GS Đặng Lương Mô, nhà khoa học về lĩnh vực điện tử vi mạch, có nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng, chia sẻ với VietTimes về định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam thời gian tới.
- Sản xuất chip nói riêng và tham gia ngành công nghiệp bán dẫn nói chung đang dần trở thành mục tiêu hành động của nhiều tỉnh, thành phố. GS đánh giá thế nào về khả năng phát triển của nền công nghiệp chip bán dẫn ở Việt Nam thời gian tới?
-Tôi đã từng nói trong khoảng 20 năm qua, chúng ta đã bỏ lỡ 3 cơ hội tiếp cận, nắm bắt công nghệ chế tạo bán dẫn. Lý do, có lẽ không có sự tham gia trực tiếp của cơ quan Trung ương.
Lần thứ 4 này khác, Trung ương đã đi đầu. Thủ tướng đã lên tiếng trước nhất về phát triển công nghiệp bán dẫn và ký ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Chúng ta có bứt tốc phát triển được hay không nhờ vào những bước đi sắp tới của Nhà nước, của Chính phủ. Mong rằng với yếu tố mới như vậy, lần này, chúng ta sẽ thành công.
Nhìn lại lịch sử phát triển của nền công nghiệp bán dẫn một số nước Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) và một hòn đảo nhỏ bé mà ngày nay đứng số 1 trên thế giới về chế tạo vi mạch siêu quy mô; hay chậm hơn song cũng đạt tới những trình độ đáng nể như Singapore, Indonesia, Malaysia, chúng ta thấy tất cả thành công đều có yếu tố quyết định là đầu tư của Nhà nước, gồm cả tiền và cơ chế chính sách.
Như Nhật Bản tài trợ Kế hoạch VL Project 1976-1980 trị giá 70 tỷ JPY, tương đương 220 triệu USD thời đó (hoán chuyển ra trị giá thời nay gấp 12 lần). Hay ở Hàn Quốc, họ không những bỏ tiền hỗ trợ mà còn có những chính sách ưu đãi về thuế suất đối với chip được sản xuất trong nước.
Mong rằng Nhà nước sẽ đầu tư ồ ạt, kêu gọi tư nhân trong và ngoài nước tham gia quy trình đầu tư này, có như vậy mới hy vọng thành công. Không thể ngồi chờ nước ngoài đầu tư cho ta.
-Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tiên tiến, hấp dẫn, tự chủ và phát triển bền vững. GS có thể gợi ý về động lực để chúng ta có thể vươn lên trong chuỗi cung ứng bán dẫn, thay vì đặt những mục tiêu xa vời, khó đoán?
-Câu nói kinh điển “một nền công nghiệp điện tử mạnh không thể tồn tại được nếu không tiếp cận được công nghệ bán dẫn tiên tiến” của doanh nhân tầm cỡ thế giới Pasquale Pistorio, President và CEO của Công ty ST Microelectronics, cho thấy tầm quan trọng của công nghệ bán dẫn - vi mạch với sự phát triển của xã hội ngày nay.
Nói cách khác, công nghệ và công nghiệp bán dẫn - vi mạch chính là chìa khóa mở ra xã hội tiến bộ. Những ngôn từ thời thượng trong hơn nửa thế kỷ qua, như: Công nghệ thông tin, siêu máy tính, Big Data, AIoT, Edge Computing, Chuyển đổi số, Kinh tế số, Xã hội số... đều là hư cấu nếu không có chip bán dẫn - vi mạch. Sự xuất hiện của chip bán dẫn - vi mạch là đầu mối của những phát triển liên quan công nghệ số mà chúng ta có ngày nay và mãi mãi về sau.
-GS từng nói Việt Nam nên tập trung vào công đoạn của “nhà giàu” và sử dụng nhiều hàm lượng chất xám, nhất là thiết kế chip và ứng dụng chip, bởi chúng ta đã có lịch sử phát triển thiết kế, kiểm thử 20 năm qua. Vì sao nên chọn khâu khó này và tiềm lực chúng ta đã sẵn sàng cho “cuộc chơi lớn”, thưa GS?
