Góp ý vào các Đồ án quy hoạch phân khu đô thị Ninh Bình

Góp ý vào các Đồ án quy hoạch phân khu đô thị Ninh Bình
2 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Hoa Lư, Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khánh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đơn vị tư vấn báo cáo dự thảo các Đồ án quy hoạch phân khu đô thị trong điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040. Bao gồm: Quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Bắc; Quy hoạch phân khu Khu vực Bái Đính và Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu các khu vực trong Quần thể danh thắng Tràng An.
Đơn vị tư vấn báo cáo dự thảo các Đồ án quy hoạch phân khu đô thị trong điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040.
Đối với Quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Bắc, được xây dựng trên cơ sở kế thừa cấu trúc phát triển, mô hình đô thị, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, liên kết xanh núi đá, các kinh nghiệm của chuyên gia ở quy hoạch cũ, đồng thời điều chỉnh quy mô ranh giới, thời gian quy hoạch, tích chất chức năng, quy hoạch tầng cao, các chỉ tiêu sử dụng đất, kết nối mặt nước, hệ thống giao thông thủy, chức năng sử dụng đất tại một số vị trí chính.
Phân khu Khu đô thị phía Bắc có quy mô khoảng 2.300ha, quy mô dân số 150-155 nghìn người với tính chất, chức năng là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch và dịch vụ của tỉnh và đô thị Ninh Bình; trung tâm công nghiệp văn hóa, tổ chức sự kiện lớn của quốc gia và quốc tế. Là khu đô thị sinh thái cửa ngõ phía Bắc, hấp dẫn, sáng tạo, hiện đại với mạng lưới không gian cảnh quan đặc thù gắn với điều kiện tự nhiên của khu vực, kết hợp hài hòa với Quần thể danh thắng Tràng An và cảnh quan dọc sông Đáy. Là một trong các khu vực đô thị mới với trung tâm cao tầng, hiện đại; phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại gắn với chỉnh trang khu dân cư làng xóm hiện trạng. Quy hoạch phát triển theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư.
Đối với Quy hoạch Phân khu Khu vực Bái Đính có quy mô diện tích trên 3.000 ha; đân số năm 2040 khoảng 38-40 nghìn người. Phía Bắc giáp sông Hoàng Long; phía Tây và Tây Nam giáp sông Bến Đang; phía Đông và Đông Nam giáp khu vực vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An và Cố đô Hoa Lư. Tính chất, chức năng là vùng đệm sinh thái phía Tây, gắn với khu du lịch văn hóa chùa Bái Đính; trung tâm dịch vụ công cộng, dịch vụ du lịch vành đai phía Tây của đô thị Ninh Bình, phát triển dân cư mới với hạ tầng đồng bộ hiện đại kết hợp cải tạo chỉnh trang làng xóm hiện trạng. Là khu sinh thái nông nghiệp gắn với loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm.
Đối với Quy hoạch phân khu các khu vực trong Quần thể danh thắng Tràng An, điều chỉnh cục bộ Khu 8 Khu vực Thung Nham và Khu 9 Khu vực Gia Sinh trong quy hoạch phân khu năm 2023. Đồng thời, điều chỉnh tính chất đất Phân khu 5 - Trại giam Ninh Khánh sau khi di dời thành đất dịch vụ du lịch và bổ sung đất dịch vụ du lịch tại khu vực xã Gia Sinh, bổ sung thêm chức năng dịch vụ, hướng tiếp cận di sản từ phía Tây. Định hướng khu vực Trường quay, trung tâm biểu diễn thực cảnh, trung tâm công nghiệp văn hóa; phục dựng làng nghề thuốc Thiền sư Nguyễn Minh Không…
Đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Cơ bản đồng tình với các nội dung dự thảo các Đồ án, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến cụ thể vào từng nội dung điều chỉnh, bổ sung. Trong đó, đề nghị chỉ rõ các điểm nhấn đô thị, chức năng chính, chức năng dẫn dắt, định hướng không gian của các phân khu để xử lý triệt để các bất cập của quy hoạch cũ. Một số ý kiến cho rằng, đơn vị tư vấn cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hiểu rõ hơn về địa bàn, về văn hóa… để các đồ án quy hoạch phù hợp và sát với thực tế hơn. Bên cạnh đó, cần cập nhật những biến động về đất đai, có phương án bố trí hạ tầng kỹ thuật khung như giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải phù hợp với tính chất và quy mô phát triển của đô thị mới. Việc xây dựng quy hoạch phải theo hướng mở, phải có sự liên kết với các quy hoạch khác, trong đó cần nghiên cứu mở rộng không gian phát triển sau khi sáp nhập tỉnh; cân nhắc bố trí các khu đô thị cao tầng tránh việc phá vỡ không gian cảnh quan di sản...
Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Sở Xây dựng chỉ trong thời gian ngắn đã nhanh chóng phối hợp với đơn vị tư vấn để xây dựng và cơ bản hoàn thiện các Đồ án quy hoạch phân khu đô thị trong điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Đồng chí cũng nhấn mạnh đây là lĩnh vực khó, yêu cầu cao, do đó trong tư duy, phương pháp lập quy hoạch phải đánh giá được thực trạng kết quả triển khai để khái quát định hướng, tinh thần, tính chất của từng phân khu, từ đó đưa ra quan điểm, giải pháp để cải tạo, chỉnh trang cho phù hợp. Quy hoạch cũng phải đảm bảo kết nối liên thông giữa các phân khu tạo nên mảnh ghép hài hòa, đồng thời phải có sự đồng bộ với các quy hoạch khác, tránh chồng lấn, trùng nhiệm vụ quy hoạch.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị, đồng thời tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh các đồ án đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu, cần ưu tiên hoàn thành trước các đồ án có tính cấp bách, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của tỉnh giai đoạn hiện nay.
Nguyễn Lựu-Anh Tuấn
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/gop-y-vao-cac-do-an-quy-hoach-phan-khu-do-thi-362961.htm