Góp sức đưa quả ngọt xuất ngoại

Góp sức đưa quả ngọt xuất ngoại
4 giờ trướcBài gốc
"Bác sĩ" của cây vải
Đến vùng trồng vải sớm Phúc Hòa, chúng tôi có ấn tượng đặc biệt với chị Nguyễn Thị Nhung. Sinh ra từ làng quê Phúc Hòa, gắn bó với công việc nhà nông từ nhỏ, ước mơ được góp phần xây dựng những cánh đồng sản xuất lớn an toàn, chất lượng tại quê hương nên sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chị thi vào Trường Đại học Nông nghiệp I, học Khoa Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Nhung (bên phải) hướng dẫn người dân chăm sóc vải theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tốt nghiệp đại học năm 2005, chị Nhung về làm công tác khuyến nông tại một số đơn vị của huyện Tân Yên, cuối năm 2016 được luân chuyển về xã Phúc Hòa. Hai mươi năm qua, chị luôn tận tụy, nhiệt huyết với nghề; chủ động học hỏi, tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ, tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm. Bất kể thời tiết nắng mưa, sớm tối, khi bà con cần tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật là chị có mặt.
Phúc Hòa là xã trọng điểm trồng vải thiều sớm, từ tháng 4 đến đầu tháng 6 hằng năm là mùa cao điểm chăm sóc, thu hoạch. Khoảng thời gian này, chị Nhung thường xuyên đến các vườn vải kiểm tra tình hình cây trồng, hướng dẫn bà con canh tác, ứng dụng kỹ thuật để sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Cùng đó, chị còn quan tâm kết nối, đưa doanh nghiệp đến tham quan, thu mua nông sản cho bà con. Trước những đơn hàng lớn, chị không quản ngại khó khăn, thậm chí nhiều đêm đến vườn hướng dẫn hộ dân cách thu hái, bảo quản vải đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Sáng ra, chị vẫn có mặt tại trụ sở cơ quan làm việc bình thường.
Còn nhớ vụ vải năm 2023, quả vải của một số hộ có hiện tượng chín sớm bất thường, vỏ rám đỏ nhưng cùi khô ít nước. Mới đầu chỉ vài cây lốm đốm dấu hiệu lạ, sau một đêm lan nhanh ra cả vườn và nhiều vườn khác. Hàng nghìn cây vải sắp đến ngày thu hoạch có nguy cơ thất thu.
Kiểm tra cặn kẽ từng chùm quả, chị Nhung xác định hiện tượng trên là do vi khuẩn lạ gây ra, khác hẳn với các bệnh thông thường và chưa có thuốc đặc trị. Sau khi báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo xã, chị liên hệ với các chuyên gia, đồng nghiệp tham khảo thêm kinh nghiệm xử lý. Khó khăn là mỗi người mỗi ý kiến, dự đoán khác nhau về tình trạng bệnh của cây, việc xử lý thêm rối. Cuối cùng, bằng kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm nhiều năm tích lũy, chị Nhung đã hướng dẫn các hộ diệt khuẩn trên quả bằng cách pha chế theo tỷ lệ tính toán của mình.
Phun thuốc xong, chị vẫn thấp thỏm lo lắng, chỉ đến khi các hộ báo tin vi khuẩn trên cây đã bị diệt sạch, lúc ấy chị mới thở phào nhẹ nhõm. Nhờ trị bệnh kịp thời, hàng chục ha vải phát triển bình thường, đến khi thu hoạch cho năng suất hơn mong đợi, chất lượng quả vải được các cơ quan kiểm định đánh giá bảo đảm an toàn. Đến nay, các hộ vẫn nhắc mãi công lao của chị Nhung, coi chị như "bác sĩ" của cây vải.
Nâng chất lượng quả
Phúc Hòa được thiên nhiên ưu đãi, có khí hậu đặc thù, phù hợp với cây vải sớm. Vải sớm Phúc Hòa không ngọt đậm như vải chính vụ mà vị thanh mát, cùi dày, mọng nước. Tuy vậy, để trở thành sản phẩm hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cần tuân thủ quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác nghiêm ngặt. Trong khi đó, phần lớn người dân địa phương vẫn giữ thói quen chăm sóc vải theo kinh nghiệm, một số hộ còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ngại đầu tư, áp dụng kỹ thuật mới.
