Quang cảnh cuộc họp. MOJ.
Chiều ngày 06/01, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp trao đổi, góp ý đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.
Tại cuộc họp, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã thông tin về tình hình xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đang tiếp tục tổng hợp kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành còn hiệu lực chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương để phục vụ xây dựng Hồ sơ Nghị quyết của Quốc hội (Tính đến ngày 03/01/2025, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhận được thông tin, báo cáo của 37 địa phương.
Theo đó, các địa phương đã rà soát 1291 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành) chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan Trung ương, trong đó tập trung nội dung quy định (tên) hoặc dẫn chiếu đến các văn bản do các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành).
Tại cuộc họp, các đại biểu đã cho ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết đã được Cục và các đơn vị liên quan chuẩn bị (như tên gọi của Nghị quyết; phạm vi, đối tượng điều chỉnh và nội dung của dự thảo Nghị quyết; nội dung Báo cáo đánh giá tác động chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội…).
Bên cạnh đó, đại diện một số bộ, ngành cũng cho ý kiến về các quy định liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của các bộ, ngành mình dự kiến quy định tại dự thảo Nghị quyết; cũng như những nội dung chưa cần thiết phải sửa đổi cụ thể các luật, mà có thể áp dụng các nguyên tắc trong dự thảo Nghị quyết để xử lý tại thời điểm hiện nay.
Trên cơ sở phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của từng bộ, cơ quan, các thành viên Tổ biên tập cũng sẽ tiến hành rà soát, dự liệu các tình huống pháp lý, các nội dung cần quan tâm thể hiện trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động của các cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy và không tạo ra “khoảng trống pháp luật” trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, các đại biểu cũng thông tin về tình hình xây dựng, ban hành các văn bản theo thẩm quyền của các bộ, cơ quan để thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy; cũng như thảo luận về những nội dung cần tập trung đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham mưu, ban hành các văn bản nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết.
Như Nguyệt