Nguy hiểm đến từ công cụ SMS Blaster
Các cuộc tấn công mà Google cảnh báo sử dụng một công cụ được gọi là SMS Blaster. Theo đó, kẻ xấu sẽ dùng thiết bị giả mạo trạm phát sóng di động, phát ra tín hiệu khiến điện thoại hiểu nhầm đây là mạng di động hợp pháp. Khi đó, tin nhắn độc hại được gửi trực tiếp đến điện thoại, mà không đi qua nhà mạng. Điều này khiến mọi bộ lọc chặn spam hay cơ chế chống lừa đảo của nhà mạng hoàn toàn vô tác dụng.
Phát tán tin nhắn lừa đảo, giả mạo. Ảnh: Google
Điểm đáng sợ là kẻ tấn công không cần biết số điện thoại của nạn nhân. Chúng chỉ cần chọn khu vực cụ thể và phát sóng. Vì vậy, bất kỳ ai ở trong phạm vi tín hiệu đều có nguy cơ trở thành mục tiêu. Đặc biệt, những khu vực giàu có thường bị nhắm đến vì giá trị tài chính cao hơn.
Mới đây, cảnh sát Anh đã bắt giữ một đối tượng sử dụng SMS Blaster để phát tán tin nhắn lừa đảo ở một khu dân cư cao cấp. Nhà chức trách cảnh báo, bọn tội phạm tìm cách qua mặt các biện pháp bảo vệ nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, dữ liệu tài chính.
Tại sao người dùng điện thoại nên tắt 2G?
Nguyên nhân chính nằm ở điểm yếu bảo mật của mạng 2G, một chuẩn viễn thông đã quá cũ. Công nghệ 2G không có các cơ chế mã hóa và bảo vệ hiện đại như 3G, 4G hay 5G. Vì vậy, khi điện thoại kết nối với 2G, nó dễ bị giả mạo và khai thác.
Ngay cả ở những nơi 2G đã bị ngừng triển khai, nếu trên điện thoại vẫn bật 2G, thiết bị vẫn có thể bị lừa kết nối với một trạm phát sóng giả. Google cho biết, ngay khi bạn bật Chế độ bảo vệ nâng cao trên Android 16, 2G sẽ bị vô hiệu hóa mặc định.
Để thực hiện, bạn chỉ cần vào Settings (cài đặt) - Security & privacy (bảo mật và quyền riêng tư) - Advanced protection (bảo vệ nâng cao), sau đó kích hoạt tùy chọn Device protection (bảo vệ thiết bị). Tùy chọn này không chỉ giúp chặn kết nối 2G, mà còn tăng cường bảo mật tổng thể, hạn chế kết nối USB trái phép, buộc điện thoại khởi động lại nếu bị khóa hơn 72 giờ và phát hiện các dấu hiệu bất thường khi thiết bị bị đánh cắp.
Cách bật tính năng bảo vệ nâng cao trên điện thoại để tắt 2G. Ảnh: Google
Với người dùng iPhone, việc vô hiệu hóa 2G phức tạp hơn. Apple hiện chỉ hỗ trợ tắt 2G qua Lockdown Mode (chế độ khóa), một tính năng dành riêng cho những người có nguy cơ bị nhắm mục tiêu cao như nhà báo, nhà hoạt động, chính trị gia. Khi bật chế độ này, iPhone sẽ bị hạn chế nhiều tính năng để giảm nguy cơ bị tấn công.
Các hình thức lừa đảo phổ biến khác
Báo cáo mới từ Trend Micro cho thấy, ngoài công cụ SMS Blaster, người dùng điện thoại còn phải đối mặt với nhiều hình thức tấn công lừa đảo khác.
Cụ thể, kẻ gian sẽ giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như PayPal, Netflix, Toyota hay Google, gửi tin nhắn lừa người dùng nhấp vào đường link giả, khai báo thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hoặc nạp tiền.
Người dùng điện thoại nên cảnh giác với các tin nhắn khuyến mãi, tặng quà… Ảnh: Google
Trend Micro khuyến cáo, nếu điều gì đó nghe có vẻ quá tốt để thành sự thật thì nhiều khả năng là lừa đảo. Bên cạnh đó, người dùng cũng cần cảnh giác trước những dấu hiệu sau:
- Tin nhắn bất ngờ: Các tổ chức uy tín hiếm khi gửi tin nhắn yêu cầu thông tin cá nhân hay tài chính mà không có lý do chính đáng.
- Lỗi chính tả, ngữ pháp: Tin nhắn lừa đảo thường sơ sài, có lỗi chính tả, ngữ pháp không chuyên nghiệp.
- Nội dung không liên quan: Nếu bạn không đặt hàng, không tham gia rút thăm trúng thưởng hay không có giao dịch với thương hiệu được nhắc đến trong tin nhắn, hãy coi đó là lừa đảo.
Dù sở hữu thiết bị thông minh nào, điều quan trọng nhất là người dùng phải chủ động phòng ngừa. Tắt 2G, cảnh giác với tin nhắn lạ, không chia sẻ thông tin nhạy cảm và thường xuyên cập nhật phần mềm bảo mật là những bước thiết thực để tự bảo vệ mình trong thế giới số đầy cạm bẫy.
Tiểu Minh