Hỗ trợ nhau nuôi tằm tại thôn Quế Dương
• HỖ TRỢ CHỊ EM PHÁT TRIỂN CÂY DÂU, CON TẰM
Gia đình chị Nguyễn Thị Hải, thôn Quế Dương, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà đang nuôi gần hai hộp tằm. Chị Hải cho biết, với 6 sào dâu, mỗi tháng chị nuôi xấp xỉ 3,5 hộp tằm. “Nuôi tằm nhiều như thế nhưng công việc không quá vất vả vì chúng tôi đã ứng dụng kỹ thuật mới như: nuôi tằm trên giàn sắt, trồng dâu cao sản lá to, năng suất cao. Và nhất là, chị em nuôi tằm thôn Quế Dương được hỗ trợ rất nhiều từ Tổ hợp tác Trồng dâu, nuôi tằm của phụ nữ thôn. Thật sự, nhờ có chị em hỗ trợ lẫn nhau, việc nuôi tằm của thôn Quế Dương nhàn hơn rất nhiều”, chị Hải tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Hải là thành viên Tổ hợp tác Trồng dâu, nuôi tằm thôn Quế Dương, một trong 4 tổ hợp tác phụ nữ làm ăn rất hiệu quả. Theo bà Tạ Thị Bích Thủy, hiện tại toàn xã Hoài Đức có 13 thôn, trong đó có bốn tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm đều thành công. Với đặc thù một nghề tuy không quá vất vả nhưng cần nhiều thời gian, chị em phụ nữ đã đoàn kết, chia sẻ với nhau từ nguồn giống, nguồn lá dâu, kỹ thuật chăm sóc tằm… Khi có chị đi vắng, bận việc, những chị em trong tổ sẵn sàng chăm sóc giúp nhà tằm. Đồng thời, thông qua các tổ hợp tác, nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước đến tay chị em phụ nữ, giúp nghề trồng dâu, nuôi tằm của chị em ngày càng phát triển. Như tổ thôn Quế Dương được hỗ trợ vốn vay 600 triệu đồng chia cho các thành viên, việc vay cũng như trả lãi, trả gốc đều thông qua tổ, rất thuận tiện cho chị em vay vốn.
Mô hình Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm của phụ nữ Hoài Đức được đánh giá là mô hình thành công, đang được nhiều địa bàn phù hợp vận dụng, lãnh đạo Hội Phụ nữ huyện Lâm Hà cho biết.
• THU HÚT PHỤ NỮ THAM GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN
Những ngày mùa khô 2024 - 2025, Chi hội Phụ nữ thôn Minh Dương đang chăm sóc đường hoa xanh, sạch, đẹp của thôn. Chị Nguyễn Thị Thanh - Chi hội trưởng vừa cắt cỏ vừa chia sẻ, con đường này nhiều năm mới được làm, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người trong thôn. Ngoài việc đi lại thuận lợi, chị em phụ nữ quyết định trồng hoa dọc con đường, tạo điểm nhấn, vẻ đẹp cho thôn. Vì vậy, các chị tự giao lưu các loại hoa phù hợp cho việc trồng ven đường, vận động các hộ xung quanh chăm sóc.
Không chỉ thôn Minh Dương, các thôn Hải Hà, Quế Dương, Đức Bình, Vân Khánh, Mỹ Hà…, chi hội phụ nữ đều thực hiện việc làm đẹp cho khu dân cư, phối hợp với Mặt trận xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu. Bà Tạ Thị Bích Thủy tâm sự, cuộc sống của chị em phụ nữ vùng nông thôn còn nhiều vất vả, quanh năm gắn với cây dâu con tằm, với việc đồng áng, việc nhà.
Theo bà Tạ Thị Bích Thủy, ngoài việc vận động chị em xây dựng kinh tế, xây dựng xóm làng, Hội Phụ nữ xây dựng mái nhà chung, tạo nên môi trường sinh hoạt văn hóa cho chị em phụ nữ. Sau dịch COVID-19, phụ nữ trong xã đã khơi lại phong trào sinh hoạt sôi nổi như phong trào dân vũ, phong trào thể thao, làm đẹp cùng áo dài. Các đội bóng chuyền hơi nữ được mở tại các thôn, các chị tham gia tập rất đông vào buổi chiều. Tại nhiều thôn, các nhóm dân vũ đã được thành lập với sự tham gia nhiệt tình của chị em. Từ sự vận động, khơi gợi phong trào của Hội, chị em các thôn trong xã tự thành lập, chọn các mẫu áo dài đa dạng, phong phú làm đồng phục cho thôn mình. Vào những ngày hội phụ nữ, những tà áo dài thướt tha mang lại vẻ đẹp đặc sắc cho phụ nữ Hoài Đức.
“Với 1.200 hội viên, Hội Phụ nữ đã vận động chị em tổ chức các mô hình thu gom ve chai, bán hỗ trợ trẻ mồ côi trên địa bàn toàn xã. Như hiện tại, 13 chi hội của chúng tôi đều có các điểm thu gom rác tái chế, năm 2024, chúng tôi đã hỗ trợ được 3 cháu mồ côi trong xã 2 triệu đồng/cháu. Với những chị em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ít đất sản xuất, Hội Phụ nữ xin tài trợ từ các nhà hảo tâm để hỗ trợ sinh kế cho chị em. Nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ một cặp heo để các gia đình phụ nữ khó khăn chăn nuôi, thêm động lực vươn lên. Những con heo đất do các chi hội chăn nuôi cũng là một nguồn để chúng tôi hỗ trợ chị em nghèo. Tinh thần hoạt động của chị em rất hào hứng, chỉ cần Hội chủ động sinh hoạt, chủ động thu hút là chị em tham gia sinh hoạt Hội nhiệt tình", bà Tạ Thị Bích Thủy chia sẻ.
DIỆP QUỲNH