Nhận thấy triển vọng xuất khẩu của quả ngọt quê hương, chị Nhung đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật canh tác theo quy chuẩn của quốc gia nhập khẩu. Ban đầu chỉ vài hộ làm theo nhưng “mưa dầm thấm lâu”, nhờ sự kiên trì của chị cùng sự tuyên truyền, hướng dẫn của các cấp, ngành, dần dà người dân cũng nhận ra lợi ích nhiều mặt khi sản xuất vải thiều chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính.
Hiện Phúc Hòa đã ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp, đối tác đặt mua vải xuất khẩu đi Mỹ, EU và một số thị trường cao cấp. Quả vải Phúc Hòa có được vị thế hôm nay là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự quyết tâm của mỗi hộ dân và đặc biệt là sự sát sao, nhiệt tình hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc cây đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của đồng chí Nguyễn Thị Nhung”.
Đồng chí Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa
Kết quả, năm 2021, vải sớm Phúc Hòa đã đáp ứng điều kiện xuất khẩu. Đến nay, xã đã xây dựng được 27 mã số vùng trồng vải xuất khẩu đi các nước, trong đó có nhiều thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Thái Lan, Hàn Quốc... Nhiều hộ dân từ chỗ sản xuất quy mô nhỏ nay đã có lượng hàng lớn xuất sang Mỹ và nhiều nước châu Âu như gia đình các ông, bà: Đặng Lệ Thủy, Nguyễn Văn Thuận, Ngô Văn Ánh, Ngô Văn Cường, Nguyễn Văn Hùng thôn Quất Du 2; Nguyễn Văn Hà, thôn Phúc Lễ…
Đồng chí Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa thông tin: “Quả vải Phúc Hòa có được vị thế hôm nay là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự quyết tâm của mỗi hộ dân và đặc biệt là sự sát sao, nhiệt tình hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc vải sớm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của đồng chí Nguyễn Thị Nhung”.
Với người dân Phúc Hòa, chị Nhung là cán bộ giỏi chuyên môn, tận tụy, trách nhiệm. Các hộ trồng vải đều tin tưởng, áp dụng kỹ thuật mà chị hướng dẫn. "Nhờ có chị Nhung hỗ trợ mà năng suất, chất lượng quả vải của chúng tôi ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường", bà Dương Thị Minh, thôn Quất Du 2 nói.
Triển vọng, uy tín của trái vải sớm Phúc Hòa ngày càng vươn xa, khẳng định chất lượng nông sản của địa phương trên thị trường trong nước, quốc tế. Năm nay, diện tích vải sớm toàn xã Phúc Hòa ước đạt hơn 700 ha, sản lượng khoảng 10 nghìn tấn, tăng khoảng 3 nghìn tấn so với năm trước.
Những mùa vải nối tiếp nhau đã mang lại cho người dân trong xã cuộc sống ngày càng sung túc. Với người cán bộ khuyến nông cơ sở tận tụy, say mê công việc như chị Nhung, niềm vui lớn nhất chính là được bà con trong xã yêu mến, cấp trên tin tưởng. Được biết, cuối năm 2024, do không còn chức danh cán bộ khuyến nông trong cơ cấu tổ chức bộ máy ở cấp xã, chị Nhung được chuyển sang làm công chức Tư pháp - Hộ tịch.
Dù đã chuyển công tác song đầu năm 2025, chị Nhung vẫn được lãnh đạo UBND xã Phúc Hòa giao thêm nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân địa phương sản xuất vải thiều đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Mỗi khi người dân cần hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc vải hoặc các loại cây trồng khác, chị đều sẵn sàng chỉ dẫn. "Tôi rất hạnh phúc khi được mang kiến thức, kinh nghiệm phục vụ sản xuất, giúp ích cho người dân trong xã, góp phần nâng giá trị, thương hiệu của trái vải quê hương" - chị Nhung bày tỏ.
Bài, ảnh: Hải Vân
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/gop-suc-dua-qua-ngot-xuat-ngoai-postid416968.bbg