Góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975

Góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975
4 giờ trướcBài gốc
Trung đội Tự vệ nữ Nhà máy Dệt Nam Định trực chiến tại trận địa nhà máy. (Ảnh Tư liệu - Bảo tàng LLVT tỉnh)
Nam Định - pháo đài kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nam Định là một trong những địa phương trở thành hậu phương lớn, vững chắc cho cách mạng cả nước, đồng thời là điểm sáng trong xây dựng kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh. Trong bối cảnh đó, Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Nam Định đã phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng chính quyền, tham gia tích cực vào cải cách ruộng đất, vận động hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, khôi phục và phát triển kinh tế, đặc biệt là các cơ sở công nghiệp lớn của tỉnh như Nhà máy Dệt Nam Định, Nhà máy Cơ khí Lâm Đồng, Nhà máy Cơ khí Công trình… Đồng thời, LLVT tỉnh cũng tham gia các công trình thủy lợi, quai đê lấn biển, tiêu biểu là xây dựng Nông trường Rạng Đông, Nông trường Bạch Long - trở thành biểu tượng của sự kiên cường, sáng tạo trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việc chuyển ngành cho một số cán bộ, chiến sĩ; kiện toàn cơ quan quân sự các cấp; phát triển lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, vừa góp phần củng cố nền quốc phòng toàn dân, vừa giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tỉnh. Mối quan hệ quân - dân tiếp tục được củng cố, thông qua việc LLVT tích cực giúp dân sản xuất, phòng chống thiên tai, xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức các phong trào quần chúng cách mạng.
Thanh niên xung phong Nam Định hành quân vào miền Nam chi viện cho tiền tuyến phục vụ chiến đấu. (Ảnh Đỗ Dương Uyên)
Khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, từ chiến tranh đặc biệt đến cục bộ, mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, tỉnh Nam Định trở thành một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của giặc Mỹ. Với vị trí chiến lược trọng yếu, là đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc, Nam Định đã phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn, nhiều khu phố, nhà máy, cầu cống, trường học bị phá hủy bởi bom mìn, nhiều sinh mạng đồng bào bị cướp đi. Trước sự tàn bạo của địch, quân và dân Nam Định đã anh dũng, kiên cường đứng lên, phát động sâu rộng cuộc chiến tranh nhân dân toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa chiến đấu và sản xuất, vừa giữ vững “tay cày, tay súng”, vừa đảm bảo “tay thoi, tay súng”, kiên quyết bảo vệ miền Bắc - hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam. LLVT tỉnh đã nhanh chóng chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến, tổ chức phòng không nhân dân, sơ tán, củng cố hậu phương, xây dựng các trận địa pháo, hầm hào trú ẩn. Các đơn vị như: Tiểu đoàn 6 pháo cao xạ, Tiểu đoàn 66 pháo binh, Đại đội 1 công binh… đã lập nhiều chiến công xuất sắc, tiêu biểu: Tiểu đoàn 6 bắn rơi 10 máy bay Mỹ, Tiểu đoàn 66 bắn rơi 1 máy bay, bắn cháy 2 tàu chiến; Lực lượng phòng không các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Vụ Bản… cũng bắn rơi nhiều máy bay địch. Đặc biệt, dân quân xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) đã dùng súng trường bắn hạ một chiếc máy bay hiện đại của không quân Mỹ.
