Góp sức xây dựng làng quê

Góp sức xây dựng làng quê
16 giờ trướcBài gốc
Ông Nguyễn Văn Hiệp tự nguyện hiến đất và vận động các hộ cùng tham gia hiến đất làm đường nông thôn
Mặc dù gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp chỉ có gần 3,5 ha đất sản xuất, nhưng do đất canh tác nằm trên địa hình khá dốc, nhiều đá to nên đường sá đi của người dân gặp rất nhiều khó khăn nhất là trong việc vận chuyển phân bón, hàng nông sản sau thu hoạch... Ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết, trước tình cảnh khó khăn, vất vả trong việc đi lại, phát triển sản xuất của bà con nông dân, vào năm 2020, ông đã không so đo thiệt, hơn và quyết định hiến khoảng 1.000 m2 đất đã có sổ đỏ để mở đường cho bà con đi lại thuận tiện. Trên diện tích đất gia đình ông Hiệp hiến làm đường có trồng trên 200 cây cà phê, 6 gốc tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh. Đồng thời, tự thuê máy múc san gạt mặt bằng với số tiền trên 13 triệu đồng.
Năm 2023, cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường nói trên từ đường đất sang đường bê tông. Khi mới có chủ trương làm đường, UBND xã đã phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể của xã tổ chức họp thôn để bàn bạc, thống nhất chủ trương và 100% số hộ dân có đất bị ảnh hưởng đều thống nhất tự nguyện hiến đất làm đường vào khu sản xuất tập trung và tiến hành cắm móc giới. Tuy nhiên, đến năm 2024, khi UBND xã và chủ đầu tư tiến hành thi công thì một số hộ dân lại không bàn giao mặt bằng như đã thỏa thuận ban đầu, vì giá đất, giá cả hàng nông sản đang tăng cao, nên một số hộ đề nghị đền bù đất, số cây trồng trên đất gây khó khăn cho chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ: “Được sự tuyên truyền của các cấp chính quyền địa phương, gia đình tôi đã hiến thêm 2.000 m2 đất. Để tạo sự thống nhất, đồng thuận với chủ trương làm đường thì trước tiên gia đình mình phải gương mẫu đi đầu sau đó mới tiếp tục tuyên truyền, thuyết phục các hộ khác làm theo, tôi thống nhất đất của gia đình vướng đến đâu sẽ hiến đến đó. Sau 2 lần hiến đất và san gạt mặt bằng xong, đất của gia đình tôi bị thiệt hại khoảng với diện tích 3.000 m2”.
Ông Ha Câu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Rô Men cho biết: Với phương châm “Lấy hộ dân tuyên truyền, thuyết phục hộ dân”, sau khi đã hiến đất xong, ông Nguyễn Văn Hiệp đã chủ động liên hệ với các hộ dân đã thống nhất chủ trương hiến đất đi động viên, tuyên truyền, thuyết phục các hộ còn lại thống nhất chủ trương hiến đất làm đường. Nhờ đó, 100% các hộ dân đều đồng ý giao mặt bằng cho UBND xã, chủ đầu tư tiến hành thi công công trình.
Không chỉ gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Hiệp còn được biết đến là một trong những gia đình làm kinh tế giỏi của xã. Ông luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả, tham gia tích cực các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất do các cấp, các ngành tổ chức để vận dụng vào phát triển kinh tế của gia đình với phương châm “trồng đa cây, nuôi đa con, lấy ngắn nuôi dài”.
Với diện tích gần 3,5 ha cà phê, năm 2024, gia đình thu trên 40 tấn cà phê tươi với giá bán dao động từ 25.000 - 27.000 đồng/kg thì gia đình ông Hiệp thu trên dưới 1 tỷ đồng; thu thêm từ 300 gốc hồ tiêu, 300 cây mắc ca và tận dụng đất giáp ranh, đất ven suối trồng thêm 300 cây cà ri cao sản với số tiền thu được trên 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình ông Hiệp còn có nguồn thu nhập từ việc nuôi thỏ thương phẩm, nuôi ngan, ngỗng và gà đẻ trứng với số tiền gần 70 triệu đồng/năm.
Cùng với việc làm kinh tế giỏi, gia đình ông Hiệp luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương; cởi mở, hòa đồng với bà con lối xóm, sẵn sàng chia sẻ, tư vấn những kinh nghiệm trong sản xuất, hỗ trợ chồi cà phê ghép cho các hộ dân có nhu cầu, đặc biệt là những hộ người đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo việc làm theo mùa vụ cho từ 4 - 6 lao động địa phương. Từ các nguồn thu nhập của gia đình, vào cuối năm 2023, ông Hiệp đã tự thiết kế, xây dựng được căn nhà khá khang trang có trị giá 2 tỷ đồng…
NDONG B'RỪM
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/doi-song/202412/gop-suc-xay-dung-lang-que-273303b/