Đây không đơn thuần là chiến dịch kiểm tra mà là tuyên bố hành động mạnh mẽ của Chính phủ trước hành vi phạm pháp gây thiệt hại lớn về ngân sách, bóp nghẹt động lực sản xuất trong nước, xói mòn niềm tin của người tiêu dùng. *Báo động đỏ Theo đánh giá từ giới phân tích, những vụ việc hàng giả chấn động thời gian gần đây phơi bày điểm yếu cốt lõi trong hệ thống quản lý và ý thức tiêu dùng tại Việt Nam. Cơ chế tự công bố chất lượng sản phẩm, vốn được kỳ vọng sẽ tạo sự chủ động và trách nhiệm cho doanh nghiệp đã bị các đối tượng xấu lợi dụng triệt để để hợp thức hóa sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là hàng giả. Cùng đó, việc thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ sau khi doanh nghiệp tự công bố đã tạo ra một sân chơi màu mỡ cho hành vi gian lận. Không những thế, việc ít quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác và chứng nhận chất lượng cũng là điều kiện cho các hành vi phạm pháp bùng nổ và hơn hết, người tiêu dùng trở thành nạn nhân của sản phẩm kém chất lượng, nhái thương hiệu, thậm chí nguy hại tới sức khỏe. Đơn cử như câu chuyện kẹo rau củ Kera với cái kết đắng chiều 19/5 vừa qua Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam Nguyễn Thúc Thùy Tiên (tức Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên) về tội Lừa dối khách hàng và 4 bị can khác bị khởi tố về tội sản xuất hàng giả liên quan đến Công ty cổ phần Asia Life và Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt là một bài học đắt giá và mang lại hậu quả khôn lường. Hay vụ triệt phá xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam (xã Thụy Vân, TP. Việt Trì, Phú Thọ) đã vén bức màn về quy mô và sự tinh vi của các đường dây sản xuất hàng giả. Hơn 71.000 lít dầu ăn, 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả cùng gần 84 tấn phụ gia và 1,5 triệu bao bì giả mạo các thương hiệu uy tín đã bị cơ quan công an thu giữ. Đáng buồn là sản phẩm của Famimoto đã tuồn ra thị trường 144 tấn dầu ăn, 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm và hơn 1.220 tấn mì chính trong vòng 4 năm. Hơn nữa, sản phẩm giả mạo này đã nhắm thẳng vào các bếp ăn tại khu công nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu họa lâu dài. Một vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp và hàng giả mạo xuất xứ lớn vừa được công bố. Kiểm tra một lô hàng quá cảnh tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Đội 1 (Cục Hải quan) phát hiện lô hàng quá cảnh do Công ty H đăng ký gồm 35 mục hàng, nhưng kiểm tra thực tế chỉ có 2 mục phù hợp với khai báo. Ngoài ra, cơ quan hải quan phát hiện thêm 91 mục hàng không khai báo, trong đó 23 mục (hơn 5.000 sản phẩm) nghi ngờ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đáng chú ý, trong số hàng không khai báo có gần 2.000 sản phẩm dán tem nhãn “Made in Viet Nam”, trong đó hơn 1.700 sản phẩm giày, dép vừa nghi ngờ vi phạm sở hữu trí tuệ vừa có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam... Nếu không được phát hiện kịp thời, lô hàng này khi xuất khẩu ra nước ngoài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Thống kê từ lực lượng quản lý thị trường cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2025, lực lượng đã phát hiện và xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm; trong đó, hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế. Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng. Khởi tố hình sự gần 1.400 vụ với hơn 2.100 đối tượng. Riêng các vụ việc liên quan hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ lên tới hơn 1.100 vụ, tập trung ở nhóm hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như dược phẩm. Con số này tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2024 - phản ánh rõ mức độ tinh vi và quy mô ngày càng mở rộng của các hành vi vi phạm. Các mặt hàng bị làm giả chủ yếu gồm thực phẩm chức năng, sữa, mỹ phẩm, thuốc tân dược, đồ điện tử, linh kiện xe máy – ô tô, thời trang, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc thiên nhiên… Kết luận cuộc làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh nhấn mạnh, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa… vẫn diễn biến phức tạp, trên phạm vi rộng, nhiều lĩnh vực, số đối lượng lớn. Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ rằng, nguyên nhân của yếu kém là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, sâu sát... Các cơ quan, địa phương có liên quan còn buông lỏng quản lý; thể chế còn thiếu, lạc hậu, chưa sát tình hình, nhất là những vấn về mới, nhạy cảm nổi lên; quản lý Nhà nước của một số bộ, ngành chưa chặt chẽ; công tác tổ chức, quy định chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo, bỏ sót, có khoảng trống; công tác tham mưu chưa kịp thời, hiệu quả. Cho rằng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng không rõ xuất xứ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ phát triển nhanh, bền vững của đất nước...
Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đang hướng dẫn cách phân biệt hàng thật- hàng giả. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/vnanet.vn
*Vá lỗ hổng pháp lý
Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết: Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hầu hết các sản phẩm uy tín, có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng đều bị làm giả. Đáng lưu ý, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn phổ biến và diễn biến phức tạp cả về quy mô, lĩnh vực lẫn phương thức sản xuất, tổ chức tiêu thụ, nhập khẩu từ bên ngoài. Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, tình trạng vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… tiếp tục diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Nổi cộm là các đối tượng vi phạm lợi dụng thủ tục đơn giản đối với hàng hóa quá cảnh, hàng tạm nhập tái xuất để buôn lậu; sử dụng sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream để quảng bá, kinh doanh hàng giả. Để đấu tranh hiệu quả với vấn nạn này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhiều lần nhấn mạnh tới việc cần thiết trong tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm trong lực lượng chức năng. Đi liền đó, nhiều kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng được ban hành, tập trung vào địa bàn trọng điểm và thương mại điện tử. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng: Nhằm nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ngoài sự phối hợp từ các bộ, ngành, việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục chồng chéo, bất cập là điều cấp thiết. Hơn nữa, việc vá lỗ hổng pháp lý sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch và bền vững. Ngoài ra, trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất và thương mại mới của khu vực, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc hàng hóa và nâng cao hiệu quả quản lý thị trường không chỉ là yêu cầu từ bên ngoài mà còn là chìa khóa để bảo vệ lợi ích lâu dài của nền kinh tế quốc gia. Do đó, việc xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, tuân thủ và hiệu quả là nền tảng để Việt Nam nâng cấp vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chính vì vậy, Công điện số 65/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là cuộc tấn công thần tốc và quyết liệt đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian tới. Không những thế, khoảng trống trong đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như thiếu tính thực tiễn trong Luật đã được chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện. Đáng lưu ý, Thủ tướng Chính phủ không chỉ yêu cầu xử lý mạnh tay mà còn đích thân phát động phong trào thi đua toàn quốc, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, từng bộ ngành. Cùng đó, Tổ công tác được thành lập theo Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm Tổ trưởng. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia là cơ quan thường trực của Tổ công tác sẽ xuống tận nơi, đôn đốc và xử lý trách nhiệm nếu địa phương để xảy ra tình trạng buông lỏng. Ông Trần Hữu Linh- Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Nhằm triển khai hiệu quả Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-TTTN về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới. Trong Kế hoạch, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước yêu cầu các đơn vị bám sát diễn biến của thị trường, tăng cường thu thập, phân tích thông tin về diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, dễ bị lợi dụng để đầu cơ, buôn lậu như các sản phẩm sữa, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, xăng dầu, đường, thuốc lá, phân bón... Chủ động phát hiện những biến động bất thường, những vấn đề nổi cộm của thị trường, từ đó có phương án giám sát, kiểm tra và xử lý kịp thời. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường kiểm tra và xử lý nhiều việc vi phạm. Cụ thể, cơ quan chức năng đã xử phạt một cơ sở kinh doanh 200 gói kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ; tạm giữ và tiêu hủy 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh tại TP. Thủ Đức có tổng trị giá gần 4,5 tỷ đồng; phát hiện 7 tấn đường nhập lậu tại huyện Củ Chi; xử lý một cơ sở kinh doanh hơn 1 tấn thịt khô bò không rõ nguồn gốc, xử phạt 100 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ lô hàng vi phạm. Cuộc chiến chống hàng giả, buôn lậu đã trở thành mệnh lệnh hành động từ người đứng đầu Chính phủ. Công điện 65 và các chỉ đạo quyết liệt đang mở ra gọng kìm siết chặt, nhắm thẳng vào những lỗ hổng, sự buông lỏng và cả những tồn tại lâu nay. Nhưng để cuộc chiến này thực sự hiệu quả và bền vững, cần hơn nữa sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm và không khoan nhượng từ lực lượng thực thi cho đến sự tham gia của chính người tiêu dùng.
Uyên Hương/BNEWS/vnanet.vn