Theo tờ Business Insider, hạm đội tàu sân bay, tàu khu trục và tàu ngầm cũ kỹ của Hải quân Mỹ đang đối mặt tình trạng tồn đọng bảo trì và sửa chữa kéo dài. Trong khi đó, các kế hoạch đóng tàu mới cũng gặp khó khăn do sự chậm trễ kéo dài nhiều năm và chi phí vượt mức.
Tất cả những điều này đều là bề nổi của một vấn đề lớn hơn: sự suy yếu của ngành đóng tàu khổng lồ của Mỹ mà Hải quân nước này phụ thuộc vào.
"Với những thách thức trong lĩnh vực đóng tàu, tình hình ngân sách và những khó khăn trong tuyển dụng và giữ chân quân nhân, Hải quân đang ở ngã ba đường khi phải đối mặt những mối đe dọa đang phát triển nhanh chóng từ các đối thủ ngang hàng” - bà Shelby Oakley, Giám đốc Văn phòng Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ Mỹ, nói với Business Insider.
Tàu chiến USS Ralph Johnson của Mỹ. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
'Căn bệnh' chậm trễ
Theo Business Insider, ngành đóng tàu của Mỹ chỉ còn là cái bóng của những gì đã có trong những năm cuối của Chiến tranh Lạnh. Hải quân Mỹ phụ thuộc phần lớn vào một số ít các công ty đóng tàu quy mô với năng lực thiết kế và chế tạo các loại tàu khác nhau, bao gồm Huntington Ingalls Industries (tàu sân bay, tàu ngầm, tàu đổ bộ, tàu khu trục), General Dynamics (tàu ngầm, tàu khu trục, tàu hỗ trợ) và Fincantieri Marinette Marine Corporation (tàu hộ vệ).
Một đánh giá của Bộ Hải quân vào đầu năm nay cho thấy các dự án đóng tàu hàng đầu của Hải quân Mỹ, từ tàu ngầm mới đến tàu mặt nước, đều bị trì hoãn nhiều năm và chi phí bị đội lên rất cao.
Trong số những dự án bị trì hoãn lâu nhất, dự kiến sẽ kéo dài ít nhất 3 năm nữa, có dự án tàu ngầm tấn công lớp Virginia Block IV và tàu hộ vệ mang lửa dẫn đường lớp Constellation. Lịch bàn giao tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Columbia đầu tiên của Hải quân, một ưu tiên của Lầu Năm Góc, dự kiến sẽ chậm từ 12 đến 16 tháng, nguy cơ dẫn đến lỗ hổng trong kế hoạch sẵn sàng cho lực lượng hạt nhân của nước này. Tương tự, lịch bàn giao tàu sân bay USS Enterprise thuộc lớp Ford của Hải quân Mỹ cũng có khả năng chậm trễ từ 18 đến 26 tháng.
Nguyên nhân
Các quan chức, nhà phân tích và chuyên gia trong ngành đóng tàu cho rằng sự chậm trễ là do nhiều thách thức, như thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan, ngân sách quốc phòng không nhất quán, các yêu cầu thay đổi của Hải quân, tác động lâu dài của đại dịch COVID-19, lạm phát, lực lượng lao động suy giảm và các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Các nguyên nhân khác bao gồm tình trạng tồn đọng và quản lý chương trình kém hiệu quả của ngành công nghiệp đóng tàu Mỹ, nơi có sự cạnh tranh hạn chế trên thị trường. Các công ty đóng tàu vốn phụ thuộc vào vật liệu từ nước ngoài thường xuyên phải chờ đợi các lô hàng và các hợp đồng trước đại dịch COVID-19 hiện không đồng bộ với nền kinh tế hiện tại.
Bên cạnh đó, tỉ lệ sản xuất cao hơn sẽ đòi hỏi chi phí cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động lớn hơn. Việc sửa chữa và bảo dưỡng cũng bị hạn chế do ít xưởng đóng tàu công có sẵn.
Bà Oakley cho biết văn phòng của bà đã phát hiện ra những vấn đề trong ước tính chi phí của Hải quân Mỹ, đó là "thường thiếu sót và các giả định không thực tế".
