Đại biểu nhận định, hồ sơ dự án đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đảm bảo đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua theo thủ tục rút gọn.
Góp ý cụ thể về quy định thẩm quyền quyết định cho vay, lãi suất và tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt; theo đại biểu, quy định trong dự thảo luật là phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong quản lý nhà nước, góp phần nâng cao tính chủ động, linh hoạt và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước trong vai trò điều hành chính sách tiền tệ quốc gia. Đặc biệt, điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian ra quyết định, xử lý nhanh các tình huống khẩn cấp, nhất là trong những trường hợp cần hỗ trợ tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn về thanh khoản nhưng vẫn có khả năng phục hồi.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Trần Hồng Nguyên thảo luận tổ chiều 20/5.
Nội dung thứ hai là việc bổ sung quyền thu giữ tài sản bảo đảm tại Điều 198a, theo đại biểu nội dung này trước đây đã được quy định tại Nghị quyết số 42 của Quốc hội. Theo Báo cáo số 174 ngày 11/5/2022 của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, kết quả cho thấy các biện pháp trong nghị quyết này đã phát huy hiệu quả rõ rệt, mang lại tác động tích cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng và nền tài chính quốc gia. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, Quốc hội đã xem xét đưa một số nội dung vào Luật Các tổ chức tín dụng. Song, một số cơ chế chính sách thí điểm quan trọng vẫn chưa được luật hóa do chưa đủ sức thuyết phục Quốc hội, trong đó có quy định liên quan đến thu giữ tài sản bảo đảm. Từ thực tiễn đó, đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc cần thiết phải bổ sung quy định này vào dự thảo luật do Chính phủ đề xuất.
Đồng thời, đại biểu cũng đề cập đến nội dung hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự hoặc là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong việc vi phạm hành chính được quy định tại Điều 198c. Qua thực tế, đại biểu cho rằng quy định này là cần thiết và phù hợp. Việc cho phép hoàn trả tài sản bảo đảm khi đã hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ và tài sản không còn ảnh hưởng đến quá trình tố tụng, thi hành án hoặc xử lý vi phạm hành chính sẽ giúp tránh tình trạng tài sản bị giữ kéo dài, gây chậm trễ trong xử lý nợ xấu và ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Quốc hội đang đồng thời xem xét sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ nội dung này nên quy định ở luật nào là phù hợp hơn. Chính phủ cần tiếp tục phối hợp với hai cơ quan soạn thảo để thống nhất và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.
Đại biểu cũng lưu ý, việc thực hiện quy định tại Điều 198c có liên quan trực tiếp đến trách nhiệm và hoạt động của nhiều cơ quan như: cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan thi hành án, cơ quan xử lý vi phạm hành chính, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức mua bán, xử lý nợ. Tuy nhiên, trong dự thảo luật hiện nay mới chỉ có quy định mang tính nguyên tắc.
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nếu muốn giao Chính phủ quy định chi tiết thì phải có nội dung giao rõ trong luật. Vì vậy, đại biểu đề xuất cần bổ sung quy định tại Điều 198c giao Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Trong đó, cần xác định rõ quy trình, điều kiện, trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc xử lý tài sản bảo đảm đối với các trường hợp đã nêu.
T.HÀ