-Việt Nam là quốc gia lớn, với dân số hơn 100 triệu người, đứng thứ 16 trong số 204 quốc gia trên thế giới. Nhu cầu về chuyển đổi số ở nước ta rất lớn, đòi hỏi nhiều kinh phí: từ trải mạng lưới số khắp nước, đến tàng trữ và xử lý dữ liệu số khổng lồ, tới cung cấp phương tiện giao tiếp qua mạng cho mọi người...
Nếu mọi linh kiện, thiết bị, công nghệ đều nhập từ nước ngoài thì chi phí vô cùng lớn. Chỉ có tự mình phát triển nền công nghiệp điện tử đủ mạnh, trong đó có hàm chứa một nền công nghiệp bán dẫn - vi mạch tiên tiến, mới có thể thỏa mãn nhu cầu nội địa như vậy.
Chớ nghĩ đây là công đoạn của “nhà giàu”. Nhật Bản khi dấn thân vào công nghệ bán dẫn - khoảng hơn chục năm sau khi thua trận Thế chiến II - là một nước nghèo, phải nhận viện trợ lương thực. Hay Hàn Quốc, khi bắt đầu ồ ạt đầu tư làm bán dẫn từ thập niên 1970, thu nhập trên đầu người của họ còn thấp hơn miền Nam Việt Nam lúc đó.
Ở đây không còn vấn đề giàu - nghèo, muốn hay không muốn, thích hay không thích. Vấn đề là không làm không được.
GS Đặng Lương Mô tặng sách cho Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhân dịp họp mặt kiều bào đầu năm 2023. Ảnh: Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM.
-Nhắc tới đất hiếm, ông từng đánh giá đó là thế mạnh để đưa ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đi nhanh. Chúng ta nên tận dụng “con át chủ bài” cho phát triển và tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn, vi mạch toàn cầu thế nào, thưa GS?
-Đúng là tôi có phát biểu ở đâu đó về đất hiếm, một nguồn tài nguyên vô giá mà Việt Nam có. Tuy nhiên, tôi cũng đã nói và viết: Đất hiếm hàm chứa nhiều thành phần kim loại hiếm (rare metals), tức thành phần thiết yếu cho công nghiệp, nhất là công nghiệp điện tử và công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, đất hiếm chỉ có quan hệ “họ hàng xa” với bán dẫn - vi mạch.
Ngược lại, có một nguồn nguyên liệu thô trực tiếp cho bán dẫn là cát/đá thạch anh, chúng ta có nhiều, rải rác từ bắc chí nam. Một công ty Nhật Bản đã thuê các đơn vị khai thác cát đá xây dựng ở Việt Nam điều tra nguồn tài nguyên này. Họ sở hữu một bản đồ khá chi tiết những địa điểm có thể khai thác nguyên liệu thô đó, cả về số lượng cũng như chất lượng (hàm lượng Silicon, tiếng ta gọi là Si-lic).
Nguồn cát đá thạch anh như vậy không phải nước nào cũng có. Chẳng hạn như Nhật Bản, nơi cung cấp đến 70% đĩa Silicon (wafer) cho nền công nghiệp bán dẫn thế giới, hoàn toàn trông cậy nguồn nguyên liệu thô nước ngoài.
Tôi khuyến nghị Nhà nước nên tổ chức cuộc điều tra triệt để về nguồn tài nguyên này, làm cơ sở cho sự nghiệp phát triển mảng vật liệu thô cho nền công nghiệp bán dẫn - vi mạch.
-Xin cảm ơn GS!
Kính mời độc giả đọc đặc san VietTimes Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề "Chuyển đổi số và kỷ nguyên vươn mình" tại đây!
Quang Anh (thực hiện)