Quốc kỳ Gruzia và cờ Liên minh châu Âu. Ảnh: Emerging-europe.com/TTXVN
Quyết định này đã gây ra làn sóng phản đối trên khắp cả nước và làm dấy lên nhiều lo ngại từ cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Irakli Kobakhidze đưa ra thông báo này ngay sau khi ông và đảng cầm quyền Georgian Dream tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội gây tranh cãi vào tháng trước. Phe đối lập và các tổ chức quan sát quốc tế cho rằng cuộc bầu cử này có dấu hiệu gian lận, với sự can thiệp từ Nga nhằm giữ Gruzia trong quỹ đạo của Moskva thay vì hướng tới châu Âu.
Căng thẳng đã leo thang khi hàng ngàn người dân Gruzia đổ ra đường biểu tình tại thủ đô Tbilisi và nhiều thành phố khác, bày tỏ sự bất bình trước quyết định của chính phủ. Những người biểu tình cho rằng chính quyền đã đi ngược lại nguyện vọng hội nhập châu Âu của người dân. Các cuộc biểu tình nhanh chóng trở nên căng thẳng khi cảnh sát sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán đám đông, trong khi một số người biểu tình đáp trả bằng pháo sáng và các khẩu hiệu phản đối. Bộ Nội vụ Gruzia cho biết có ba cảnh sát bị thương trong các vụ đụng độ này.
Xem video người dân Gruzia biểu tình phản đối quyết định của chính phủ sau khi Thủ tướng Irakli Kobakhidze thông báo tạm dừng gia nhập EU đến năm 2028. Nguồn: Reuters.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Kobakhidze chỉ trích EU và cho rằng khối này đã sử dụng các biện pháp "ép buộc và can thiệp" vào công việc nội bộ của Gruzia. Ông khẳng định chính phủ sẽ không đưa vấn đề đàm phán gia nhập EU vào chương trình nghị sự cho đến năm 2028 và từ chối nhận bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính nào từ EU trong thời gian này. Những phát ngôn này làm sâu sắc thêm khoảng cách giữa Gruzia và EU, trong khi khối này nhiều lần bày tỏ quan ngại về các chính sách của Tbilisi mà họ cho là có tính chất hạn chế dân chủ và nhân quyền, mang dấu ấn từ Nga.
Tổng thống Salome Zourabichvili, một người luôn ủng hộ mạnh mẽ con đường hội nhập EU đã bày tỏ sự phản đối quyết liệt trước quyết định của chính phủ. Bà lên án đảng cầm quyền với cáo buộc rằng những hành động này "đi ngược lại lợi ích của người dân Gruzia" và đẩy đất nước xa rời con đường châu Âu. Mặc dù bà Zourabichvili đã tổ chức gặp gỡ với các đại sứ EU và lãnh đạo phe đối lập để tìm kiếm giải pháp, song vai trò mang tính nghi lễ của bà khiến những nỗ lực này càng gặp nhiều trở ngại.
Quyết định tạm dừng đàm phán với EU và từ chối nhận tài trợ không chỉ gây tác động tiêu cực đến quan hệ Gruzia - EU mà còn làm dấy lên những lo ngại về định hướng tương lai của đất nước. Mặc dù đảng cầm quyền Georgian Dream khẳng định cam kết với mục tiêu hội nhập châu Âu, nhưng các động thái gần đây của chính phủ đã làm dấy lên sự hoài nghi trong dư luận. Những quy định mới, như luật về "các tác nhân nước ngoài" bị chỉ trích là hạn chế quyền tự do báo chí và cản trở hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, góp phần gia tăng mối lo về sự suy giảm dân chủ tại Gruzia.
Trong khi đó, Nga dường như bày tỏ sự ủng hộ với các chính sách mới của Gruzia. Tổng thống Vladimir Putin đã ca ngợi quyết định của Gruzia và gọi đây là sự "can đảm" và "độc lập" trong bối cảnh áp lực quốc tế.
Tình hình hiện tại đặt ra những thách thức lớn đối với Gruzia. Mâu thuẫn giữa chính phủ và người dân cùng với sự giám sát chặt chẽ từ cộng đồng quốc tế đã tạo nên viễn cảnh đầy bất ổn về tương lai của quốc gia Nam Kavkaz này. Để đạt được mục tiêu hội nhập châu Âu mà phần lớn người dân mong đợi, Gruzia cần có những cam kết rõ ràng hơn đối với việc bảo vệ dân chủ, nhân quyền và xây dựng lòng tin từ các đối tác quốc tế.
Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo Indianexpress, Newsweek, Reuters)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/gruzia-tam-dung-dam-phan-gia-nhap-eu-trong-4-nam-20241129093631253.htm