Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tuyên truyền công tác trợ giúp pháp lý, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân ở miền núi Phú Yên. Ảnh: NGỌC QUỲNH
Nhưng trong hành trình thực thi công lý, đã có những phiên tòa đầy tính nhân văn cùng những trợ giúp viên pháp lý âm thầm đồng hành, góp phần đưa pháp luật đến gần hơn với họ - những người yếu thế.
Phía sau một bản án
Tại một phiên xét xử sơ thẩm mới đây của TAND huyện Đồng Xuân, hai vợ chồng người đồng bào DTTS ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) là K Pá Lai và La Mo Thị Phiêm bị truy tố về tội hủy hoại rừng tại khoản 3 Điều 243 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 7-15 năm tù.
Theo cáo trạng, đầu tháng 7/2023, do cần đất sản xuất, K Pá Lai rủ vợ vào khu vực rừng phòng hộ tại khoảnh 1, Tiểu khu 111 (do UBND xã Xuân Quang 1 quản lý) chặt phá cây rừng để trồng lúa và keo. Hành vi này đã làm thiệt hại 27.400m² rừng, với giá trị tổn thất về môi trường và sinh thái hơn 163 triệu đồng. Sau đó, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân phối hợp với UBND xã Xuân Quang 1 kiểm tra, lập biên bản và chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xử lý. Theo cơ quan chức năng, diện tích rừng bị phá thuộc loại rừng phòng hộ, song là rừng nghèo kiệt.
Căn cứ quy định pháp luật, hành vi của họ đã cấu thành tội phạm. Thế nhưng phía sau bản cáo trạng là câu chuyện của đói nghèo, mù chữ, thất học, thiếu hiểu biết về pháp luật...
Trợ giúp, bào chữa cho hai bị cáo trong phiên tòa ấy là ông Ngô Tấn Hải, Trợ giúp viên pháp lý, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh thuộc Sở Tư pháp. Ông Hải cho biết: “Khi tiếp cận vụ việc, chúng tôi nhận thấy đây là hành vi phạm pháp nhưng xuất phát từ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, do thiếu đất sản xuất, nhận thức pháp luật hạn chế. Họ chỉ nghĩ đơn giản là chặt rừng để có đất canh tác, cải thiện cuộc sống. Họ không biết chữ, không hiểu được quy định pháp luật, chúng tôi phải giải thích từ những điều cơ bản nhất, làm sao để họ hiểu rõ hậu quả hành vi và quyền được bảo vệ”.
Thời gian tới, Trung tâm TGPL sẽ đẩy mạnh truyền thông pháp luật tại cơ sở để người dân có thể tiếp cận thông tin ngay từ cộng đồng. Đồng thời, trung tâm chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, không chỉ về chuyên môn mà cả kỹ năng truyền đạt, ứng xử để kết nối hiệu quả hơn với người DTTS.
Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nguyễn Thị Khánh Duy
Trong vai trò người bào chữa, ông Hải đã viện dẫn nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: phạm tội lần đầu; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đã tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Ngoài ra, hai bị cáo đều thuộc nhóm người yếu thế được pháp luật ưu tiên bảo vệ, nên được hội đồng xét xử xem xét khi lượng hình.
Kết thúc phiên tòa, K Pá Lai bị tòa tuyên phạt 3 năm tù treo, La Mo Thị Phiêm 2 năm 6 tháng tù treo, cùng thời gian thử thách 5 năm; cả hai bị buộc bồi thường hơn 163 triệu đồng. Bản án được đánh giá là nghiêm khắc nhưng nhân văn, đủ sức răn đe nhưng cũng mở ra cơ hội để họ sửa sai, làm lại cuộc đời. K Pá Lai nghẹn lời sau phiên tòa: “Hành vi phá rừng là sai. Sau bản án này, tôi không dám tái phạm nữa. Chúng tôi cảm ơn cán bộ trợ giúp pháp lý đã nói giúp, chỉ cho vợ chồng tôi hiểu cái đúng, cái sai”.
Thành công trong vụ án này không chỉ cho thấy hiệu quả của hoạt động TGPL trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người yếu thế, mà còn phản ánh chân thực những điều kiện, khó khăn và đặc thù trong công tác này ở vùng miền núi Phú Yên.
Đưa pháp luật đến gần dân
Vụ việc của vợ chồng K Pá Lai không phải là cá biệt ở các huyện miền núi Phú Yên. Đời sống bà con vùng đồng bào DTTS vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn: trình độ hạn chế, thiếu đất sản xuất, canh tác lạc hậu, ít hiểu biết pháp luật. Trong bối cảnh đó, trợ giúp viên pháp lý đóng vai trò cầu nối giữa pháp luật và người dân. Họ không chỉ tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật mà còn hỗ trợ miễn phí, giúp người dân hiểu và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Theo Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, trong quý I/2025, đơn vị đã tham gia 77 vụ án hình sự, trong đó 55 vụ do trợ giúp viên pháp lý trực tiếp thực hiện, 22 vụ do luật sư hợp đồng đảm nhận.
Tuy vậy, trên thực tế công tác này vẫn đối mặt với không ít thách thức như: người dân, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức rõ quyền được TGPL miễn phí, vẫn còn tâm lý ngại ngần khi tiếp cận dịch vụ pháp lý. Rào cản ngôn ngữ, sự chênh lệch về trình độ học vấn giữa người dân và cán bộ pháp lý khiến quá trình giải thích, hướng dẫn pháp luật đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Thêm vào đó, một số địa bàn miền núi vẫn chưa có chi nhánh hoặc điểm tư vấn pháp luật thường trực, gây khó khăn trong việc hỗ trợ kịp thời...
NGỌC DUNG