Quang cảnh cuộc họp góp ý Dự án Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở. Ảnh: SONG LÊ
Theo đánh giá của ngành liên quan, điểm mạnh của truyền thanh cơ sở là kênh thông tin thiết yếu gần dân, sát dân, tuyên truyền hiệu quả đến người dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với số lượng người được tiếp cận thông tin rất đông đảo. Hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở có nội dung chương trình bảo đảm đúng định hướng tuyên truyền của các cơ quan có thẩm quyền, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền và phục vụ nhu cầu thông tin thiết yếu đến nhân dân trong tỉnh. Điểm yếu hiện nay là công nghệ, thiết bị kỹ thuật của hệ thống thông tin cơ sở phần lớn là cũ kỹ, lạc hậu, nhiều nơi xuống cấp, ứng dụng công nghệ trong tổ chức, quản lý hoạt động thông tin cơ sở còn hạn chế. Nhân lực làm công tác thông tin cơ sở kiêm nhiệm hoặc không chuyên trách thường xuyên thay đổi nên hiệu quả không cao.
Mục tiêu đầu tư đến năm 2025, 100% các sở, ngành cấp tỉnh và cấp huyện cung cấp thông tin thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý trên Hệ thống thông tin nguồn tỉnh, thành phố; đến năm 2026, 100% đài truyền thanh cấp xã có dây/không dây FM chuyển đổi sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Tổng mức đầu tư dự kiến trên 60 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, các sở, ngành liên quan đã thảo luận về sự cần thiết phải thực hiện Dự án Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở và thống nhất nội dung dự thảo tờ trình.
Đồng chí Nguyễn Văn Khởi đề nghị ngành chuyên môn tiếp tục tham mưu về trình tự thủ tục theo đúng quy định pháp luật, đồng thời hoàn chỉnh một số nội dung đã được đóng góp để làm cơ sở cho UBND tỉnh xem xét quyết định chủ trương đầu tư.
SONG LÊ