Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có mục tiêu hướng tới đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới và phản ánh thực tiễn đang diễn ra; tuy nhiên, cần tiếp tục được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm tính phù hợp và hiệu quả thực tiễn.
Việc Ủy ban soạn thảo công khai Dự thảo Nghị quyết và tổ chức lấy ý kiến nhân dân là một biểu hiện sáng tỏ của tinh thần dân chủ, thượng tôn pháp luật và tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Đây chính là dịp để mọi công dân phát huy trách nhiệm, đóng góp trí tuệ, bảo đảm Hiến pháp thực sự là đạo luật gốc của quốc gia.
Mặc dù vậy, qua phân tích kỹ lưỡng, chúng tôi nhận thấy khoản 3, Điều 2 của Dự thảo, quy định: “Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng, xâm phạm các nguyên tắc hiến định cơ bản và giá trị pháp quyền. Theo đó, chúng tôi khẩn thiết đề nghị xem xét loại bỏ hoàn toàn quy định này, với các lý lẽ như sau:
Thứ nhất, quy định này mâu thuẫn trực tiếp với nguyên tắc “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” tại Điều 2 Hiến pháp năm 2013. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, được nhân dân bầu ra thông qua bầu cử trực tiếp. Việc chỉ định cá nhân ngoài HĐND, bỏ qua ý chí và tín nhiệm trực tiếp của cử tri sẽ làm suy giảm tính đại diện, xói mòn nền tảng dân chủ và có thể đặt dấu chấm hỏi về tính chính danh của người lãnh đạo.
Thứ hai, quy định này dưới góc nhìn công tác cán bộ, phá vỡ nguyên tắc “Đảng cử, Nhân dân bầu” - phương thức cốt lõi bảo đảm tính khách quan, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Việc chỉ định vượt quy trình bầu cử sẽ tạo ra sự bất nhất trong vận hành quyền lực, làm lu mờ ý nghĩa lá phiếu của nhân dân và dễ dẫn đến tâm lý hoài nghi trong dư luận về tính công bằng và minh bạch của công tác cán bộ.
Thứ ba, tạo lập “ngoại lệ” hiến định chưa từng có trong lịch sử pháp luật và không phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hiến pháp là nền tảng pháp lý cao nhất, phải bảo đảm tính thống nhất và nhất quán với hệ thống pháp luật dưới luật. Việc mở ra con đường khác biệt cho các chức danh lãnh đạo HĐND gây xáo trộn trong áp dụng, tăng rủi ro mâu thuẫn, làm suy yếu tính nghiêm minh của pháp luật.
Thứ tư, việc giải quyết vấn đề nhân sự không nhất thiết phải bằng một giải pháp “đặc biệt” có thể gây tranh luận về tính hợp hiến. Luật pháp hiện hành đã có những quy định cho phép xử lý trường hợp khuyết vị trí người đứng đầu HĐND các cấp trong một khoảng thời gian nhất định. Trong thời gian này, các phó chủ tịch HĐND vẫn có thể đảm nhận việc điều hành. Các cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có đủ cơ sở và thời gian để chuẩn bị nhân sự theo đúng quy trình, tiêu chuẩn cho một kỳ bầu cử bổ sung hoặc chuẩn bị cho kỳ bầu cử HĐND các cấp theo kế hoạch. Việc đề xuất một giải pháp mang tính “đặc biệt” cần được cân nhắc kỹ lưỡng về sự cần thiết và tính phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Thứ năm, cụm từ “trường hợp đặc biệt” thiếu sự rõ ràng, dễ bị lạm dụng và tùy tiện giải thích dẫn đến áp dụng thiếu thống nhất, gây mất niềm tin của nhân dân vào tính công minh của Hiến pháp và pháp luật. Thiếu tiêu chí rõ ràng cũng đồng nghĩa với việc gia tăng rủi ro vi phạm nguyên tắc pháp quyền.
Với tinh thần xây dựng, trách nhiệm công dân cao nhất, chúng tôi tha thiết đề nghị Ủy ban dự thảo cùng các vị đại biểu Quốc hội trân trọng lắng nghe, nghiên cứu và xem xét bãi bỏ hoàn toàn quy định về “trường hợp đặc biệt” tại khoản 3, Điều 2 nhằm bảo đảm Hiến pháp thực sự vững chắc, minh bạch, dựa trên ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Chỉ khi Hiến pháp phản ánh trọn vẹn các nguyên tắc hiến định, tuân thủ tính pháp quyền và bảo đảm vai trò chủ thể của nhân dân, chúng ta mới có thể xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh, nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước./.
Bách Việt