"SEO ký sinh" (parasite SEO) là một chiến thuật lợi dụng thứ hạng cao của các trang web uy tín để kéo lưu lượng truy cập về các trang web nhỏ hơn, thường là các trang chất lượng thấp. Những website này thường sử dụng nội dung rác hoặc kỹ thuật "lách luật" để xuất hiện trên các vị trí đầu của kết quả tìm kiếm.
Mục tiêu chính của hành vi này là cắt giảm chi phí quảng cáo và chiếm lĩnh khách hàng từ các thương hiệu đối thủ. Đối với các trang web nhỏ hoặc mới thành lập, đây được xem là một cách nhanh chóng để đạt được lưu lượng truy cập tự nhiên mà không cần đầu tư quá nhiều vào nội dung hoặc quảng bá.
Google đang truy quét các đường dẫn lạm dụng danh tiếng trang web để kéo lưu lượng truy cập, còn được gọi là "SEO ký sinh".
Sau nhiều phản ánh từ các chủ sở hữu trang web lớn, Google chính thức công bố cập nhật chính sách mới nhằm xử lý triệt để hành vi "SEO ký sinh". Ông Chris Nelson, thành viên nhóm chất lượng tìm kiếm của Google, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều trường hợp lạm dụng danh tiếng của các trang web chính chủ, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng. Chính sách mới sẽ giúp ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi này. Chủ sở hữu trang web vi phạm sẽ nhận được thông báo qua Search Console để có cơ hội khắc phục".
Bên cạnh đó, Google cũng nhấn mạnh các thuật toán tìm kiếm sẽ được nâng cấp để phát hiện và loại bỏ các kết quả không hợp lệ.
Hành vi "SEO ký sinh" không chỉ làm suy giảm chất lượng nội dung trên công cụ tìm kiếm, mà còn gây thiệt hại lớn cho các trang web chính chủ. Nhiều thương hiệu lớn đã phàn nàn về việc mất vị trí xếp hạng vào tay các website chất lượng thấp hoặc sử dụng chiêu trò. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lưu lượng truy cập, mà còn làm giảm niềm tin của người dùng đối với công cụ tìm kiếm.
Cuộc chiến chống "SEO ký sinh" diễn ra trong bối cảnh Google đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ cả thị trường và pháp lý:
Thị phần tìm kiếm giảm sút: Sự xuất hiện của các nền tảng mới như TikTok và ChatGPT đã khiến thị phần của Google giảm 4% trong năm 2024 (theo GS Statcounter). Người dùng trẻ ngày càng chuyển sang tìm kiếm thông tin trên các nền tảng video ngắn hoặc chatbot AI thay vì sử dụng Google.
Áp lực pháp lý: Bộ Tư pháp Mỹ đang yêu cầu Google phải chia tách trình duyệt Chrome và hệ điều hành Android, nhằm giảm sự thống trị của tập đoàn này trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến. Nếu đề xuất này được thông qua, Google sẽ phải đối mặt với những thay đổi lớn trong cấu trúc và chiến lược kinh doanh.
Đức Anh