Sức mạnh của thế trận lòng dân
Cùng với bộ đội địa phương, lực lượng Dân quân tự vệ được xây dựng rộng khắp, trở thành lực lượng xung kích tại các địa bàn trọng yếu, vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu và giữ gìn trật tự trị an. Trận địa phòng không của dân quân các xã Giao Long, Giao Hải, Giao Lâm (Giao Thủy), Liên Bảo (Vụ Bản) là những điểm sáng tiêu biểu trong toàn tỉnh. Toàn tỉnh đã huy động trên 1 triệu ngày công xây dựng trận địa, công trình quốc phòng; gần 10 triệu ngày công đào hầm hào, phòng tránh. Trong một ngày, nhân dân các huyện Vụ Bản, Ý Yên đã góp gần 10 nghìn bó rào tre cho tên lửa vào trận địa. Tại huyện Trực Ninh, chỉ trong một đêm đã đắp hàng chục trận địa pháo, bảo đảm bộ đội chiến đấu kịp thời. Trên mặt trận đảm bảo giao thông - huyết mạch vận chuyển hàng hóa, vũ khí, LLVT tỉnh và nhân dân đã bất chấp hiểm nguy, dũng cảm vượt qua mưa bom bão đạn. Các tổ công binh, dân quân gan dạ của các xã Trực Phú, Trực Hùng, Trực Chính, Xuân Hồng, Nghĩa Thắng… đã kịp thời sửa đường, tháo gỡ bom mìn, bảo vệ an toàn các tuyến vận chuyển. Đặc biệt, nữ Anh hùng dân quân Vũ Thị Thanh Nhâm và đồng đội đã dũng cảm phá hàng chục quả bom nổ chậm, bom từ trường, mở đường thông tuyến cho hàng ra mặt trận.
Chi viện cho tiền tuyến - nghĩa tình sắt son với miền Nam ruột thịt
Với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phong trào “3 sẵn sàng”, “3 đảm đang”, “5 xung phong” lan rộng khắp tỉnh. Tuổi trẻ Nam Định hăng hái lên đường nhập ngũ, tình nguyện vào các đội thanh niên xung phong, hậu phương thì ra sức sản xuất, bảo đảm hậu cần. Các cánh đồng 5 tấn, hàng triệu mét vải, hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm được gửi vào Nam như tấm lòng ruột thịt. Tính đến trước Chiến dịch Hồ Chí Minh, toàn tỉnh đã có 164.406 thanh niên lên đường nhập ngũ, gần 1 triệu tấn hàng hóa, vũ khí được vận chuyển từ Nam Định vào chiến trường miền Nam, góp phần làm nên thắng lợi của nhiều chiến dịch lớn, trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong đại thắng mùa Xuân 1975, quân và dân Nam Định có hàng nghìn người trực tiếp tham gia chiến đấu tại các mũi, hướng của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Các đơn vị có đông đảo con em Nam Định như Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Sư đoàn 304, 312, 320B, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203, Lữ đoàn Pháo binh 164, Trung đoàn 52 Tây Sơn… đều là lực lượng xung kích, đánh vào các mục tiêu chiến lược.
Đoàn học viên Campuchia tại Học viện Quốc phòng tham quan về truyền thống của Lực lượng vũ trang tỉnh Nam Định. (Ảnh Hoàng Tuấn)
Sau hơn 20 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, quân và dân Nam Định đã lập nhiều chiến công hiển hách. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi kẻ thù mở rộng chiến tranh đánh phá ra miền Bắc, quân và dân Nam Định vừa sản xuất, vừa chiến đấu; đồng thời, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Riêng LLVT tỉnh đã phối hợp chiến đấu hơn 2.000 trận, bắn rơi 110 máy bay, bắn cháy 3 tàu chiến của địch. Thực hiện phong trào: “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tỉnh Nam Định đã tiễn hơn 164.400 lượt người con ưu tú lên đường nhập ngũ; huy động hơn 1 triệu tấn lương thực, hàng hóa, vũ khí, trang bị chi viện cho tiền tuyến và có 23.482 người con của quê hương Nam Định anh dũng hy sinh, 10.460 thương binh để lại một phần cơ thể trên các chiến trường, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Với những đóng góp to lớn đó, quân và dân Nam Định vinh dự là một trong những hậu phương mẫu mực, tiêu biểu, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tiếp nối truyền thống, vững bước đi lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân Nam Định tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Những bài học quý báu trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc luôn là kim chỉ nam để thế hệ hôm nay vững bước đi lên, xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh, góp phần cùng cả nước giữ vững chủ quyền, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.
Hoàng Tuấn
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/dat-nuoc-con-nguoi/202504/gop-phan-lam-nen-dai-thang-mua-xuan-1975-ea35cc8/