Các thành viên HTX Trà quê em chia sẻ kinh nghiệm thu hái, chế biến chè đặc sản.
Trời đã vào Đông, song cái nắng hanh hao như thúc chè đơm lộc. Mải nghĩ miên man nên cảm nhận của tôi về quãng đường từ trung tâm TP. Thái Nguyên đến HTX Trà quê em như gần lại.
Đây rồi, Giám đốc HTX, một người đàn ông trẻ trung, khỏe khoắn trong bộ bảo hộ lao động ào ra đón. Vồn vã, thân thiện và theo lệ tục cùng ngồi vào bàn trà kề bên khu nhà xưởng chế biến rộng gần 300m2.
Giữa ồn ào của 30 máy vò, 8 máy sao sấy, anh Công vào chuyện: Mục đích xây dựng HTX của chúng tôi là để cùng nhau mang sản phẩm chè quê mình đi xa hơn. Nhưng chúng tôi thực hiện… cách làm chậm, tức là phần lớn sản phẩm được sao sấy bằng phương pháp thủ công.
Câu chuyện lan man bên bàn trà đưa chúng tôi ngược về miền quá khứ. Từ trước Cách mạng Tháng Tám, các cụ thân sinh của anh Công đã dắt díu nhau từ vùng đất Nam Định lên đất này. Bấm đốt tay thì đến anh Công là đời thứ 5 của dòng họ Ngô trên đất Tân Cương được cây chè nuôi sống. Ân tình với cây và đất, nên khát vọng đưa sản phẩm chè đi xa hơn là lẽ thường tình của cư dân vùng chè.
Anh Công không đứng ngoài cuộc. Ngoài việc đứng ra thành lập HTX để tập hợp một số bà con cùng làm ra sản phẩm chè an toàn, mang lại giá trị cao hơn, còn là cách cùng các HTX sản xuất, kinh doanh chè trên vùng đất Tân Cương chắp cánh cho thương hiệu chè Thái Nguyên bay xa hơn.
Mới thành lập nên nhiều bỡ ngỡ, song 7 hộ thành viên HTX đều nhất tâm hướng đến sản xuất chè an toàn, từng bước tạo dựng thương hiệu. Ngoài 1,7ha “vốn điều lệ” của hộ thành viên, HTX còn có hàng chục hộ "vệ tinh" thường xuyên tham gia cùng HTX.
Ông Ngô Văn Văn, thành viên của HTX, chia sẻ: Tham gia HTX, nông dân chúng tôi được nhiều cái lợi. Ví như việc chăm sóc, thu hái, chế biến… mọi người có thể cùng nhau làm, chè không bị quá lứa; được tham gia các lớp tập huấn về sản xuất, chế biến chè an toàn; được đi tham quan mô hình sản xuất chè OCOP… trong ngoài tỉnh.
Câu chuyện giữa chúng tôi cứ xoáy vào việc làm như thế nào để chất lượng, giá trị sản phẩm chè được nâng cao và cách tạo dựng thương hiệu chè của HTX. Tôi biết, Ban Giám đốc HTX đã rất quyết tâm, bằng mọi giải pháp tích cực để quảng bá sản phẩm. Ví như việc tham gia phục vụ khách thưởng trà miễn phí tại một số triển lãm, hội nghị, ngày hội văn hóa trong, ngoài tỉnh. Qua đó nhiều du khách trong nước, quốc tế biết đến Thái Nguyên thông qua sản phẩm Trà quê em.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh - thành viên HTX Trà Quê Em (áo nâu), quảng bá sản phẩm của HTX tại tỉnh Lạng Sơn.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, thành viên HTX, cho biết: Chúng tôi không chạy theo số lượng, sản phẩm ít, nhưng là sản phẩm tinh, có giá trị kinh tế cao. Hiện, HTX có các dòng sản phẩm: Chè tôm nõn, chè móc câu, chè đinh thượng hạng và chè đinh hảo hạng. Dòng sản phẩm hảo hạng và thượng hạng được sản xuất theo đơn đặt hàng… Dự kiến năm 2024, HTX đạt sản lượng khoảng 7 tấn chè búp khô.
Chúng tôi đội cái nắng vừa độ ngang cây sào ra nương chè. Tháng 11, do tốt phân, đủ nước nên các lô chè vẫn dày búp. Thấy chúng tôi, ông Phạm Văn Phong, thành viên HTX, phấn chấn nói: Trước đây, chúng tôi chỉ chế biến chè móc câu truyền thống, giá bán từ 200.000-250.000 đồng/kg. Nay giá chè loại thấp nhất cũng bán được 300.000 đồng/kg. Riêng dòng chè đinh hảo hạng được bán với giá 5 triệu đồng/kg.
Còn ông Ngô Văn ký cho biết: Trước chưa tham gia HTX, việc sản xuất tùy hứng, lúc bán chè tươi, khi chế biến thành chè móc câu bán cho thương lái. Làm mãi mà “thiên hạ” không ai biết đến tên mình.
Nắng đã đổ dài trong trời chiều Tân Cương, câu chuyện giữa tôi và các thành viên HTX còn vương vấn bởi cái bắt tay không muốn dời. Hò hẹn sản phẩm của HTX sẽ tỏa hương đến nhiều miền đất nước bằng giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó sản phẩm chủ lực là chè thượng hạng hướng về cách làm truyền thống đang được người tiêu dùng đánh giá cao.
Ngọc Chuẩn