Các nhà đóng tàu bắt đầu các công việc trước khi bản thiết kế hoàn thành, dẫn đến công việc không đồng bộ, nhưng ngân sách của Hải quân không điều chỉnh theo chi phí tăng và lịch trình kéo dài. Điều đó làm giảm "sức mua của Hải quân" và góp phần "làm mất ổn định chương trình", theo bà Oakley.
Điều đó cũng khiến ngành công nghiệp đóng tàu Mỹ rơi vào tình thế bất ổn. Bà Paula Zorensky - Phó Chủ tịch Hội đồng đóng tàu Mỹ - nói với Business Insider rằng tín hiệu nhu cầu không nhất quán trong các khoản đầu tư đã gây ra sự bất ổn trong cơ sở công nghiệp, vốn đã phải đối mặt những thách thức kinh tế do lạm phát, đại dịch và các yếu tố kinh tế khác.
Hải quân Mỹ liên tục gặp phải vấn đề trong việc xây dựng hạm đội gồm ít nhất 355 tàu mà họ cho là cần. Những thách thức với công nghệ mới đã làm trì trệ tàu sân bay hạng nhất USS Gerald R. Ford; lớp Zumwalt bị cắt giảm chỉ còn ba tàu khu trục tàng hình và không còn đạn cho các khẩu pháo chính; và các tàu chiến ven bờ có nhiều lỗi đã bị loại biên mặc dù một số chỉ được đưa vào sử dụng trong vài năm.
Tàu sân bay USS George Washington của Hải quân Mỹ. Ảnh: REUTERS
Ông Bryan Clark - một cựu sĩ quan Hải quân, hiện là chuyên gia quốc phòng tại Viện Hudson (Mỹ) - nhận định rằng việc Hải quân thúc đẩy các thiết kế và nền tảng ngày càng tiên tiến hơn theo một số cách cũng góp phần gây ra các vấn đề trên.
Đây là một vấn đề phức tạp mà Hải quân đang phải giải quyết vì họ cũng đang phải vật lộn để duy trì và sửa chữa hạm đội hiện tại của mình. Trong khi lực lượng tàu ngầm được coi là quan trọng đối với sức mạnh chiến đấu của Mỹ thì có báo cáo vào năm 2023 rằng 40% trong số 49 tàu ngầm có sẵn tại thời điểm đó đang chờ bảo trì do thiếu hụt nhân công và các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Bà Mackenzie Eaglen - thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ - cho rằng Hải quân cần phải phá vỡ cái mà bà gọi là "vòng lặp diệt vong". Chi phí đóng tàu, bảo dưỡng và sửa chữa tiếp tục tăng khi hạm đội già đi và thu hẹp trong khi các vấn đề xây dựng mới phát sinh. Hải quân chỉ trích các nhà đóng tàu, còn các nhà đóng tàu than thở về chi phí tăng cao của tiền lương, áp lực lạm phát và sự không chắc chắn về ngân sách.
Cách giải quyết vấn đề
Những khó khăn trong ngành đóng tàu của Hải quân Mỹ không phải là mới và hiện vẫn chưa có cách giải quyết nhanh chóng. Đầu năm nay, Đô đốc Lisa Franchetti - người đứng đầu các hoạt động hải quân - đề xuất rằng trọng tâm nên là chuẩn bị các nền tảng hiện tại và khắc phục các vấn đề bảo trì. Các hệ thống tự động cũng nên là ưu tiên của Bộ Quốc phòng.
Về lâu dài, các chuyên gia cần phải đầu tư đáng kể vào việc trẻ hóa năng lực và khả năng đóng tàu quân sự, tăng cường sản xuất và hợp lý hóa quy trình thiết kế. Một chiến lược rõ ràng hơn cho ngành công nghiệp và thiết lập chuỗi cung ứng ổn định, cũng như tuyển dụng và giữ chân những người lao động tài năng, cũng rất quan trọng. Có thể cần đầu tư lớn hơn và thay đổi mạnh mẽ để xây dựng và duy trì lực lượng trên 300 tàu.
Mỹ cũng nhìn thấy cơ hội với các đồng minh ở Thái Bình Dương. Lãnh đạo Hải quân Mỹ đã ca ngợi ngành đóng tàu mạnh mẽ của Nhật và Hàn Quốc và cân nhắc hợp tác với hai nước để khôi phục ngành công nghiệp này của Mỹ.
VĨNH KHANG